Chuyến thăm lịch sử tới Myanmar của Ngoại trưởng Clinton
Ngoại trưởng Hillary Clinton được Thứ trưởng Ngoại giao Myanmar Myo Myint tại Naypyidaw tiếp đón ngày 30/11/2011
Bà Clinton và đoàn “tùy tùng” đã bay tới sân bay ít được sử dụng ở Naypyidaw, thành phố xa xôi, nơi các tướng lĩnh Myanmar đã chuyển thành thủ đô vào năm 2005.
Myanmar, hay Miến Điện trước kia, đã khiến giới quan sát bất ngờ với hàng loạt động thái cải cách trong vòng một năm qua, trong đó có việc thả lãnh đạo đối lập, bà Aung San Suu Kyi, và chấm dứt nhiều thập niên nằm dưới sự lãnh đạo của giới quân sự.
Tổng thống Mỹ Obama đã nói về tia hi vọng “le lói”, khi ông đích thân công bố chuyến công du của bà Clinton trong chuyến công du châu Á gần đây.
Trong chặng dừng chân ở Hàn Quốc bà Clinton cho biết Mỹ và các nước khác hi vọng những tia lửa “le lói” đó “sẽ được thắp sáng thành một phong trào thay đổi, mang lại lợi ích cho người dân của Myanmar”.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết bà sẽ “tự xem xét ý định của chính phủ hiện tại là gì, xét trên khía cạnh tiếp tục cải cách, cả ở lĩnh vực kinh tế lẫn chính trị”.
Vào ngày mai, 1/12, bà Clinton sẽ gặp Tổng thống Thein Sein, cựu tướng quân đội nhưng hiện là người đi đầu trong cải cách, trước khi tới thành phố chính của nước này, Yangon, để có các cuộc hội đàm với bà Suu Kyi – người có quan điểm gây được ảnh hưởng lớn với Washington.
Bà dự kiến sẽ kêu gọi Myanmar thả tất cả các tù nhân chính trị, mà theo ước tính của các nhà hoạt động vào khoảng 500 đến hơn 1.600 người. Ngoài ra bà cũng kêu gọi Myanmar tiến tới chấm dứt cuộc xung đột sắc tộc kéo dài, khiến hàng ngàn người không có nhà cửa.
Bà Clinton được một loạt quan chức chính phủ Myanmar và nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đóng ở Yangon đón chào khi đặt chân xuống sân bay, trước khi lên xe đến khách sạn.
Các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết bà Clinton sẽ không thông báo chấm dứt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Myanmar trong chuyến công du lần này, một bước tiến cần phải được quốc hội Mỹ phê chuẩn.
Nhưng các quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ hiếm khi có chuyến công du cấp cao như thế này mà không có một vài khích lệ nào được đưa ra.
Trong mấy tuần vừa qua, giới lãnh đạo Myanmar đã công bố chi tiết của một thỏa thuận hòa bình nhằm mục đích chấm dứt nhiều thập niên xung đột giữa chính phủ và các nhóm sắc tộc nổi loạn lâu nay vẫn tranh đấu đòi quyền tự trị. Thỏa thuận hòa bình này cũng là một đòi hỏi chính của các quốc gia Tây phương, kể cả Mỹ.
Trung Quốc không lo lắng
Bà Clinton là quan chức cấp cao đầu tiên của Mỹ tới thăm Myanmar trong vòng nửa thế kỷ qua.
Khi Miến Điện là một trong vài nước khép kín và cô lập trên thế giới, thì Trung Quốc lại là một trong những nước ủng hộ họ mạnh nhất trên toàn cầu.
Và vào lúc Ngoại trưởng Hillary Clinton chuẩn bị cho một cuộc họp lịch sử với các nhà lãnh đạo ở Myanmar, giới truyền thông Trung Quốc mô tả động thái này nằm trong các nỗ lực của Washington nhằm “cô lập và bao vây Trung Quốc.”
Trong một bài xã luận đăng trên Thời báo hoàn cầu hôm nay, giáo sư về truyền thông của trường Đại học Thanh Hoa Lý Hy Quang nói rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Clinton sẽ làm cho Trung Quốc “mất tinh thần.” Ông Lý nêu thắc mắc về điều ông gọi là một “chính sách mới về châu Á của Hoa Kỳ” mà ông cho là nhằm chống lại Trung Quốc và cuộc họp của Ngoại trưởng Clinton là một thí dụ điển hình cho sách lược mới này. Ông cũng lập lại những cáo buộc của giới truyền thông Trung Quốc nói rằng Hoa Kỳ đứng sau quyết định hồi tháng 9 của chính phủ Myanmar đình chỉ công trình xây dựng một đập thủy điện mà một công ty của Trung Quốc đã góp phần đầu tư nhiều tỷ đôla.
Song bất chấp luận điệu gay gắt của giới truyền thông Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi tuyên bố Bắc Kinh không lo lắng mấy.
Người phát ngôn cho biết Trung Quốc tin là Myanmar và “các nước Tây phương liên hệ” nên tăng cường tiếp xúc và cải thiện quan hệ. Ông nói thêm rằng ông hy vọng cuộc họp của bà Clinton sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự ổn định và phát triển cho Myanmar.
Trước đó trong tuần, lãnh đạo quân đội cấp cao nhất của Myanmar đã đi thăm Bắc Kinh và họp với các giới chức quân đội Trung Quốc. Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tư lệnh quân lực Myanmar đã tán dương tình hữu nghị lâu đời giữa hai nước và cam kết củng cố hợp tác quân sự.
Vũ Quý
Theo AFP, AP