Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội bấm nút thông qua ngày 12/6 đang làm dấy lên lo ngại các trang mạng xã hội lớn như Facbook, Google… sẽ rút khỏi Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là lúc đó ai sẽ lấp vào chỗ trống của các hãng công nghệ này?
>>> Nghị viên Mỹ: Huawei, Xiaomi, Tencent liên quan đến an toàn thông tin
Những lo ngại là hoàn toàn có cơ sở, bởi Facebook và Google đã phải “khăn gói” ra khỏi thị trường Trung Quốc vì các điều khoản kiểm soát nghiêm ngặt của nước này. Tại Việt Nam, viễn cảnh đó có nguy cơ xảy ra khi Luật An ninh mạng chính thức được thông qua vào ngày 12/6.
Theo khoản 3 Điều 26 về “Bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng” của Luật An ninh mạng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet… “phải lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ”, đồng thời “phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam”. Điều này đồng nghĩa với khả năng Facebook, Google và các công ty công nghệ nước ngoài khác nếu muốn hoạt động tại Việt Nam thì phải di dời/đặt máy chủ tại đây.
Như vậy, các công ty công nghệ Facebook, Google sẽ bị đặt vào tình huống hoặc phải di dời máy chủ đặt tại Việt Nam, hoặc trường hợp xấu nhất buộc phải rút khỏi thị trường. Nếu khả năng thứ hai xảy ra thì ai sẽ lấp vào chỗ trống của các hãng công nghệ này?
Theo phân tích của GS. Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine (Hoa Kỳ), Việt Nam không thể tạo nên cho mình những công ty công nghệ riêng, vì thế có nguy cơ lệ thuộc nhiều hơn nữa vào các công ty Trung Quốc có công nghệ rất cạnh tranh.
Thực tế gần đây Facebook đã bị điều trần trước Quốc hội Mỹ và Nghị viện châu Âu vì liên quan đến việc làm lộ dữ liệu người dùng, khiến hãng công nghệ này phải đưa ra các cam kết bảo mật thông tin người dùng nghiêm ngặt hơn.
Bên cạnh đó, theo phân tích của TS. kinh tế Nguyễn Huy Vũ trên RFA, việc các công ty châu Âu và Mỹ tiết lộ thông tin người dùng trên lãnh thổ Việt Nam là điều chưa từng có tiền lệ và khả năng người Việt trong nước có thể kiện các công ty này ra tòa án châu Âu hay Mỹ vì làm lộ dữ liệu cá nhân của họ là điều các nhà làm luật phải cân nhắc.
Cũng theo Điều 26 của Luật An ninh mạng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm “cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu “. Điều này có thể đi ngược lại với các cam kết bảo mật dữ liệu người dùng của các hãng công nghệ.
Mới đây, trang Android Authority cho biết cả Facebook lẫn Google đều bị người dùng châu Âu kiện đòi bồi thường gần 8 tỷ USD vì cáo buộc vi phạm các quy định mới về bảo mật dữ liệu (GDPR). Trong khi đó, thời báo New York Times cũng vừa thông tin về việc Facebook đã có hợp tác chia sẻ dữ liệu người dùng với ít nhất 4 công ty Trung Quốc từ năm 2010, bao gồm Huawei, Lenovo, Oppo và TCL được phép truy cập dữ liệu người dùng. Những rắc rối này sẽ chưa dừng lại chừng nào các hãng công nghệ ý thức được việc ưu tiên bảo vệ dữ liệu người dùng và không thỏa hiệp với các chính phủ, các công ty nhằm khai thác dữ liệu.
Trên thực tế, những bước xâm nhập thị trường của Tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Alibaba thông qua việc mua lại Lazada Việt Nam, cùng với công ty dịch vụ thanh toán trực tuyến Alipay (trực thuộc Alibaba) hợp tác với Công ty CP thanh toán Việt Nam (NAPAS), hay như việc Vinagame (VNG) – đơn vị nắm giữ thị trường game hàng đầu Việt Nam và sở hữu ứng dụng Zalo App đã được tập đoàn Tencent của Trung Quốc mua lại… cho thấy các công ty Trung Quốc đã có sự chuẩn bị từ trước, với Luật An ninh mạng lần này được thông qua, TS. Nguyễn Huy Vũ lo ngại khả năng về một mô hình hoạt động của các Công ty Trung Quốc như Baidu, Tencent, Weibo nếu Facebook và Google rút khỏi thị trường Việt Nam là điều có thể xảy ra.
“Họ có thể tránh sự phản đối trực tiếp của người Việt Nam bằng cách mua những công ty của người Việt, sau đó dùng công nghệ Trung Quốc đưa ra những ứng dụng tương tự như của các công ty Âu Mỹ mà chúng ta đang dùng. Từ đó họ có thể nắm và kiểm soát thông tin của người Việt Nam và định hướng mạng xã hội của Việt Nam”, TS Vũ chia sẻ với RFA.
Theo thông tin từ Cục thuế TP.HCM, tính riêng tại một ngân hàng, tổng lượt giao dịch của các cá nhân, tổ chức Việt Nam với Facebook và Google trong năm 2016 là hơn 400.000 giao dịch với tổng giá trị lên đến hơn 670 tỷ đồng. Trung bình Google thu về được gần 1 triệu đồng/giao dịch, trong khi con số này đối với Facebook là hơn 2,5 triệu đồng/giao dịch.
>>> Trung Quốc đã trở nên thế nào sau khi luật An ninh mạng được thông qua?
Theo Trithucvn