Máy bay do thám Mỹ theo dõi Triều Tiên như thế nào?
Một máy bay do thám có người lái của Mỹ.
“Nó nổi tiếng là khó hạ cánh”, một phi công nói sau khi trèo ra khỏi buồng lái.
Nhưng chiếc máy bay U-2 huyền thoại vẫn là một trong những tài sản giá trị nhất của Washington trên mặt trận “nóng” cuối cùng của Chiến tranh Lạnh. Sau cuộc đại tu trị giá 1 tỷ USD, 3 chiếc máy bay có người lái đang chứng tỏ rằng chúng vẫn có thể cạnh tranh với các máy bay do thám hiện đại nhất trong một sứ mệnh quan trọng: do thám Triều Tiên.
Trong hơn 35 năm, U-2 đã trở thành một trong những “cửa sổ” đáng tin cậy nhất của Washington nhằm tìm hiểm các động thái quân sự tại quốc gia luôn khép kín với thế giới bên ngoài. Hồi tháng trước, Không quân Mỹ đã hoãn kế hoạch thay thế chúng bằng các máy bay Global Hawk hiện đại hơn cho tới ít nhất năm 2012.
Khi thế giới dõi theo cuộc chuyển giao quyền lực của Triều Tiên sang một thế hệ lãnh đạo mới, các chiến dịch của U-2 vốn đã quan trọng lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Hoà bình bấp bênh trên bán đảo Triều Tiên đã bị đe doạ hồi tháng này, khi Triều Tiên nổi giận với cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, cảnh báo rằng nước này đã sẵn sàng cho một “cuộc chiến tổng lực” và “các cuộc tấn công trả đũa tàn nhẫn” nếu cần thiết. Lời đe doạ này không nhắc tới U-2, nhưng Triều Tiên thường xuyên chỉ trích các sứ mệnh gián điệp của U-2 là thù địch.
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không thể ngăn chặn các máy bay U-2 cất cánh.
3 chiếc máy bay giống tàu lượn, cánh dài đang được triển khai tới Căn cứ không quân Osan tại Hàn Quốc, cách biên giới Triều Tiên 80km. Không quân Mỹ từ chối bình luận về việc chúng sẽ bay đi đâu, nhưng trong cuộc phỏng vấn hiếm có và một chuyến thăm các sứ mệnh, chỉ huy phi đội tiết lộ rằng các sứ mệnh của U-2 là thường bay ra ngoài Osan hàng ngày.
“Chúng tôi như là ống nhòm, là mắt và tai đối với Triều Tiên”, Trung tá Deric, người không muốn tiết lộ tên đầy đủ vì các lý do an ninh, cho biết. “Độ cao đặc biệt và các khả năng tình báo của chúng tôi khiến chúng tôi rất khó bị săn lùng”.
Từng được CIA vận hành, U-2 đã trở thành một biểu tượng thời Chiến tranh Lạnh trong cuộc khủng hoảng quốc tế sau khi phi công Mỹ Francis Gary Powers cùng một chiếc U-2 bị bắn rơi trên bầu trời Liên Xô năm 1960. Chương trình kể từ đó được chuyển cho Không quân, nhưng vẫn rất bí mật. Tên đầy đủ của các phi công luôn được giữ kín.
Hơn 1 nửa trong tổng số 1,2 triệu binh sĩ của Triều Tiên được tin là đồn trú ở phía nam Bình Nhưỡng, và các chuyến bay U-2 có thể cung cấp hình ảnh chi tiết về động thái của quân đội, việc củng cố hoạt động và bất kỳ dấu hiệu nào có thể gây phiền muộn ở phía bắc vùng phi quân sự.
Mỹ hiện duy trì khoảng 28.000 binh sĩ tại Triều Tiên.
Không có bình luận nào từ phía Bình Nhưỡng nhưng nước này coi sự hiện diện quân sự của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên là lý do chính sau động lực chế tạo vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng gọi các máy bay là bằng chứng cho thấy Mỹ đang lên kế hoạch một cuộc chiến khác. Giữa lúc xảy ra căng thẳng cao độ 2 năm trước, Triều Tiên nói việc sử dụng U-2 cho thấy Mỹ nhất quyết do thám các căn cứ quân đội của nước này như thế nào.
Các phi công phi đội Osan thường bay 4 ngày một lần trong các sứ mệnh có thể kéo dài 12 giờ.
U-2 bay ở độ cao hơn 21.300m – gấp đôi độ cao của một máy bay thương mại thông thường. Điều đó khiến chúng khó có thể bị đánh chặn hoặc bị theo dõi, và cho phép nó có khả năng bao quát một khu vực mục tiêu rộng lớn hơn các máy bay bay ở tầm thấp.
Nhưng ở độ cao đó, các phi công thường dễ bị khó thở vì không khí loãng và phải mặc bộ quần áo vũ trụ và đội mũ bảo hiểm giống của phi công. Một giờ trước khi cất cánh, họ phải thở oxy để giảm lượng Nitơ trong máu.
Trong trường hợp xấu nhất, máu của phi công có thể sôi lên ở độ cao tối đa.
Không quân Mỹ có 31 chiếc U-2 đang hoạt động. NASA vận hành thêm 2 chiếc nữa.
Máy bay U-2, từng chụp được những bức ảnh quan trọng về các vũ khí của Liên Xô vốn gây ra cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, đã chứng tỏ sự đa năng đáng ngạc nhiên. Không quân Mỹ đã chi 1,7 tỷ USD để đại tu các máy bay U-2 kể từ năm 1994, biến nó thành một loại máy bay tương đối mới nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi.
Các thiết bị cảm ứng của U-2 có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào. Dữ liệu mà nó thu thập có thể được truyền qua kết nối vệ tinh trong thời gian sớm tới các binh sĩ trên mặt đất.
“Hầu hết các máy bay U-2 còn tương đối mới”, chỉ huy U-2 nói. “Những chiếc mà chúng tôi bay ở đây là từ những năm 1980. Chúng đã được thay động cơ, dây điện, buồng lái mới và các thiết bị điện tử tiên tiến. Tất nhiên, các thiết bị cảm ứng cũng được làm mới liên tục. Dòng máy bay này vẫn ở vị trí tiên phong”.
Tuy nhiên, Không quân Mỹ đã ám chỉ trong những năm qua rằng thời gian tồn tại của U-2 có thể chỉ tính bằng ngày.
Dự kiến, U-2 sẽ về hưu vào năm 2015 nhường chỗ cho Global Hawk, dòng máy bay do thám đã được sử dụng rộng rãi tại Iraq và Afghanistan. Nhưng U-2 đã được hoãn “khai tử” hồi tháng trước, khi Không quân quyết định rằng việc thay thế có thể là quá đắt đỏ.
Chuyên gia hàng không Loren Thompson, từ Viện Lexington tại Virginia, cho hay việc giữ lại U-2 chứng tỏ rằng Không quân lo ngại về Triều Tiên – và chi phí – hơn và việc giám sát các khu vực ở xa hơn.
“U-2 rất thích hợp đối với nhu cầu của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, và nguy cơ của việc mất Global Hawk sẽ được hạn chế tối thiểu”, ông Thompson nói.
Không cần phi công để điều khiển, Global Hawk có thể bay ở độ cao 18.300m cho các sứ mệnh xa hơn nhiều so với U-2 – hơn 32 giờ cùng lúc. Điều là này quan trọng khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang thay đổi cán cân quyền lực khắp khu vực.
An Bình
Theo AP