Luyện 7 thói quen để kì thi nào cũng dễ “nuốt trôi”
Trăm hay không bằng tay quen
Không cần bạn phải ôm về một chồng sách tham khảo hay tìm những đề thi đại học từ… 10 năm trước và hì hục giải. Bạn hãy học theo phương pháp “chậm mà chắc”, cấu trúc đề đại học luôn không thay đổi, vì vậy nên làm theo từng mục và giải nhiều bài tập đồng dạng. Ví dụ, đối với môn Toán, nếu mạnh về hình học không gian, bạn có thể dành cả ngày để ôn và giải các bài tập hình học. Nắm chắc cách giải sẽ khiến bạn tự tin hơn là giải nhiều dạng khác nhau nhưng không tự đúc kết được phương pháp cụ thể.
Có thời gian biểu chi tiết
Học nhiều không hẳn tốt, miệt mài học suốt 1 tuần rồi tự thưởng 1 tuần để nghỉ ngơi cũng không khoa học. Hãy “lên lịch” và đừng để thiếu sót bất kì tiểu tiết nào. Học ít, nhưng sắp xếp thời gian chuẩn mực sẽ giúp bạn đi vào khuôn khổ và không bị stress khi thời gian hạn hẹp và kì thi đến gần. Hãy đan xen giữa việc học và thư giãn, làm điều bản thân cảm thấy thích, bạn sẽ luôn đầy năng lượng.
Dù ai nói ngả nói nghiêng…
Bạn có thể nghe thấy “đồng môn” than thở vì sợ rớt đại học, người thân không thích ngành bạn chọn, thầy cô chỉ quan tâm đến những bạn học giỏi, nhiều người luôn nói bóng gió rằng bạn không thể đậu đại học… Bạn luôn run tay khi làm bài kiểm tra bởi những nỗi lo đó thường trực trong đầu bạn hàng ngày, hàng giờ. Kiên định và “mặc kệ” là 2 điều cực kì quan trọng quyết định đến sự đậu – trượt.
Sưu tập kĩ năng từ “tiền bối”
Việc này không thừa chút nào. Mỗi người sẽ cho bạn một kinh nghiệm khác nhau và bạn sẽ sàng lọc được phương pháp thích hợp nhất với mình. Hãy chú ý đến những điều giúp bạn đậu đại học, đừng để tâm đến những trở ngại làm bạn trượt. Nghĩ về kết quả bạn mong muốn và nhớ ghi chú lại kinh nghiệm thi cử nhé, bạn không thể nào nhớ hết được.
Tự tìm cho mình cách học độc đáo
Ảnh internet
Có những bạn khi học thuộc lòng cần phải đọc thật lớn tiếng, nhưng cũng có nhiều bạn khác đọc thầm và cần không gian yên tĩnh mới nhớ được bài. Và một vài trường hợp khác đó chính là dù làm cách nào cũng không thể nhớ lâu. Vì vậy, bạn cần tự tìm một cách học thích hợp cho bản thân mình thông qua nhiều cách khác nhau rồi sau đó sàng lọc lại. Có thể là bạn học vào buổi sáng, trưa, chiều hay tối, học ở chỗ nào,… hoặc bất cứ cách nào mà bạn cảm thấy tốt nhất.
“Sticker mục tiêu” dán ở góc học tập
Mỗi ngày, hãy ghi một kế hoạch nhỏ và dán lên góc học tập. Nếu hoàn thành xong bạn mới gỡ xuống. Điều này sẽ tạo cho bạn niềm cảm hứng mỗi ngày. Bắt đầu từ những mục tiêu đơn giản, bạn sẽ tin hơn vào bản thân từ những thành công nho nhỏ. Ví dụ dán sticker với nội dung: “Tập thể thao 1 tiếng, dọn phòng”, khi hoàn thành được nó, chỉ số tự tin trong bạn sẽ tăng cao, việc đậu đại học với bạn cũng chỉ như việc hoàn thành xong 3 mục tiêu thường nhật.
Loại bỏ cảm xúc tiêu cực
Sự đố kị, lo lắng vì điểm số không bằng bạn bè, áp lực gia đình, sợ hãi vì được thầy cô kì vọng… Tất cả những điều đó nên được loại bỏ ra khỏi tâm trí bạn ngay từ lúc này. Dẫu cho bạn tự tin đến mấy, mà những cảm xúc này thi thoảng lại xuất hiện, sẽ khiến bạn hơi do dự trước sự mạo hiểm của mình. Vững tâm với quyết định mình chọn và tập trung thực hiện nó trong tâm trạng lạc quan, vui vẻ, khả năng đậu của bạn đã là 70% rồi đấy.
(kenh14.vn)