Video tàu Trung Quốc đánh cá phi pháp ở Trường Sa
Đội 30 tàu với sự yểm trợ của tàu ngư chính lớn nhất Trung Quốc bắt đầu đợt đánh cá rầm rộ ở các bãi đá tại quần đảo Trường Sa, vi phạm chủ quyền Việt Nam.
Tàu Ngư Chính 310 có mặt ở Trường Sa hôm 15/7 nhằm thực hiện cái gọi là “bảo vệ cho đoàn tàu cá” của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua |
China Daily cho hay đội tàu nói trên tới bãi Chữ Thập và bắt đầu đánh bắt cá từ chiều 15/7. Đến sáng 17/7, chúng đổi địa điểm đánh bắt tới bãi Su Bi, cách Chữ Thập khoảng 200 km.
Các bãi đá này đều đã được Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Ngày 13/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định việc 30 tàu cá từ tỉnh Hải Nam của Trung Quốc tới quần đảo Trường Sa là hành động phi pháp.
“Lập trường của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được khẳng định nhiều lần. Hoạt động khai thác của ngư dân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa là phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc có trách nhiệm giáo dục, hướng dẫn ngư dân tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế”, đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố.
Ngư dân trên một con tàu của Trung Quốc cho biết họ đã đánh được 1 tấn cá. Họ làm việc vào ban đêm và nghỉ vào ban ngày và được sự yểm trợ của tàu Ngư Chính 310.
Đội tàu này được bố trí bài bản, chia làm 6 nhóm để thực hiện đánh cá. Mỗi nhóm có một tổng chỉ huy và ba phó chỉ huy để sắp xếp và điều hành hoạt động. Ngoài ra, tàu Qiong Sanya F8168, nặng 3.000 tấn, con tàu cung ứng lớn nhất của đảo Hải Nam, mới đưa vào hoạt động từ đầu năm nay sẽ cung cấp nhiên liệu, nước và đá cho 29 tàu cá, Liang Yapai, phó chỉ huy đội tàu của Hải Nam, cho hay.
Đội 30 tàu cá Trung Quốc xâm phạm Trường Sa hôm 15/7. Ảnh: Xinhua |
Các tàu Trung Quốc dự kiến thực hiện công việc trong vòng 20 ngày. Nếu gặp phải điều kiện thời tiết xấu ví dụ như gặp bão thì sẽ thay đổi kế hoạch. Trung Quốc cho biết các tàu sẽ kết thúc chuyến đánh cá trước ngày 1/8, thời điểm lệnh đánh bắt cá của Trung Quốc trên Biển Đông kết thúc.
Việt Nam phản đối lệnh đánh bắt cá trên biển Đông.
Tuy nhiên, nước này nói lệnh đánh bắt cá hàng năm kéo dài từ 15/6 đến 1/8 chỉ áp dụng cho vùng biển từ vĩ tuyến 12 trở về phía bắc, bao gồm bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham mà không bao gồm khu vực quần đảo Trường Sa.
Kể từ khi Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh đánh bắt cá trên biển Đông, Việt Nam liên tục phản đối đồng thời coi là lệnh không có giá trị. Ngoài ra, Việt Nam cũng kịch liệt phản đối việc Trung Quốc thành lập “thành phố Tam Sa”, việc mời thầu dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam và việc 4 tàu hải giám Trung Quốc vào khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Ngoài ra, Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Philippines tại bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nham ở phía đông bắc của Biển Đông. Các tàu của hai nước đã “chạm mặt” và căng thẳng kéo dài suốt từ đầu tháng 4. Mới đây, một tàu hộ vệ của Trung Quốc mắc cạn tại địa điểm gần bãi Trăng Khuyết, cách đảo Palawan 60 hải lý, địa điểm mà Philippines tuyên bố nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Cùng xem clip tàu Trung Quốc đánh cá phi pháp:
Vũ Hà