Điểm danh 12 công nghệ “trẻ mãi không già”
Hàng loạt công nghệ mặc dù “cao tuổi” nhưng vẫn được sử dụng rộng rãi.
Chuột máy tính (1968): Công ty máy tính Đức Telefuken giới thiệu chuột thương mại đầu tiên Rollkugen với vỏ ngoài bằng kim loại khá vụng về. Tuy nhiên, khái niệm về thiết bị đã xuất hiện từ năm 1963 trong nguyên mẫu của tác giả Douglas Engelbart tại Viện nghiên cứu Stanford.
Email (1971): Từ những năm đầu tiên của thập kỷ 70, email đầu tiên được Ray Tomlinson chuyển đi trong mạng ARPAnet. Ngay sau đó, ký tự @ được dùng nhằm đánh dấu các địa chỉ email. Tuy nhiên, phải rất nhiều năm sau thì những giao thức chuẩn hóa để gửi email mới lên sóng như SMTP 1982, POP 1984 hay IMAP 1986.
MUD game (1979): Trên thực tế, MUD game (Multiuser domain game – game nhiều người chơi) có tên ban đầu là “dungeon” game. Nguyên nhân bởi Richard Bartle và Roy Trubshaw tại trường Đại học Essex đã viết trò chơi Dungeons and Dragons hỗ trợ nhiều người chơi trực tuyến cùng lúc trên những máy tính khác nhau. Kể từ đấy, game nhiều người chơi liên tục phát triển cả về chất lượng game cũng như số lượng người chơi như ngày nay.
Sâu máy tính (1979): Hai nhà nghiên cứu tại Xerox PARC có tên John Shoch và John Hupp trở thành những người đầu tiên tạo ra sâu máy tính. Mục tiêu ban đầu của chương trình nhằm tìm kiếm những bộ xử lý mạng nhàn rỗi, phát hiện những khu vực cho hiệu quả hoạt động cao hơn. Tuy nhiên, ý tưởng đã bị biến tướng thành vô số phần mềm mã độc rất đáng sợ.
Chiếc ổ cứng (1980): Thiết bị dùng cho máy tính sớm nhất được Seagate trình làng năm 1980 với dung lượng 5MB. Hiện tại, con số này đã lớn gấp nhiều lần nhưng về cơ bản, công nghệ chế tạo vẫn tương tự. Nghe đâu cùng năm đó, IBM cũng giới thiệu ổ DASD với khả năng lưu trữ đạt 2,5GB, song quá cồng kềnh và hiện giờ được dùng chủ yếu cho máy chủ.
Đĩa CD-ROM (1983): Mặc dù cuộc sống của đĩa CD-ROM đang bị đe dọa song sản phẩm vẫn sống sót trên thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực phim ảnh hay ca nhạc. Được biết, đĩa CD đầu tiên chào đời vào năm 1983 với dung lượng 550MB.
MIDI (1983): Kể từ khi MIDI (Musical Instrument Digital Interface – Giao diện kỹ thuật số dành cho nhạc cụ) xuất hiện, công nghệ đã nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn trong lĩnh vực mã hóa âm nhạc, phục vụ cho những mục đích sử dụng đa dạng của nhà phát triển và khách hàng. Trong đó, sự ủng hộ của Apple và Amiga giống như nhân tố quan trọng tạo nên vị thế của MIDI hôm nay.
Apple Macintosh (1984): Dòng máy tính thương mại đầu tiên sở hữu đồ họa, Macintosh đã định nghĩa lại thị trường PC. Mặc dù mức giá hơi “chát” và để cho Windows chiếm lĩnh thị trường, tuy nhiên máy tính Mac vẫn không ngừng lớn mạnh và kế thừa thành quả của “ông tổ” khi xưa.
HP LaserJet (1984): Những máy in LaserJet của HP đang nắm giữ thị phần không nhỏ trên toàn thế giới và cạnh tranh ngang ngửa với những thương hiệu hàng đầu khác. Đáng quý hơn, chúng vẫn sử dụng ngôn ngữ in PCL giống như sản phẩm đầu tiên của hãng ra mắt năm 1984.
Internet (1985): Mạng NSFnet thuộc Tổ chức khoa học quốc gia Hoa Kỳ đã kết nối 5 trung tâm siêu máy tính thuộc các trường Đại học Princeton, Pittsburgh, California, Illinois và Cornell để tạo thành “xương sống” cho Internet. Ít lâu sau, Bộ quốc phòng Mỹ chuyển mạng ARPAnet của mình sang NSFnet và mạng lưới mở rộng thành Internet như ngày nay. Đặc biệt hơn, chuẩn HTML chỉ mới xuất hiện vào năm 1991, tức sau đó 5 năm.
Microsoft Excel (1985): Sau thất bại của Multiplan trước bảng tính (spreadsheet) 1-2-3 của Lotus, Microsoft đã tập trung xây dựng giao diện đồ họa và phát hành Excel chỉ 1 năm sau khi Mac lên kệ. Đáng kể hơn, gã khổng lồ phần mềm đã đưa Excel vào Windows năm 1987, tạo thành thứ vũ khí hủy diệt đáng gờm giúp đánh bại Mac OS.
Microsoft Word (1985): Không thể bỏ qua người anh em của Excel là Microsoft Word, cũng lên sóng cùng năm 1985. Với tên gọi ban đầu Multi-Tool Word, đây là phiên bản xử lý văn bản Microsoft đầu tiên sở hữu giao diện đồ họa, được chào đón và đông đảo khách hàng vẫn đang sử dụng Microsoft Word hàng ngày.