Hàng ngàn người biểu tình chống làn sóng “Hàn Quốc hóa”
Đáp lại lời kêu gọi được lan truyền trên internet, tính từ cuối tháng 8, rất nhiều cuộc biểu tình chống lại làn sóng Hanryu (làn sóng Hàn Quốc) đã diễn ra trước cửa một trong những đài truyền hình lớn nhất Nhật Bản – Fuji TV.
Cứ vào mỗi chủ nhật, khoảng 10.000 người lại tập trung tại công viên Odaiba, người cầm quốc kỳ, người vẽ biểu tượng trên mặt…, mới nhìn qua người ta có thể nghĩ họ chuẩn bị đi cổ vũ cho đội tuyển bóng đá quốc gia tham gia vòng loại World Cup. Nhưng những gì mà mọi người hò hét không phải là cổ động mà là những lời phản đối.
Quang cảnh một buổi biểu tình chống lại làn sóng các chương trình truyền hình Hàn Quốc. |
“Đài truyền hình Fuji TV gần đây thực sự đáng báo động. Dù không thích nhưng tôi vẫn bị buộc phải nghe K-POP, những chương trình giới thiệu ẩm thực Hàn Quốc tăng đột biến, kênh thông tin chung giờ trở thành nơi lan truyền những thông tin vô bổ, điều đó quả thật đáng buồn thay” – một công chức 30 tuổi nói trong một cuộc biểu tình gần đây nhất.
Để tham gia vào cuộc biểu tình này một người phụ nữ đã lặn lội đi xe buýt đêm hơn 600km từ Osaka lên Tokyo. Cô cho biết: “Những gì tiên sinh Takaoka nói hoàn toàn đúng, đài truyền hình Fuji TV hiện đang dần trở thành một chi nhánh của đài truyền hình Hàn Quốc mất rồi. Tôi muốn họ chấm dứt ngay cái kiểu làm việc như thế”. Takaoka là một trong những nam diễn viên nổi tiếng đầu tiên bày tỏ những lo ngại của mình trước làn sóng Hàn Quốc ngày càng mạnh mẽ như hiện nay.
Biểu tượng kêu gọi biếu tình |
Tuy nhiên trong số những người biểu tình cũng có những ý kiến khác. “Tôi muốn tham gia một lần để phản đối cách làm của nhà đài thôi, thú thực tôi cũng chả ghét gì làn sóng Hàn Quốc cả thậm chí tôi rất thích nhóm KARA là khác”- một nữ sinh đại học nói.
Cuộc biểu tình diễn ra trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ quanh khu vực đài Fuji TV. “Fuji TV hãy chấm rứt lan truyền làn sóng Hàn Quốc, chúng tôi không muốn xem phim Hàn Quốc nữa…” là những khẩu hiệu mà những người biểu tình hô suốt dọc đường đi. Trước cảnh tượng đó, một nhân viên trẻ của đài vừa theo dõi vừa nói với một thái độ lo lắng: “Tôi biết hôm nay sẽ có biểu tình nhưng không ngờ có nhiều người tham gia đến vậy… Trong đài có chỉ thị khi ra ngoài phải cất thẻ phóng viên đi đề phòng bất trắc. Lúc đầu tôi nghĩ mọi người cứ lo lắng quá mức nhưng đến giờ thì mới thực sự hiểu”.
Theo những nhà tổ chức, có ít nhất 8.000 người tham gia vào cuộc biểu tình này. Cuối cuộc biểu tình mọi người bắt tay nhau một cách thân mật. Mặc chỉ kêu gọi tụ tập từ internet, những tưởng mọi người sẽ ra về ngay khi cuộc tuần hành kết thúc, nhưng trái lại, đến thời điểm 16 giờ, cuộc tuần hành lần thứ 2 đã diễn ra với không khí mạnh mẽ và chuyên nghiệp hơn. Với hơn 5000 người tham gia tuần hành, một bộ phận còn hô vang khẩu hiệu có phần quá khích: “Đả đảo bè lũ bán nước, phản đối việc truyền hình đang dần trở thành công cụ tẩy não người Nhật…”. Sau khi cuộc biểu tình kết thúc, ông Tamokami đại diện đoàn đã trực tiếp chuyển tới phía lãnh đạo đài Fuji TV đơn kiến nghị của những người tham gia.
Việc biểu tình cũng đã có tác động đến đài Fuji TV khi họ buộc phải thay đổi tiêu đề loạt phim truyền hình mới của nữ diễn viên nổi tiếng Kim Tae Hee. Ban đầu bộ phim có tiêu đề “Cô ấy là ngôi sao Hàn Quốc” giờ phải đổi thành “99 ngày giữa tôi và ngôi sao”, mặc dù sự thay đổi này chỉ là mang tính hình thức.
Một nhân viên đài truyền hình cho biết: “Thực tế trong đài cũng tồn tại hai lập trường ủng hộ và chống lại làn sóng Hanryu. Từ trước đến giờ, những ý kiến phản đối lập tức bị dập ngay thì nay, đặc biệt là các chương trình giải trí, những nội dung không hấp dẫn sẽ bị hạn chế sử dụng. Còn những chương trình ăn khách thì chắc chắn vẫn được khai thác. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để mang lại sự cân bằng giữa các chương trình. Nếu cứ tiếp tục khai thác quá mức làn sóng Hàn như hiện nay đến một lúc nào đó những cuộc biểu tình lớn như thế này lại diễn ra thì không biết hậu quả sẽ đi đến đâu”.
Lãnh đạo đài truyền hình Fuji TV từ trước đến nay vẫn giữ thái độ im lặng trước các cuộc tuần hành phản đối, song ngày 2/9 đã phải ra thông cáo báo chí chính thức trả lời những thắc mắc về tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của cổ đông nước ngoài, các chính sách và tổ chức sản xuất chương trình của đài.
Theo đó, tỷ lệ sở hữu đối với cổ đông nước ngoài hiện dưới 20%, hoàn toàn không có chuyện Fuji TV bán số lượng lớn cổ phần cho nước ngoài. Tất cả mọi hoạt động của Fuji TV đều tuân theo luật báo chí và truyền hình. Trả lời câu hỏi về việc cắt bỏ phát sóng hát quốc ca trong một chương trình thể thao, lãnh đạo đài cho biết: “Tất cả các chương trình đều có quy định thời lượng phát sóng, chương trình đó đã bị kéo dài nên buộc phải cắt để đảm bảo lịch phát sóng chung”.
Đặc biệt, vấn đề được mọi người quan tâm nhất là việc phát sóng các chương trình Hàn Quốc được giải thích hoàn toàn nhằm hướng tới số lượng lớn khán giả nói chung. Mỗi chương trình được sản xuất ra điều phải dựa trên việc đánh giá các tiêu chỉ tổng hợp về nhu cầu người xem cũng như nhiều yếu tố khác.
Hữu Bằng
Tổng hợp từ: Fuji TV, Ayukan playboy news, RBB today