‘Bây giờ CSGT sợ nhất trong túi có nhiều tiền’
Trước quy định khi làm nhiệm vụ không được mang quá 100.000 đồng, nhiều cảnh sát giao thông cho biết đã chấp hành được một thời gian và gặp phải một số xáo trộn trong sinh hoạt hàng ngày.
Một thiếu úy của Đội CSGT Hàng Xanh cho hay, nếu chỉ cần giải quyết nhu cầu ăn uống thì 100.000 đồng là tương đối ổn bởi nỗi ca trực chỉ 4 tiếng. Tuy nhiên nếu không may gặp phải trục trặc khách quan như hỏng xe, hết xăng… thì họ đành phải “mượn tạm” tiền nhà nước để chi tiêu sau đó về cơ quan bù lại.
“Chúng tôi được quyền xử phạt tại chỗ các lỗi vi phạm nhỏ của người tham gia lưu thông (dưới 200.000 đồng). Lúc hỏng xe có thể ‘lấy đỡ’ số tiền đó để sử dụng, khi về cơ quan phải lấy tiền riêng bù lại. Nhưng đâu phải lúc nào đi làm nhiệm vụ cũng nhăm nhăm vào lỗi của người dân mà phạt để có sẵn tiền của nhà nước ‘thủ thân’?”, viên cảnh sát đặt vấn đề.
Đành rằng gặp những chuyện rắc rối như thế các cảnh sát có thể mang xe về cơ quan xử lý, không cần phải bỏ tiền riêng sửa chữa. “Nhưng có mang xe về thì chúng tôi cũng phải đem đi sửa, trong đội đâu có bộ phận chuyên trách vấn đề này. Do vậy thông thường chúng tôi sẽ sửa luôn ở ngoài đường cho khỏi mất công. Nhưng muốn thế thì phải có tiền”, thiếu úy giao thông nói.
Còn viên thượng úy ở Đội CSGT Rạch Chiếc lại cho rằng, ngoài trách nhiệm chuyên trách với công việc thì cảnh sát giao thông cũng có mối quan hệ xã hội. “Nếu ông bạn nào trước đó có vay tiền, giờ vô tình gặp ngoài đường mà trả thì tôi cũng không dám nhận. Dĩ nhiên tôi có thể chứng minh đó là tiền riêng nhưng sẽ phải viết giải trình, rồi người này người kia nhìn vào lại nghi ngờ mình tiêu cực”, anh này lập luận.
Một bất cập khác được viên cảnh sát chỉ ra là, ngoài giờ làm việc họ cũng có trách nhiệm phụ giúp gia đình. Từ khi triển khai quy định chỉ được mang không quá 100.000 đi làm, thỉnh thoảng vợ nhờ khi nào về ghé mua thứ này thứ kia thì không có tiền để “thi hành lệnh” của bà xã.
“Chúng tôi có thể để tiền riêng ở cơ quan. Hoặc nếu cần giải quyết công việc gia đình sau giờ làm thì phải niêm phong số tiền đó và đưa cho lãnh đạo ký. Có lần mang tiền đi đóng học cho con tôi đã phải thực thi đúng nguyên tắc ấy. Tuy không mất nhiều thời giờ nhưng nói chung vẫn thấy bất cập”, thượng úy cho hay.
Các CSGT cho rằng việc thực hiện quy định không đem quá 100.000 đồng khi làm nhiệm vụ phụ thuộc vào ý thức của từng người. Ảnh: Hội An. |
Theo nhiều cảnh sát thì việc thực hiện theo quy định của ngành quan trọng nhất vẫn là ý thức của từng người. “Không lẽ buổi sáng các chiến sĩ đều phải xếp hàng để chỉ huy kiểm tra túi của từng người xem có quá 100.000 hay không. Bản thân chúng tôi bây giờ trước khi đi làm đều phải tự kiểm tra. Sợ nhất là trong túi… nhiều tiền”, viên thượng sĩ Đội CSGT Tân Sơn Nhất hóm hỉnh.
Nói về trách nhiệm quản lý, giám sát cấp dưới, lãnh đạo các đội CSGT đa số đều cho rằng không trực tiếp kiểm tra từng cán bộ chiến sĩ. Họ cảm thấy ái ngại khi phải “móc túi” từng chiến sĩ để kiểm tra có thực hiện đúng quy định hay không. “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở, nêu cao ý thức tự giác của anh em, giao trách nhiệm kiểm tra giám sát lẫn nhau. Đã là quy định thì bắt buộc anh em phải thực hiện. Sẽ có những đợt kiểm tra đột xuất của lực lượng chức năng, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm”, đội trưởng một đơn vị nhấn mạnh.
Dù cho rằng đã có một vài ảnh hưởng nhỏ đến cuộc sống hàng ngày, nhưng hầu hết các CSGT đều thẳng thắn” “Lúc đầu có thể thấy bất tiện, mất thời gian nhưng sau sẽ quen dần”. Nhìn nhận quy định trên của ngành là cần thiết, một cảnh sát giao thông chia sẻ: “Đúng là có hạn chế được tiêu cực. Đã từng có anh em bảo chẳng ngu dại gì mà làm mãi lộ. Nếu bị phát hiện có tiền không minh bạch trong người có thể phải đánh đổi cả công danh sự nghiệp, danh dự gia đình và bản thân”.
Trả lời chất vấn trong kỳ trong kỳ họp thứ 3 HĐND TP HCM diễn ra ngày 8/12, lãnh đạo công an TP HCM thừa nhận có tiêu cực trong ngành giao thông nhưng cũng cho biết trong năm 2011 có hơn 3.000 cảnh sát giao thông không nhận hối lộ.
“Điều này chứng tỏ chỉ một bộ phận rất nhỏ cán bộ chiến sĩ ‘nhúng chàm’ còn lại đều luôn hết lòng vì công việc, không ham tư lợi. Quy định cấm cảnh sát giao thông không mang quá 100.000 đồng khi đi làm phần nào loại bỏ dần ‘con sâu lầm rầu nồi canh’. Để người dân có cái nhìn đúng đắn hơn về chúng tôi”, một chiến sĩ đội An Sương nói.
Trong vòng hơn 18 tiếng đồng hồ thực hiện khảo sát trên VnExpress (từ 14h30 ngày 10/12 đến 9h ngày 11/12), trong tổng số hơn 2.400 phiếu tham gia, gần 75% cho rằng quy định CSGT không mang quá 100.000 đồng khi làm nhiệm vụ không chống được tiêu cực. |
Để kiểm soát hoạt động, tránh tiêu cực của cảnh sát giao thông, Công an TP HCM đã ra quy định các chiến sĩ khi đi làm nhiệm vụ không được mang quá 100.000 đồng. Nếu có việc gấp cần phải mang nhiều hơn để sử dụng sau giờ làm việc thì phải niêm phong số tiền đó lại và có chữ ký của lãnh đạo đội. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông còn không được sử dụng điện thoại di động trong lúc làm nhiệm vụ. Toàn bộ chiến sĩ tại đơn vị được yêu cầu nghiêm túc thực hiện quy định. Sẽ có đơn vị chức năng giám sát quá trình thực thi và kiểm tra đột xuất. Tại thời điểm bị kiểm tra, cảnh sát giao thông có nhiệm vụ cung cấp chứng từ cho các khoản tiền thu được. Nếu không giải trình được khoản tiền vượt quá 100.000 đồng, viên cảnh sát đó sẽ bị lập biên bản. Mức xử lý sau đó phụ thuộc vào kết luận sai phạm, từ cảnh cáo, phạt thi đua, cho ra khỏi ngành… |
Hội An