Tuần sau, một tiểu hành tinh khổng lồ áp sát Trái Đất
Các nhà khoa học cho biết, vào thứ Ba tới, một tiểu hành tinh khổng lồ sẽ áp sát Trái Đất với khoảng cách gần hơn quãng đường từ hành tinh chúng ta đến Mặt Trăng.
Vào 23h28 ngày 8/11 giờ GMT (tức 6h28 ngày 9/11 giờ Hà Nội), khoảng cách giữa tiểu hành tinh có tên YU 55 với Trái đất lúc này chỉ còn 325.000 km. Theo các nhà khoa học, đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để tiến hành nghiên cứu tiểu hành tinh này mà không cần tốn thời gian và chi phí cho một vụ phóng tàu thăm dò vào không gian.
Nhà thiên văn học Scott Fisher – một trong các giám đốc chương trình nghiên cứu của Tổ chức Khoa học quốc gia Mỹ (NSF – National Science Foundation) cho biết, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1976 có một tiểu hành tinh kích thước lớp tiếp cận Trái đất ở khoảng cách gần và tạo cơ hội nghiên cứu cho các nhà khoa học. Nhà thiên văn học Don Yeomans của NASA thì cho biết, tiểu hành tinh này có đường kính vào khoảng 400m và quỹ đạo di chuyển không thể va chạm với Trái đất hay Mặt trăng của chúng ta.
YU 55 vào tháng 4 năm 2010 (Ảnh: Reuters) |
Hàng ngàn nhà thiên văn học chuyên và bán chuyên đã sẵn sàng chờ đón thời điểm YU 55 tiến gần Trái đất nhất. Theo khuyến cáo, vị trí quan sát tốt nhất là các địa điểm thuộc Bắc bán cầu. Quá trình di chuyển sẽ khó theo dõi bằng mắt thường, nhưng với kính viễn vọng không gian Hubble thì không phải vấn đề.
Giới khoa học đã đưa ra giả thuyết về việc YU 55 từng ghé qua hàng ngàn năm trước đây. Tuy nhiên, lực hấp dẫn từ những hành tinh khác nhau đã thay đổi hướng bay của nó khiến cho các nhà nghiên cứu không thể xác định chính xác quỹ đạo của YU 55. Họ cũng đưa ra những giả thuyết cho rằng các sự kiện dạng này đã thường xuyên xảy ra trong suốt 4.5 tỷ năm tồn tại của Trái đất và quỹ đạo được tính toán của YU 55 cho thấy, ít nhất trong 100 năm nữa nó sẽ không va chạm với Trái đất.
Theo những nghiên cứu trước đây thì YU 55 có màu sắc đen như than đá và được cấu tạo chủ yếu bởi cacbon cùng một số hợp chất silic cát và thuộc các tiểu hành tinh loại C. Trong lần gặp nhau tới với Trái đất, các nhà khoa học dự kiến sẽ có được những hình ảnh chi tiết về bề mặt của YU 55 để tiến hành nghiên cứu.
Hiện tại NASA đang theo đuổi kế hoạch lấy mẫu đất từ tiểu hành tinh có tên 1999 RQ36 vào năm 2020, trong khi các nhà khoa học Nhật Bản cũng đang tiến hành xây dựng kế hoạch lấy mẫu đất trên một tiểu hành tinh khác vào năm 2018.
Tùng Đinh