CIA đã theo dõi Facebook, Twitter như thế nào?
– Giấu mình trong một công viên ẩn danh, các chuyên gia phân tích CIA, những người tự gọi đùa mình là “các thủ thư ninja” đang miệt mài khai thác khối lượng thông tin khổng lồ mà cộng đồng mạng trên khắp thế giới tự đăng tải lên, theo dõi tất cả mọi hành vi, từ ý kiến công luận cho tới các cuộc cách mạng.
Họ theo dõi những gì?
Các chuyên gia phân tích nêu trên thuộc một cơ quan mới thành lập của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) có tên gọi Trung tâm tin công khai (OSC). OSC được thành lập theo đề xuất của Ủy ban 11/9, ưu tiên ban đầu của nó là nhằm tập trung chống chủ nghĩa khủng bố và phổ biến vũ khí.
Trung tâm OSC có khi theo dõi tới 5 triệu bản ghi chép trên Twitter (các tweet) mỗi ngày. Ngoài ra, giới chuyên gia phân tích cũng kiểm tra các kênh truyền hình, trạm phát thanh địa phương, các phòng chat Internet, bất cứ phương tiện gì từ nước ngoài mà người dân có thể tiếp cận và đưa lên một cách công khai.
Từ tiếng Ả Rập tới tiếng Quan Thoại, từ một tweet bày tỏ sự tức giận tới một blog thận trọng, các chuyên gia tiến hành thu thập thông tin, thường bằng tiếng mẹ đẻ của họ.
Họ so sánh chúng với một tờ báo địa phương hay một cuộc điện thoại bí mật chặn thu được. Từ đó, họ dựng lên một bức tranh mà các cơ quan cao cấp nhất của Nhà Trắng muốn có.
OSC đã nhìn thấy cuộc nổi dậy ở Ai Cập sắp diễn ra dù không biết chính xác cuộc cách mạng sẽ bùng phát khi nào |
Có những thông tin mang tính cập nhật thời gian thực, chẳng hạn như tâm lý của một khu vực sau vụ đột kích của Lực lượng đặc nhiệm Hải quân Mỹ (SEAL) tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hay có thể là một dự đoán về một quốc gia Trung Đông nào đó đủ độ chín muồi nổi dậy lật đổ chính quyền.
Thực vậy, Doug Naquin – giám đốc Trung tâm OSC cho biết, họ đã nhìn thấy cuộc nổi dậy ở Ai Cập sắp diễn ra dù họ không biết chính xác cuộc cách mạng sẽ bùng phát khi nào.
Trong cuộc phỏng vấn với AP, Naquin tiết lộ, Trung tâm này đã dự đoán được rằng truyền thông xã hội ở những nơi như Ai Cập có thể là một ván cờ làm thay đổi và là một mối đe dọa đối với chế độ.
Báo cáo hàng ngày cho tổng thống
Nhóm này có nhiệm vụ hàng ngày cung cấp cho Tổng thống Barack Obama một báo cáo vắn tắt về tình hình thế giới dựa trên các ghi chép trên Twitter (tweets), chuyên mục báo chí và những thông tin cập nhật trên Facebook.
Kết quả phân tích của Trung tâm cũng thường được sử dụng để trả lời các câu hỏi mà Tổng thống Obama đặt ra cho các cố vấn tình báo trong bộ máy của ông khi họ trình báo về các mối đe dọa và điểm nóng mỗi buổi sáng.
Sau khi bin Laden bị tiêu diệt tạ Pakistan hồi tháng năm, CIA đã theo dõi Twitter để cung cấp cho nhà Trắng một “bức hình chụp nhanh” về dư luận công chúng trên thế giới.
Do các tweet không hẳn đã phản ánh một khu vực địa lý nhất định nên các chuyên gia phân tích phân loại phản ứng theo ngôn ngữ. Kết quả là: Phần lớn các tweet Urdu – ngôn ngữ của Pakistan và các tweet tiếng Trung phản ánh quan điểm tiêu cực. Các quan chức ở Pakistan phản đối vụ đột kích vì cho đây là hành động xâm phạm chủ quyền quốc gia của họ.
CIA đã theo dõi Twitter để cung cấp cho nhà Trắng một “bức tranh” về dư luận thế giới sau vụ tiêu diệt bin Laden |
Vài tuần sau vụ đột kích, khi Tổng thống Obama đọc bài phát diễn văn về các vấn đề Trung Đông, phản ứng của các tweet trong 24 giờ đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Yemen, Algeria, vùng Vịnh và Israel đều tỏ thái độ tiêu cực. Các tweet của những người nói tiếng Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng ông Obama ủng hộ Israel trong khi những tweet tiếng Do Thái lại lên án bài phát biểu, coi đó là sự ủng hộ thế giới Ả Rập.
Những ngày sau đó, nhiều phương tiện truyền thông báo chí lớn cũng đưa ra các kết luận tương tự, giống như phân tích của các cơ quan tình báo bí mật Mỹ dựa trên những thông tin nghe lén và được điệp viên thu thập trong khu vực.
Trung tâm OSC cũng so sánh kết quả của truyền thông xã hội với kết quả của các tổ chức thăm dò dư luận, cố gắng tìm hiểu xem loại hình nào đưa ra nhiều kết quả chính xác hơn.
Hoạt động công khai trong bóng tối
Trung tâm này có hàng trăm chuyên gia phân tích, tất nhiên, con số thực tế là một bí mật, theo dõi một loạt chủ đề, từ việc truy cập Internet tại Trung Quốc tới tâm lý trên đường phố ở Pakistan.
Trong khi hầu hết các chuyên gia làm việc ở trụ sở tại Virginia thì họ cũng được phái đi khắp các đại sứ quán Mỹ trên toàn thế giới để tiếp cận gần hơn với chủ đề cần quan tâm.
Trọng tâm của OSC là nước ngoài, thu thập tin tức đối phó với các vấn đề tình báo ngoại quốc”, phát ngôn viên CIA Jennifer Youngblood nói. Nghiên cứu đầu ra truyền thông xã hội ở nước ngoài chỉ là một phần nhỏ trong những việc mà tổ chức tình báo đầy kỹ xảo này làm (ám chỉ CIA)”.
Một chuyên gia phân tích có bằng thạc sỹ về khoa học thư viện và thông thạo nhiều ngôn ngữ sẽ là một “sỹ quan tình báo công khai đắc dụng”, Naquin cho biết.
Các trang như Facebook, Twitter đã trở thành nguồn tin chủ chốt của OSC |
Trung tâm này bắt đầu tập trung vào truyền thông xã hội sau khi theo dõi cơn địa chấn tấn công chế độ Iran trong cuộc Cách mạng Xanh năm 2009, khi hàng nghìn người phản đối kết quả bầu cử đã giúp Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad tiếp tục nắm quyền. “Farsi là mạng xã hội lớn thứ ba trên Internet lúc đó”, Naquin nói.
“Các trang như Facebook, Twitter đã trở thành nguồn tin chủ chốt để theo dõi một cuộc khủng hoảng diễn biến nhanh chóng, chẳng hạn như các cuộc bạo động bao trùm Bangkok tháng 4 và tháng 5 năm ngoái”, Phó giám đốc Trung tâm OSC cho biết.
Naquin dự đoán, thế hệ kế tiếp của truyền thông xã hộ có thể sẽ là những mạng điện thoại vòng kín, phải đăng ký, giống như các mạng mà Taliban có thời điểm sử dụng để chuyển thông điệp tới hàng trăm tín đồ ở Afghanistan và Pakistan. Những mạng mà, chỉ những cơ quan chuyên sâu về kỹ thuật nghe lén của tình báo Mỹ như Cơ quan an ninh quốc gia, mới có thể xâm nhập. Tuy nhiên, Naquin cho rằng, các đồng nghiệp bí mật của ông sẽ tìm ra cách thích ứng, như kẻ thù của Mỹ từng làm.
Minh Phạm (Theo AP)