10 nhân vật từng giành giải Nobel xuất sắc nhất lịch sử
1. Albert Einstein – Nobel Vật lý năm 1921
Nhà bác học Albert Einstein giành giải Nobel Vật lý khi khám phá ra nguyên nhân của hiệu ứng quang điện. Đây là hiện tượng các hạt electron bật ra khỏi miếng kim loại được chiếu sáng.
Einstein đặt ra giả thiết rằng ánh sáng được chia thành những phân tử riêng rẽ (mà sau này gọi là photon). Thông thường, các electron quay xung quanh hạt nhân nguyên tử. Nhưng khi “va chạm” với ánh sáng có tần số thích hợp, electron sẽ hấp thụ năng lượng của photon rồi bật ra khỏi nguyên tử kim loại.
Các thành tựu lớn khác của Einstein còn phải kể đến thuyết tương đối và sự phát hiện mối liên hệ giữa vật chất và năng lượng (nổi tiếng với phương trình E=mc2).
2. Marie Curie – Nobel Vật lý năm 1903 và Hoá học năm 1911
Marie Curie, nhà khoa học người Pháp gốc Ba Lan, là người đầu tiên đoạt 2 giải thưởng Nobel trên 2 lĩnh vực. Năm 1903, bà cùng chồng là Pierre Curie và nhà khoa học Henri Becquerel nhận giải Nobel Vật lý với khám phá về hiện tượng phóng xạ.
Đến năm 1911, bà tiếp tục nhận giải Nobel Hoá học với việc phát hiện ra các nguyên tố phóng xạ radium và polinium.
Chưa dừng lại ở đó, con gái Irene Joliot-Curie và con rể của Marie Curie còn giành tiếp giải Nobel Hoá học năm 1935. Đó là chưa kể đến Henry Labouisse, con rể thứ hai của bà, là Tổng Giám đốc của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) khi tổ chức này nhận giải Nobel Hoà bình năm 1965.
3. Alexander Fleming – Giải Nobel Sinh học và Y học năm 1945
Nhà khoa học người Anh cùng cộng sự Enrst Chain và Howard Florey đã khám phá ra peniclilin, một chất phổ biến dùng làm thuốc kháng sinh sau này.
Chuyện kể rằng, sau kỳ nghỉ hè, Alexander Fleming tình cờ phát hiện ra một loại nấm phát triển trên đĩa nuôi cấy vi khuẩn trong phòng thí nghiệm. Ông nhận thấy toàn bộ vi khuẩn nằm gần chỗ nấm mọc bị chết.
Sau đó, Fleming cùng các đồng nghiệp đã dành hàng năm trời nghiên cứu và chiết xuất ra penicillin, góp phần to lớn điều trị các bệnh viêm phổi, viêm màng não và hàng loạt bệnh truyền nhiễm.
4. Hermann Muller – Giải Nobel Sinh học – Y học năm 1946
Hermann Muller được trao giải Nobel Sinh học – Y học vào năm 1946 nhờ việc chứng minh mối liên hệ giữa phóng xạ và các đột biến có hại, có thể dẫn đến tử vong.
Phát hiện của Muller đã khiến cộng đồng quốc tế nhận thức được hậu quả của hai vụ ném bom nguyên tử đối với người dân Hiroshima và Nagasaki ở Nhật Bản. Ông đã dành phần thời gian đời mình nhằm thúc đẩy chiến dịch chống phổ biến vũ khí hạt nhân.
5. Bộ ba Francis Crick, James Watson và Maurice Wilkins – Giải Nobel Sinh học – Y học năm 1962
Nhóm ba nhà khoa học kỳ cựu này được trao giải Nobel Sinh học – Y học vào năm 1962 với thành tựu phát hiện ra cấu tạo của ADN, một cấu trúc xoắn kép chứa thông tin di truyền của mọi loài sinh vật.
Tuy nhiên, đây cũng là một giải thưởng gây tranh cãi. Trước đó, nhà sinh lý học Rosalind Franklin đã từng công bố phát hiện về ADN song công trình của bà lại không được chú ý. Đặc biệt, Crick và Wilkins đã tiếp cận với hình ảnh tư liệu của Franklin trước khi đưa ra giả thuyết của họ.
6. Hội Chữ thập Đỏ – Giải Nobel Hòa bình các năm 1917, 1944, 1963
Có thể nói, Hội Chữ thập Đỏ Quốc tế được nhận nhiều giải Nobel hơn bất cứ tổ chức hay cá nhân nào trên thế giới. Tổ chức này đạt giải Nobel Hoà bình vào các năm 1917, 1944 và 1963. Điều đặc biệt nằm ở chỗ, lần trao giải thứ ba rơi vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập tổ chức.
Trong suốt thời gian Chiến tranh Thế giới diễn ra, Hội Chữ thập Đỏ đã đến thăm, chăm sóc và giúp đỡ hàng triệu tù binh cũng như những người dân thường bị ảnh hưởng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
7. Martin Luther King, Jr. – Giải Nobel Hòa bình năm 1964
Ở tuổi 35, mục sư Martin Luther King, Jr (con trai của mục sư Martin Luther King) đã trở thành người trẻ tuổi nhất trong lịch sử giành được giải thưởng Nobel Hoà bình. Ông được biết đến như người tiên phong trong việc chống lại nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ.
Ngày 4 tháng 4 năm 1968, ông bị ám sát tại Memphis, Tennessee. Đến năm 1986, ngày mất của Martin Luther King, Jr. được công nhận là quốc lễ tại Mỹ.
8. Werner Heisenberg – Giải Nobel Vật lý năm 1932
Heisenberg nhận giải Nobel Vật lý năm 1932 với những phát hiện về các định luật của vật lý lượng tử, môn khoa học nghiên cứu về những vi hạt hết sức nhỏ bé.
Theo vật lý lượng tử, tất cả mọi thứ, chẳng hạn như nguyên tử, electron hay ánh sáng đều có tính chất của hạt và sóng. Heisenberg đã đưa ra “nguyên lý bất định”, cho rằng nếu biết vị trí của một hạt càng chính xác bao nhiêu, thì việc xác định vận tốc của nó lại càng khó bấy nhiêu.
9. Jean-Paul Sartre – Giải Nobel Văn học năm 1964
Sartre là một trong những nhà văn, nhà triết học lớn của thế kỉ 20. Khi được trao giải thưởng Nobel Văn học năm 1964, ông đã từ chối nhận giải. Ông là người theo chủ nghĩa hiện sinh, tập trung khắc họa tầm quan trọng của việc trải nghiệm cuộc sống hơn là sự thật hay những ràng buộc đạo đức.
10. Mẹ Teresa – Giải Nobel Hòa bình năm 1979
Mẹ Teresa là một nữ tu sĩ Thiên chúa giáo người Albania. Mẹ đã dành hầu như cả cuộc đời mình lập ra những ngôi nhà tình thương trên khắp Ấn Độ để chăm sóc những người nghèo khổ, bệnh tật.
Mẹ Teresa nhận giải thưởng Nobel Hoà bình năm 1979. Khi Mẹ Teresa qua đời năm 1997, ước tính, bà đã thực hiện 610 cuộc cứu trợ trên 123 nước, đem lại không chỉ những giá trị vật chất như nhà cửa, thực phẩm, thuốc men mà còn xây dựng nhiều trường học, mang đến niềm tin vào tương lai cho các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, trẻ mồ côi, vô gia cư… Sau khi mất, Mẹ được Giáo hoàng phong tước và trở thành một vị thánh.