Nhận tin bố bị tai biến, anh Phương vội ra sân bay Tân Sơn Nhất hỏi chuyến sớm nhất về quê, nhưng trong người chỉ còn 350.000 đồng, may nhờ sự giúp đỡ của các nhân viên sân bay mà anh đã kịp chuyến cuối ngày.
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện bài đăng kể về câu chuyện cảm động ấm áp tình người ở sân bay Tân Sơn Nhất. Câu chuyện về một nam hành khách khuyết tật, quê ở Kim Động, Hưng Yên.
Đứng trước quầy vé giờ chót trong ngày, chàng trai Nguyễn Quốc Phương trình bày với nhân viên bán vé chuyện tay mình bị cụt, không có vân tay nên không được làm chứng minh nhân dân mà chỉ có giấy chứng nhận khuyết tật của ủy ban xã cấp.
Ở quê nhà, bố của Phương bị tai biến đang mong con về nên anh khẩn khoản muốn được đi máy bay để sớm về với gia đình. Anh muốn hỏi nhân viên sân bay có cách nào để đi được máy bay không.
Anh Phương cho biết, bản thân mình đã vào Sài Gòn được ba năm nay, hàng ngày làm nghề bán vé số kiếm tiền nuôi thân và gửi về quê phụ giúp gia đình. Vì bản thân có khiếm khuyết nên anh làm gì cũng khó, lại mưu sinh ở đất khách quê người. Trước đây mỗi lần về thăm bố, anh đều phải đi xe khách. Lần này do đã rất gấp nên anh muốn được đi máy bay cho nhanh.
Nghe kể vậy, Lương Thị Thu Thảo, cô nhân viên quầy vé của Bamboo Airways, vô cùng thương cảm trước hoàn cảnh cũng như con người thật thà của anh. Cô đã sang hỏi trưởng ca và nhờ báo cáo với bộ phận an ninh cũng như cấp trên về trường hợp của anh Phương.
Ban đầu trưởng ca Nguyễn Đoàn Trí nghĩ mọi việc sẽ khó, nhưng khi biết về câu chuyện của anh Phương, cấp trên liền đồng ý ngay tức khắc. Sau khi hoàn thành phần giấy tờ hỗ trợ bay, đến lượt nhân viên làm thủ tục xuất vé thì chàng trai bỗng khựng lại, hỏi: “Vé bây giờ nhiều tiền không?”.
Khi nghe nhân viên báo giá vé thấp nhất cho chuyến bay cuối cùng lúc 17 giờ 50 về sân bay Nội Bài, Hà Nội là 900.000 đồng. Phương móc trong chiếc túi cũ đựng vé số ra một xấp tiền lẻ và nói đây là toàn bộ “gia tài” của mình, tổng cộng có 350.000 đồng.
Chàng trai tần ngần rồi nhờ nhân viên giữ hộ số tiền này, còn mình định bắt xe ôm về quận 7 vay tiền của bạn rồi quay lại sau. Nhận thấy nếu như vậy thì anh Phương chắc chắn sẽ nhỡ chuyến, nhân viên bán vé và trưởng ca cùng kéo tay anh Phương lại nói: “Anh cứ ở đây, tiền thiếu này tụi em sẽ bù cho anh”. Thế là cuối cùng anh Nguyễn Quốc Phương cũng có tấm vé riêng để về với người thân của mình.
“Biết thiếu nhưng ảnh không hề hỏi hay nhờ ai ủng hộ mà định quay về đi vay tiền. Tôi thấy rất đáng quý nên cùng mọi người quyết định giúp”, Thu Thảo, nhân viên bán vé nói.
Trong lúc anh Trí dẫn Phương lên cổng an ninh thì chị Thảo cũng kịp chạy quanh, kêu gọi các anh an ninh, nhân viên quầy vé mỗi người ủng hộ thêm cho anh Phương ít tiền làm lộ phí.
Sau khi nhận tấm lòng của mọi người và lên phòng chờ, anh Phương bịn rịn nói lời cảm ơn và hỏi tên mọi người. 21 giờ 30 đêm, anh Phương đã về đến nhà.
“Tôi rất vui và xúc động khi được các anh chị ở sân bay giúp đỡ. Bố tôi đã đỡ hơn. Tôi sẽ ở nhà chăm sóc ông cho đến khi hết dịch thì sẽ vào lại Sài Gòn”, anh Phương cho biết.
Yên Yên (t/h)