3.000 tỷ cho nghiên cứu khoa học mỗi năm: Vì sao vẫn có đề tài “xếp ngăn kéo”?
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân thừa nhận, hiện có một số đề tài xếp ngăn kéo thực sự và nghiên cứu ra không thể áp dụng được. Đây là những đề tài nghiên cứu không xuất phát từ thực tế mà xuất phát từ sở thích của người làm khoa học.
Sáng nay (12/6), Quốc hội bước vào ngày chất vấn và trả lời chất vấn thứ 2. Sau khi Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời một số chất vấn của Đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn.
Tại phiên chất vấn sáng nay, Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Nguyễn Quân, mỗi năm ngân sách dành 1.300 tỉ đồng, nhưng rất ít công trình nghiên cứu khoa học có chất lượng cao mà chủ yếu nghiên cứu ra rồi xếp ngăn kéo, sản phẩm khoa học nghiệm thu trên bàn là chủ yếu.
Giải đáp câu hỏi của đại biểu Cường, ông Quân cho biết, hàng năm ngân sách nhà nước dành ra 3.000 tỉ đồng cho hoạt động nghiên cứu khoa học; chứ không phải 1.300 tỉ đồng như đại biểu Cường nêu.
Theo Bộ trưởng, Luật Khoa học và Công nghệ quy định nghiên cứu khoa học phải từ đơn đặt hàng, từ nhu cầu chứ không phải từ sở thích của nhà khoa học. Cũng có trường hợp nhà khoa học đề xuất đề tài nghiên cứu nhưng phải thông qua hội đồng thẩm định. Nếu đề tài đó ứng dụng được thì mới chấp nhận cho nghiên cứu.
Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Quân chỉ ra 3 loại đề tài khoa học “xếp ngăn kéo”
Thứ nhất, đó là những đề tài nghiên cứu cơ bản, những nghiên cứu đi trước thời đại và phải có thời gian chờ đợi đến lúc nào đó mới ứng dụng được. Bộ trưởng đơn cử, về chất bán dẫn, người Mỹ nghiên cứu thành công từ trước đó đã lâu, nhưng cũng phải xếp ngăn kéo, chỉ đến khi bán cho người Nhật thì nghiên cứu này mới mang lại nhiều giá trị cho cuộc sống.
Thứ hai, là những đề tài nghiên cứu ứng dụng. Loại nghiên cứu này phải kèm theo đầu tư thì mới có sản phẩm thương mại ứng dụng ra thực tế. Tuy nhiên, hiện nay trong nước không có nhiều doanh nghiệp có vốn nên nhiều đề tài nghiên cứu tốt nhưng không tìm được địa chỉ và phải chờ đợi đầu tư.
Thứ ba, là một số đề tài xếp ngăn kéo thực sự và nghiên cứu ra không thể áp dụng được. Đây là những đề tài nghiên cứu không xuất phát từ thực tế mà xuất phát từ sở thích của người làm khoa học.
Cũng tại phiên chất vấn sáng nay, Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) nêu một thực trạng là hàng năm dành ra 2% cho nghiên cứu khoa học công nghệ nhưng chưa năm nào số tiền chi đạt được con số này. Điều đáng nói là dù ngân sách chi ít nhưng nhiều nơi chi không hết hoặc chi không đúng mục đích.
Bộ trưởng Quân thừa nhận, trên thực tế đúng là có tình trạng sử dụng không hết kinh phí. Nhiều đề tài lạc hậu không theo kịp thị trường; nhiều đề tài khi được cấp kinh phí thì không có người nghiên cứu nên không làm nữa mà phải trả lại tiền cho nhà nước; nhiều địa phương sử dụng kinh phí không đúng mục đích…
Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho biết, vừa qua NSNN dành ra 1,52% chi cho lĩnh vực khoa học công nghệ, tương đương 17.300 tỉ đồng, nhưng chỉ có 20% trong số này dành cho lĩnh vực nghiên cứu.