Cô bé ngủ bên xác cha 12 ngày giữa cánh đồng xác chết
Đến ngày thứ 11, không còn đủ sức lết ra mương uống nước nữa, bé Sương nằm bên xác cha rồi thiếp đi.
Trong số 800 người núp trong chùa Tam Bửu (Tri Tôn, An Giang) bị bọn Pol Pot đem ra cánh đồng hành quyết, chỉ có 2 người thoát chết kỳ diệu, là ông Nguyễn Văn Kỉnh và cô bé Nguyễn Thị Ngọc Sương.
Gặp khách lạ, người đàn bà có gương mặt tật nguyền, hõm một bên trán cứ lóng ngóng, không biết mời khách ngồi đâu, vì nhà nghèo đến nỗi chẳng có bàn ghế.
Một bà hàng xóm chạy sang giải thích rằng, từ ngày bị tai nạn giao thông, chị Sương đã không còn bình thường nữa, đầu óc lúc nhớ, lúc quên.
Thế nhưng, khi nhắc lại đại nạn 35 năm trước, những ký ức hãi hùng hiện về rõ mồn một, chị trở nên minh mẫn hơn.
Chị Sương và vết lõm trên đầu |
Năm 1978, cô bé Nguyễn Thị Ngọc Sương tròn 11 tuổi. Ở tuổi ấy, bé Sương chẳng thể ý thức được sự tàn khốc của chiến tranh. Thi thoảng, thấy tiếng pháo nổ, Sương cùng các chị tự động chui xuống hầm ẩn náu.
Nửa đêm về sáng 17/4/1978, đang say giấc nồng, thì bố mẹ đánh thức, kéo cả nhà chạy sấp ngửa theo dân làng về chùa Tam Bửu.
Đến chùa, đã thấy dân làng tập trung rất đông, kêu khóc ầm ĩ. Các gia đình đứng quây bên nhau, ôm nhau, khóc lóc. Nhiều người quỳ xuống thành tâm niệm Phật.
Sáng sớm hôm sau, tức ngày 18, khi bé Sương còn nằm còng queo dưới nền chùa, chưa tỉnh giấc, thì đã nghe tiếng súng nổ, tiếng quát tháo. Bọn Pol Pot quây kín chùa, gí súng vào đầu, lôi từng người ra khỏi chùa.
Cứ được một nhóm 20-30 người, chúng lại dắt đi đâu chẳng rõ. Ai không chịu đi, chúng bắn chết luôn, hoặc dùng gậy gỗ đập vỡ sọ.
Khi trong chùa đã vãn một nửa người, thì đến lượt cha bé bị chúng bắt. Sương kéo cha lại, cũng bị chúng dắt đi luôn. Người mẹ cùng các chị ở lại chùa, khóc lóc thảm thiết.
Bọn ‘ác thú’ dắt hai cha con Sương cùng dân làng đi về phía cầu sắt Vĩnh Thông, hướng ra biên giới. Ra đến gò đất giữa cánh đồng, cách cây cầu sắt không xa, chúng bắt mọi người xếp thành hàng.
Xương đồng bào Ba Chúc được gom từ cánh đồng. Ảnh chụp lại |
Nhìn đống xác chất chồng khắp cánh đồng, người cha biết rằng sẽ bị chúng xử tử, nhưng ông không nghĩ rằng chúng giết cả trẻ em. Ông dúi cho con gái mấy đồng bạc lẻ, dặn con gái khi nào bọn Pol Pot thả, thì dùng tiền mua quà bánh ăn tạm, chờ bộ đội đến cứu.
Nhưng bọn ‘ác thú’ này đâu có tha cho trẻ nhỏ. Loạt đạn đinh tai vang lên, mấy chục con người đổ ập. Bọn ‘dã thú’ còn kiểm tra từng thi thể, rồi vung gậy đập liên tiếp lên đầu.
Thấy cha ngã xuống, bé Sương chạy đến ôm xác cha. Bọn ‘ác thú’ lạnh lùng gí súng vào bé Sương và siết cò. Bé Sương không còn biết gì nữa.
Sau 2 ngày 2 đêm bất tỉnh, nằm trên xác cha, khi cái nắng như thiêu bỏng rát cơ thể, thì bé Sương tỉnh dậy. Bàn chân cha gác lên ngực bé đã bốc mùi. Nhìn khắp cánh đồng, chỉ thấy những xác chết trương phình. Đàn quạ bâu đen bên những xác chết rỉa thịt.
Lấy sức nhấc chân cha, bé thấy nhói đau ở ngực. Máu thấm áo, đóng thành mảng cứng như bánh đa. Viên đạn trúng đầu, vỡ xương sọ khiến máu thấm bết tóc lại.
Xương sọ chồng chất trong nhà mồ |
Mất máu nhiều, lại bất tỉnh 2 ngày đêm, nên bé Sương khát khô cổ, hai mắt như nổ đom đóm. Những vũng nước dưới ruộng đen đặc màu máu, bốc mùi tanh nồng, không thể uống được. Bé Sương lết thân thể đến con kênh, rồi vục mặt uống lấy uống để.
Uống no nước, thấy tỉnh táo hẳn. Bé Sương sờ lên ngực thấy một cái lỗ trước ngực, sờ sau lưng thấy lưng nát bấy. Viên đạn đã xuyên từ trước ra sau. Sờ lên đầu, chỉ thấy bèo nhèo những sợi cơ, da đầu rách tướp.
Chị Sương nhớ lại: “Chẳng hiểu sao lúc đó tui không thấy đau đớn gì. Tui còn nhỏ, nên cũng đâu có nghĩ đến cái chết. Bình thường thì sợ hãi lắm, nhưng lúc đó thì không thấy sợ. Tui cũng chẳng hiểu sao mình bị bắn như thế, đói ăn, khát nước, mà tui vẫn sống. Tui cứ nghĩ rằng, chắc ba má mình phù hộ để mình sống được”.
Ngay chỗ cây cầu sắt có một cây me, một cây xoài đang mùa quả chín. Bé lết đến gốc cây, nhặt những trái rụng để ăn, khát thì lết ra mương uống nước. Đêm xuống, bé lại bò đến bên xác cha nằm ngủ.
Xương đồng bào Ba Chúc được chứa tạm trong những cái rọ lớn |
Khi đó, bé Sương ý thức được rằng cha mình đã chết, chỉ còn là cái xác đang phân hủy, bốc mùi. Tuy nhiên, bé không nhớ đường về nhà, cũng không đủ sức khỏe để đi xa được, nên chỉ có mỗi lựa chọn duy nhất là ở cùng xác cha. Dù cái xác ấy đang phân hủy từng ngày, biến dạng và bốc mùi khủng khiếp, nhưng ở bên cha, bé thấy vững dạ hơn.
Chục ngày trôi qua, ngay cả cơ thể bé Sương cũng đã bốc mùi. Giòi bọ nhung nhúc ở những vết thương hở miệng, thi thoảng lại bò ra quần áo. Bé cảm nhận thấy những con bọ bò trên da mát lạnh.
Đến ngày thứ 11, không còn đủ sức lết ra mương uống nước nữa, bé Sương nằm thiếp đi, nhưng vẫn lờ mờ thấy đàn quạ chao lượn trên đầu. Rồi bé thiếp hẳn đi, thân thể nhẹ bẫng.
Khi tỉnh dậy lần thứ hai, bé Sương thấy mình đang được các bác sĩ cấp cứu. Các bác sĩ kể rằng, đến ngày thứ 12, khi bộ đội tiến vào Ba Chúc, đánh đuổi bọn Pol Pot về bên kia biên giới, thì phát hiện bé Sương đang thoi thóp thở giữa cánh đồng.
Đợt đó, bé Sương phải nằm viện 4 tháng trời. Những câu hỏi ngây thơ về ba, má, các chị khiến các bác sĩ không cầm được nước mắt.
Ra viện, các cán bộ Bảo tàng tỉnh An Giang giữ bé lại TP. Long Xuyên nuôi ăn, học. Các cán bộ muốn bé học xong phổ thông, sẽ cho đi học chuyên nghiệp, rồi về công tác tại khu di tích nhà mồ.
Thế nhưng, vết thương ở đầu khiến Sương không minh mẫn. Học mãi không được chữ nào, lại chẳng muốn học, nên đến lớn 11, Sương nằng nặc đòi về Ba Chúc.
Chị Sương bên ngôi nhà do Nhà nước và các tấm lòng hảo tâm hỗ trợ |
Năm 25 tuổi, Sương lấy chồng, là anh Mai Văn Xưa, người cùng thôn. Anh Xưa cũng chẳng có nghề ngỗng gì ra hồn, chỉ làm thuê làm mướn kiếm miếng ăn. Có việc thì có rau dưa, không việc thì chỉ húp cháo.
Thế nhưng, thần chết dường như chẳng buông tha. Cưới chồng được hơn năm, thì gặp tai nạn trên trời rơi xuống.
Khi Sương qua đường, một người say rượu lái xe máy tông phải. Sương đập đầu xuống mặt đường nhựa.
Vụ tai nạn ấy khủng khiếp chẳng kém gì vụ thảm sát năm xưa. Sau 4 ngày bất tỉnh trong bệnh viện, thì một lần nữa Sương tỉnh lại. Phần hộp sọ nát bấy, không có cách nào khắc phục, nên các bác sĩ mổ bỏ đi.
Chị Sương bảo: “Giá như ngày đó tui chết đi, theo ba má, các chị, có lẽ tui sướng hơn chú ạ. Dù chiến thắng thần chết, nhưng bao năm nay tui chẳng được ngày nào bình yên. Nghĩ đến gia đình, lòng tui đau như xát muối. Trái gió trở trời, tui đau nhức khắp thân thể”.
Mới đây, vợ chồng chị được nhà nước cùng các tổ chức hỗ trợ 30 triệu đồng để xây ngôi nhà nhỏ. Số tiền chỉ có vậy, nên ngôi nhà bé tin hin, mà làm xong rồi, chẳng sắm được thứ gì nữa. Thôi thì có chỗ trú nắng mưa, cũng là may mắn lắm rồi.
Dương Ngọc Phạm (vtc.vn)