Úc mở dự án khai quật 200 bản ngữ đã “tuyệt chủng”
Các quản thư ở Australia đang triển khai một dự án kéo dài 3 năm nhằm khám phá lại ngôn ngữ bản địa từng bị mất ở đây.
Thư viện thuộc tiểu bang New South Wales cho hay, các đoạn còn sót lại của nhiều ngôn ngữ đã bị mất hiện vẫn đang tồn tại trong các giấy tờ do những người đầu tiên định cư ở đất này để lại.
Trước khi thực dân Anh bắt đầu có mặt ở đây vào năm 1788, khoảng 250 ngôn ngữ thổ dân được nói tại Australia bởi một lượng người ước tính lên tới con số 1 triệu. Chỉ vài chục ngôn ngữ hiện vẫn còn tồn tại đến ngày nay và chỉ có khoảng 470.000 người sử dụng chúng tại quốc gia có tới 22 triệu dân này.
Ông George Souris, Bộ trưởng Bộ nghệ thuật của New South Wales nhận định: “Ngôn ngữ nói và viết của một quốc gia là xương sống của nền văn hoá nước đó. Việc bảo tồn các ngôn ngữ và tiếng địa phương của những người bản địa là một dự án rất quan trọng khi nói tới vấn đề này”.
Noelle Nelson, Giám đốc điều hành các hoạt động của tập đoàn khai thác mỏ khổng lồ Rio Tinto – người hết sức ủng hộ dự án này cho hay, tài sản mà những người đầu tiên định cư ở đây để lại tại thư viện quốc gia là “vô giá”. Ông cũng nói với hãng thông tấn AFP: “Những sản phầm đầu tay đó thường là bản duy nhất còn tồn tại của nhiều thứ bản ngữ. Dự án này sẽ giới thiệu và tái kết nối mọi người với văn hoá bản địa”.
Một cuộc khảo sát của chính phủ Australia vào năm 2004 cho thấy chỉ 145 thứ bản ngữ hiện vẫn đang được nói ở Australia và 110 trong số chúng đang “có nguy cơ tuyệt chủng”.
Minh Quân