A. HÀO chắc chắn sẽ trở thành người Việt Nam nổi tiếng nhất trên đất Nhật. Cả nước Nhật phải xoắn lên tìm anh. Rồi có cả “fan hâm mộ” viết thư cho anh, đăng cả lên mạng xã hội đây này!
Tôi đồ rằng một buổi mùa thu đẹp trời mới đây thôi nơi ngọn đồi Minato-yama tỉnh Tottori xứ Phù Tang có “anh khách lạ đi lên đi xuống”, là anh. Anh là du khách, là cán bộ đi công tác, là du học sinh hay xuất khẩu lao động, cũng không sao. Nhưng tôi đoán chắc anh là người xứ mình. Chứ chả lẽ ai đó lại kỳ công dùng tiếng Việt để “chơi xấu” đất nước mình một cách thâm sâu đến thế, hở anh?!
>>> Người Nhật giận dữ vì thành cổ 500 năm bị người Việt phá hoại
Dừng chân tới bệ đá rêu phong của tòa thành cổ hơn 500 tuổi ấy, chợt nảy ra ý tưởng hay ho, anh bèn lôi trong túi ra một thứ vật nhọn, như cái chìa khóa hay nắp chai bia chẳng hạn. Rồi một cách đầy cảm khái, anh mắm môi trợn mắt khắc lên tảng đá mấy ký tự tên anh bằng tiếng Việt, kèm thêm hình ngôi sao và trái tim. Như muốn hướng tình yêu thương về quê cha đất Mẹ của mình!
Thứ “tình yêu” có lẽ đã được anh để lại khắp nơi trên xứ sở mình rồi. Nom tảng đá mà anh “lưu danh”, tôi thấy nó hao hao như ở bãi đá cổ Sa Pa. Nơi ấy có vô vàn bát ngát ký tự như vậy, thậm chí còn khá tục tĩu chứ không được hiền lành như anh đâu. Những chữ, những hình kiểu “A. HÀO” của anh tôi còn thấy khắp nơi. Trên cả chuông lẫn trống cổ linh nghiêm ở chùa Thiên Mụ đến các văn bia cổ ở Huế, từ Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, tháp Bút Hồ Gươm, Cột cờ Hà Nội đến nhà thờ Đức Bà ở TPHCM. Từ gốc đa nghìn tuổi trên đỉnh Sơn Trà – Đà Nẵng đến từng chiếc lá dứa dại nơi di tích Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn,… Lịch sử 4.000 năm như nước mình vốn ngồn ngộn những di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh cổ kính tới danh thắng tuyệt vời. Nên có kể có đếm cả ngày cũng không hết những “A. HÀO”, anh Hào ạ!
Anh biết không, mai mốt người Nhật điều tra mà dò ra thân phận của anh, anh sẽ bị xử nặng lắm đấy, theo luật bên ấy mức án có thể tới 5 năm tù và 300.000 Yên tiền phạt, tức khoảng 70 triệu tiền Việt. Nghe nói ở di sản núi Phú Sĩ từng có trường hợp như thế rồi. Sợ không anh?
Mà thôi, nước mình không trị được những người như anh thì để nước người ta trị vậy.
Nhưng anh Hào ơi, thời đi học thể nào anh chả học bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ rồi. “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa/ … Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình”. Một dạo người ta cãi nhau về hai chữ “như bùn” của thi sĩ họ Lưu. Nhưng giờ đây thì tôi và nhiều người hiểu ra tiếng Việt có những lúc “như bùn” và xót xa đến thế nào rồi. Bởi những người như anh.
À, chắc anh cũng từng đọc, học thơ Hồ Xuân Hương rồi chứ?. “Muốn sống đem vôi quét trả đền” – từ hai trăm năm trước bà Chúa thơ Nôm đã từng dạy dỗ bọn “lòi tói” ưa nguệch ngoạc vẽ vời chữ nghĩa không đúng nơi đúng chỗ như anh đấy.
Nhưng với anh giờ thì muốn “quét trả đền” cũng không xong rồi!
Thư vắn sầu dài, cũng không biết nhắn nhủ thêm điều gì với anh nữa, A. HÀO ạ!
Không chúc anh may mắn!
>>> Vỡ giấc mộng mang tên đại học. Quá phũ phàng!