(PLO) – Rõ ràng, sự thống trị của Hoa Kỳ trong các vấn đề toàn cầu sẽ không thể được duy trì nếu vắng đi một trụ cột vững chắc – các liên minh do Washington dẫn đầu đã kiểm soát các khu vực quan trọng của thế giới từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.
Ngày nay, Hoa Kỳ vẫn duy trì liên minh quân sự với khoảng 60 quốc gia, bao gồm khối quân sự NATO hùng mạnh ở châu Âu, Israel và một chuỗi các nước vùng Vịnh ở Trung Đông, cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc ở Đông Á, và cuối cùng là Australia ở Nam Thái Bình Dương.
Ai là đồng minh thân cậy nhất?
Có một câu hỏi thú vị, ai mới là đồng minh gần gũi nhất của Hoa Kỳ vào lúc này? Câu trả lời có lẽ đã trở nên rõ ràng hơn sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Shinzo Abe đến Washington hồi đầu năm nay.
Trong chuyến thăm kéo dài từ ngày 26 tháng 4 đến ngày 3 tháng 5 năm 2015, ông Abe đã nhận được sự chào đón nồng ấm nhất có thể từ nước chủ nhà. Quan trọng hơn, quan hệ Nhật Bản – Hoa Kỳ đã được nâng lên tầm cao mới khi nhất trí làm mới lại thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nhấn mạnh Nhật Bản “là một trong những đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ trên thế giới” khi ông gặp ông Abe tại Nhà Trắng ngày 28 tháng 4. Tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong các vấn đề toàn cầu đã suy giảm đáng kể từ khi ông Obama nhậm chức tổng thống năm 2009. Chính quyền Obama đã thực hiện một vài sự điều chỉnh trong các chiến lược toàn cầu và mạng lưới đồng minh, mà trọng tâm là thúc đẩy sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi đó, các cường quốc và những quốc gia thân Hoa Kỳ tại châu Âu và Trung Đông sự khác biệt về những ưu tiên chính sách trong một loạt các vấn đề khác nhau. Nhật Bản là đồng minh thân cậy nhất của Hoa Kỳ? Ví dụ, trước hết là sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Israel do những bất đồng xung quanh thỏa thuận vấn đề hạt nhân của Iran. Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn duy trì khoảng trống đề phòng nhất định cũng như không đi theo đường lối cấm vận thương mại cứng rắn mà Hoa Kỳ dành cho Nga trong khủng hoảng Ukraine. Những bê bối gián điệp bị cựu chuyên gia phân tích tình báo Edward Snowden tiết lộ cũng làm tổn hại đến lòng tin mà các đồng minh châu Âu dành cho Hoa Kỳ. Thậm chí ngay cả Anh, quốc gia thường được xem là đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ, cũng đã bị chính Washington chỉ trích sau khi tham gia vào Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) của Trung Quốc hồi tháng 3 vừa qua. Anh là quốc gia phương Tây đầu tiên trở thành thành viên sáng lập AIIB, kéo theo một loạt các nước lớn khác ở châu Âu gia nhập sau đó như Pháp, Đức và Italia. Trước đó, Hoa Kỳ được cho là đã vận đồng các đồng minh tẩy chay lời đề nghị thiết lập AIIB của Trung Quốc, bởi Washington xem AIIB là một thách thức mạnh mẽ với các thể chế tài chính do Hoa Kỳ dẫn đầu, ví dụ như Ngân hàng Thế giới. Thực tế, quyết định của Anh đã cho thấy sự đồng thuận của đa số các nước phương Tây trong cách thức giải quyết các vấn đề liên quan đến Hoa Kỳ và Trung Quốc. Phần lớn các nước đều tiếp tục duy trì quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ, nhưng họ cũng không sẵn lòng bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào can dự vào một thị trường tiềm năng và béo bở như Trung Quốc. Kết quả, chỉ có Tokyo thể hiện thái độ tiêu cực với AIIB, điều mà chính quyền Abe vẫn sử dụng để chứng minh rằng Nhật Bản mới là đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ.
Gần gũi hơn bao giờ hết
Trong chuyến thăm gần của ông Abe đến Hoa Kỳ, cả hai quốc gia đều khẳng định liên minh quân sự Hoa Kỳ – Nhật Bản đã được nâng cấp từ tầm khu vực lên quy mô toàn cầu thông qua việc cùng ký vào Bản định hướng hợp tác quốc phòng mới giữa Hoa Kỳ – Nhật Bản.
Hồi tháng 3, hai bên cũng đã đạt được sự đồng thuận trong việc làm mới lại hợp tác quốc phòng song phương tại cuộc họp của Ủy ban Cố vấn An ninh (2+2), với sự tham gia của những quan chức ngoại giao và quốc phòng hàng đầu của hai nước.
Đã 18 năm kể từ lần cuối cùng những định hướng quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản được sửa đổi. Năm 1951, liên minh Hoa Kỳ – Nhật Bản được thành lập, với mục tiêu chủ yếu là Liên Xô trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Năm 1960, bản định hướng hợp tác quốc phòng đầu tiên ra đời, quy định các nghĩa vụ của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Nhật Bản.
Năm 1997, bản định hướng được sửa đổi, trong đó quy định các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ đóng vai trò hỗ trợ hậu phương cho các chiến dịch quân sự của Hoa Kỳ trong trường hợp xảy ra xung đột ở các khu vực gần Nhật Bản. Điều này đã làm thay đổi bản chất của liên minh Hoa Kỳ – Nhật Bản, chuyển từ liên minh phòng thủ sang can thiệp vào các vấn đề khu vực. Tổng thống Mỹ (phải) và Thủ tướng Nhật bắt tay nhau tại Nhà Trắng tháng 2 năm 2013. (Ảnh: Reuters) Trong khi đó, bản định hướng mới được ký kết đã thiết lập một khuôn khổ hợp tác quân sự quy mô toàn cầu giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản. “ Đó là một bước ngoặt lịch sử trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry phát biểu tại một buổi họp báo sau lễ ký bản định hướng mới ngày 27 tháng 4.
Rõ ràng, cả Hoa Kỳ và Nhật Bản đều có được những thứ họ thật sự cần khi nâng tầm liên minh. Vào thời điểm hiện tại, chính quyền của ông Obama đang thực hiện chiến lược tái cân bằng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thế nhưng, Washington không thể làm điều này một mình. Hoa Kỳ cần sự hỗ trợ từ các nước trong khu vực. Cũng chính vì lý do này, chính quyền Obama đang cố gắng xây dựng những mạng lưới hợp tác an ninh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương với Hàn Quốc, các quốc gia Đông Nam Á, Australia và Ấn Độ.
Trong suốt một thời gian dài, liên minh Hoa Kỳ – Nhật Bản là nền tảng cho các chính sách của Washington ở châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2011, Ngoại trưởng Hoa Kỳ khi đó là bà Hilary Clinton đã tuyên bố tham vọng của chính quyền Obama là xây dựng thế kỷ 21 trở thành “Thế kỷ Thái Bình Dương của Hoa Kỳ”. Và khi đó, dựa trên kịch bản này, vị thế của Nhật Bản trong số các đối tác châu Á của Hoa Kỳ đã được dự đoán rằng sẽ được nâng lên tầm cao mới.
Chính quyền của ông Abe hiện vẫn đang theo đuổi cái gọi là “hòa bình chủ động” để mang trở lại hình ảnh “một Nhật Bản hùng cường” và biến Nhật Bản trở thành “một quốc gia bình thường” với một quân đội tự chủ hoàn toàn. Bằng cách tận dụng sự cầm quyền của Đảng Dân chủ Tự do của mình và sự cực hữu của xã hội Nhật Bản, ông Abe đang cố gắng thay đổi hiến pháp thời hậu chiến của Nhật Bản – điều vốn là rào cản cho sự phát triển quân sự của Tokyo, đồng thời làm thay đổi mô hình phát triển và chính sách đối ngoại của đất nước. Abe cũng có mục đích riêng của mình trong việc tăng cường liên minh với Hoa Kỳ, bao gồm cả việc gửi một thông điệp mang tính thách thức đến Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề khu vực, với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Những tham vọng khác nhau
Một liên minh quân sự Hoa Kỳ – Nhật Bản được tăng cường, tuy nhiên, không có nghĩa là sẽ ràng buộc đưa hai quốc gia vào một mối quan hệ không thể tách rời. Cả Nhật Bản và Hoa Kỳ đều cho thấy sự khác biệt ngày càng tăng trong trong nhiều vấn đề.
Chẳng hạn, chính quyền Obama đồng ý với việc bỏ lệnh cấm quyền được phòng vệ tập thể của Nhật Bản. Nhưng Washington lại bày tỏ quan ngại với những nỗ lực của chính quyền Abe trong việc phủ nhận các tội ác của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Chuyến thăm của ông Abe đến đền Yasukuni – nơi thờ các binh sĩ Nhật Bản tử trận, bao gồm cả các tội phạm chiến tranh, cũng khiến Hoa Kỳ thất vọng. Chính quyền Obama cũng đã nhiều lần yêu cầu ông Abe thận trọng giải quyết các vấn đề liên quan đến lịch sử và giảm bớt căng thẳng với các nước láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong chuyến thăm đến Nhật Bản ngày 8 tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter cho biết ông hoan nghênh Nhật Bản tham gia tuần tra trên không ở biển Đông. Tuy nhiên, Nhật Bản đã không phản ứng tích cực với lời mời của Hoa Kỳ, bởi Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản không đủ khả năng để vừa tuần tra trên cả biển Đông và biển Hoa Đông. Hơn nữa, Nhật Bản lo ngại nếu can dự vào tranh chấp trên biển Đông giữa Trung Quốc và các nước châu Á khác có thể dẫn đến sự leo thang căng thẳng trong quan hệ với người hàng xóm Đông Á. Ngoài ra, còn một sự khác biệt sâu sắc trong quan hệ kinh tế và thương mại giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản. Hiệp định Tự do thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là nền tảng cho chính sách thương mại của Hoa Kỳ và chiến lược tái cân bằng của chính quyền Obama. Quá trình đàm phán TPP nên kết thúc trước mùa hè năm nay theo kế hoạch.
Các cuộc đối thoại song phương giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản là một phần quan trọng trong quá trình đàm phán TPP. Thế nhưng, cho đến nay hai bên vẫn chưa đạt được đồng thuận trong một số vấn đề chủ chốt như hạn ngạch nhập khẩu của Nhật Bản đối với gạo từ Hoa Kỳ và mức thuế quan Washington quy định với các phụ tùng ô tô từ Nhật Bản.
Trong chuyến thăm đến Hoa Kỳ, ông Abe đã không đưa ra bất kỳ sự thỏa thuận nào về những vấn đề này. Ông Abe dường như quan tâm nhiều hơn đến một Hiệp định Đối tác Kinh tế Hoa Kỳ – Nhật Bản, điều có thể được xem là một thành tựu trong nhiệm kỳ thủ tướng của Abe.
Abe tự hào rằng Nhật Bản là đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ, chủ yếu trong việc bảo vệ an ninh Nhật Bản và đối đầu với Trung Quốc. Thế nhưng, quan hệ này sẽ không thể kéo dài.
Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ luôn đặt lợi ích riêng lên hàng đầu tiên, và được đình hình bởi chủ nghĩa chính trị hiện thực. Tăng cường quan hệ với Nhật Bản không có nghĩa Hoa Kỳ sẽ từ bỏ duy trì một quan hệ ổn định với Trung Quốc.
Trong chính sách của Hoa Kỳ ở châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản và Trung Quốc là hai trọng tâm quan trọng không hề kém nhau. Xét đến cùng, quan hệ Hoa Kỳ – Nhật Bản phụ thuộc vào những động thái trong quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc. Khi Bắc Kinh trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, quan hệ Mỹ – Trung đang dần đạt đến mức độ toàn cầu. Trong bối cảnh đó, vai trò của Nhật Bản dường như trở nên ít quan trọng hơn. Một vài người cho rằng cả hai quốc gia có thể sẽ không bao giờ đạt được mặt bằng chung, do những cách biệt không thể lấp được trong văn hóa và ngôn ngữ.
Điều mà Washington nên nghĩ là liệu cái cách mà Hoa Kỳ bảo vệ các lợi ích của mình thông qua các hệ thống đồng minh có tiếp tục phát huy tác dụng hay không trong bối cảnh sự trỗi dậy của Trung Quốc đang đem đến những thay đổi lớn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Những liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu chỉ đặt lợi ích của một số quốc gia nhất định lên hết thảy lợi ích của cộng đồng quốc tế, một cách tiếp cận mà ngay ở bản chất của nó đã thất bại nếu muốn giành được sự ủng hộ của tất cả các nước. Bảo Duy (Theo Beijing Review) Theo Pháp Luật TP.HCM |