Tìm kiếm hành tinh có sự sống nhờ… Internet
Các vấn đề về biến đổi khí hậu đang ngày được nhắc đến nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những thảm họa xảy ra gần đây ở Nhật Bản cũng như bão kèm động đất lớn với tần suất cao tại Mỹ dường như đang gióng lên những hồi chuông cảnh báo cho con người phải đưa ra biện pháp cải thiện môi trường. Nhưng liệu chúng ta có làm được điều đó?
Vừa qua, các nhà khoa học tại Đại học Yale, Mỹ đã đưa ra một biện pháp an toàn hơn bằng việc tìm “cửa sau” cho con người ở một hành tinh khác tương đồng với Trái Đất bằng mạng Internet. Liệu chúng ta có thể cứu Trái đất chỉ bằng một sợi dây mạng? Hôm nay, hãy cùng chúng tớ tìm hiểu nhé!
Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi dần hành tinh xanh của chúng ta.
Kể từ khi dự án “Planet Hunters” (tạm dịch: “Truy tìm hành tinh mới”) chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12/2010, hơn 40.000 người sử dụng Internet trên toàn thế giới đã giúp đỡ đội nghiên cứu xác định được thêm 150.000 ngôi sao trong vũ trụ. Tất cả họ đang phấn đấu không ngừng trong nỗ lực tìm một phiên bản thứ hai của Trái đất.
Những người sử dụng mạng Internet phân tích các dữ liệu được cung cấp bởi Trung tâm nghiên cứu vũ trụ Kepler (NASA). Dữ liệu này được NASA bắt đầu xây dựng từ tháng 3/2009 trong chiến dịch tìm kiếm hành tinh con người có thể sinh sống được mà họ gọi đó là “Hành tinh Xanh”.
Bạn không cần đến những chiếc kính viễn vọng khổng lồ thế này để tìm kiếm hành tinh mới.
Và theo công bố mới nhất, các nhà nghiên cứu tại Đại học Yale, Mỹ đã tìm ra hai hành tinh mới và cho rằng con người có khả năng thích nghi với môi trường ở hai hành tinh đó. Cả hai hành tinh này đều được phát hiện trong khuôn khổ dự án Planet Hunters thông qua cơ sở dữ liệu trên của NASA.
Nhà thiên văn học Debra Fischer, đồng tác giả của dự án Planet Hunters phát biểu: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta có thể sử dụng dữ liệu của trung tâm nghiên cứu NASA để phát hiện ra những hành tinh mới dựa vào quỹ đạo bay của chúng.”
Gliese 581 (mũi tên đỏ) – Hành tinh được phát hiện sau khi dự án bắt đầu chỉ vài ngày.
Các hành tinh mới được phát hiện này bay hết một vòng quỹ đạo của chúng quanh Mặt trời trong khoảng từ 10 – 50 ngày, ít hơn rất nhiều so với thời gian 365,25 ngày của quỹ đạo Trái đất. Điều này có thể chứng minh khoảng cách từ chúng tới hành tinh trung tâm nhỏ hơn từ 2,5 – 8 lần khoảng cách từ Trái đất tới Mặt trời.
Mặc dù có khoảng cách như vậy nhưng một trong hai hành tinh được phát hiện lần này rất có thể có kích thước tương tự với Trái đất. Theo tính toán của các nhà khoa học tại Đại học Yale thì hành tinh này có kích thước gần bằng với Sao Mộc. Mặc dù những hành tinh này không hoàn toàn đã phù hợp với con người chúng ta hoặc đang có sự sống đang tồn tại, nhưng cấu trúc địa chất của chúng khá tương đồng với Trái đất.
Nhiều người có thể hoài nghi vì mọi kết quả đều dựa trên các dữ liệu của NASA, một đường dây mạng, một chiếc máy tính lại có thể khám phá ra những hành tinh mới. Liệu đây có phải sự thật?
Giao diện website dự án, liệu chúng ta có thể tìm ra những hành tinh mới chỉ với web và Internet?
Các nhà khoa học thuộc dự án Planet Hunters được tập hợp từ Đại học Yale, Đại học Oxford (Anh) và Trung tâm vũ trụ Adler (Chicago) đã chứng minh tính xác thực của dự án khi sử dụng đài quan sát thiên văn Keck được đặt tại Hawaii (một trong những đài quan sát thiên văn lớn nhất thế giới) để điều tra kết quả của dự án này. Nhà khoa học Fischer chia sẻ: “Từ những kết quả chúng tôi thu thập được thì có tới hơn 95% hành tinh phát hiện qua cơ sở dữ liệu của NASA thật sự tồn tại.”
Trong khi đó, Trung tâm vũ trụ Kepler thuộc NASA tuyên bố đã phát hiện ra hơn 1.200 “Hành tinh Xanh” tương tự và sẽ tiếp tục nghiên cứu để tìm ra những hành tinh có tiềm năng nhất. Chính trung tâm này cũng phủ nhận hai hành tinh mới được phát hiện trong dự án Planet Hunters do một số vấn đề vật lý đã khiến những hành tinh này không hề hứa hẹn như những nhà nghiên cứu nói.
Meg Schwamb, đồng tác giả dự án Planet Hunter đã lên tiếng: “Nếu không nhờ dự án Planet Hunters cùng những người tiên phong thử nghiệm dự án, chắc hẳn những hành tinh này đã bay khỏi tầm quan sát và rất khó để có thể phát hiện lại. Dự án Planet Hunters không hề thay thế những điều đã được trung tâm Kepler chứng minh mà nó tự khẳng định mình là một công cụ hữu hiệu trong quá trình tìm hiểu vũ trụ.”
Mặc dù đây là những nghiên cứu chưa xác thực được sự chính xác 100% và rất tốn thời gian. Tuy nhiên, biết đâu nó sẽ là bước đột phát mới trong tương lai, giúp cho con người tìm được ngôi nhà thứ hai thay thế ngôi nhà đang xuống dốc này. Việc đơn giản chúng ta cần làm là truy cập trang web của dự án. Rất có thể, bạn lại chính là người tìm ra biện pháp để “cứu thế giới”.