Nhật Bản sẽ đưa các giá trị đạo đức trở lại hệ thống giáo dục
Chính quyền Nhật Bản vừa tuyên bố nước này sẽ đưa các giảng dạy về đạo đức truyền thống của dân tộc trở lại hệ thống sách giáo khoa nhằm khôi phục những giá trị cũ.
Theo báo Wall Street Journal, sáng kiến giáo dục này là một phần trong nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia hùng mạnh hơn, tự hào hơn, hướng đến tương lai và không còn quá mặc cảm với quá khứ quân phiệt.
Chính phủ công bố các hướng dẫn giáo dục khuyến khích lòng yêu nước, sự tự hào với lịch sử, truyền thống và văn hóa độc đáo của Nhật Bản, bao gồm đạo Shinto, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của tính kỷ luật, sự tốt bụng và khả năng kiểm soát bản thân.
Huấn lệnh giáo dục của triều đình Nhật Bản năm 1890 là nền tảng của các hướng dẫn mới. Hiện các nhà xuất bản Nhật Bản đang đưa những nội dung này vào sách giáo khoa. Dự kiến các sách giáo khoa mới sẽ được đưa vào giảng dạy cấp tiểu học và trung học từ năm 2018.
WSJ dẫn lời giáo sư Shigeki Kaizuka thuộc đại học Musashino cho hay, do sự du nhập của phong cách phương Tây, các lớp học tại Nhật “trở nên hỗn loạn như ở rừng, dẫn tới hành vi bắt nạt”. Các khảo sát cho thấy, nhìn chung dư luận Nhật Bản ủng hộ sáng kiến giáo dục của chính quyền Thủ tướng Abe
Tuy nhiên, Công đoàn Giáo viên Nhật Bản phản đối kế hoạch này vì họ cho rằng đây là “sự cưỡng ép”. Theo Giáo sư Atsuko Tsuruta, các giá trị truyền thống mang tính chất bảo thủ, cổ hủ, nhấn mạnh vào sự tuân thủ quy định, tôn trọng giáo viên, không khuyến khích phản biện.
12 quy định trong Huấn lệnh giáo dục Nhật Bản năm 1890
1. Cung kính cha mẹ
2. Yêu thương anh chị em
3. Vợ chồng thuận hòa
4. Tin tưởng bạn bè
5. Khiêm tốn
6. Nhân từ với tất cả mọi người
7. Chăm chỉ học tập
8. Bổ sung kiến thức, phát triển tài năng bản thân
9. Cải thiện tính cách
10. Nỗ lực vì lợi ích của cộng đồng
11. Tôn trọng hiến pháp và tuân thủ luật pháp
12. Khi tình hình khẩn cấp xảy ra, sẵn sàng làm tất cả cho đất nước.
Theo Tuổi Trẻ