Báo Philippines: Manila cần khẩn trương minh bạch trong quan hệ với Mỹ
Những diễn biến gần đây trong quan hệ Mỹ-Philippines làm gợn lên mối lo ngại trong dân chúng Philippines và các đại diện của họ trong quốc hội – trang mạng Daily Inquirer của Philippines mở đầu bài phân tích về thông tin Mỹ-Philippines đang thảo luận kế hoạch bố trí quân đội. |
Tàu chiến Mỹ tham gia cuộc tập trận chung Mỹ-Philippines ở biển Philippines tháng 6/2011
Theo tờ báo, chương trình nghị sự 2 điểm của Washington ở Philippines không có gì là bí mật: để kiềm chế đà tăng cường sức mạnh của Trung Quốc và để tái tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố ở Đông Nam Á (được gắn mác là một trong những trung tâm huấn luyện của lực lượng Hồi giáo cực đoan).
Các cuộc đối thoại giữa chính phủ Philippines và những người đồng cấp Mỹ đều được đưa tin, nhưng thông tin về những gì đang diễn ra và những gì đang được hai bên thỏa thuận lại hiếm khi được tiết lộ. Thực tế, chỉ có hôm 14/2, tờ Daily Inquirer của Philippines nhắc lại tin đưa từ hôm 3/2 từ Bloomberg rằng Mỹ có kế hoạch “luân chuyển” khoảng 4.000 binh sĩ có vũ trang “qua Australia, Hawaii, Vịnh Subic và có lẽ là một căn cứ nhỏ hơn ở Philippines”, nhưng lại để dư luận tự suy đoán về những hoạt động của Mỹ tại đây.
Trách nhiệm của Quốc hội Philippines là phải giám sát và đánh giá những quyết định mà chính phủ sẽ đưa ra và điện Malacanang (văn phòng tổng thống) phải chịu trách nhiệm về những quyết định này.
Nhưng hầu hết các thành viên quốc hội lại không hề biết về những kế hoạch mà Bộ Ngoại giao Philippines đang thảo luận với phía Mỹ. Nhiều thành viên của cơ quan lập pháp này không trông đợi được tiếp cận với những chi tiết, mà đáng lẽ là đại diện của nhân dân trong chính phủ, họ phải được cung cấp thông tin, đường hướng về những kế hoạch giữa Mỹ và Philippines.
Quốc hội phải giám sát những quyết định mà chính phủ đưa ra và cả những kế hoạch với Mỹ hiện đang được thi hành và những quyết định này phải có những đóng góp tích cực cho những quyết định quan trọng về chính sách ngoại giao, đặc biệt là đối diện với bất đồng ngày càng tăng với Trung Quốc trong tranh chấp trên Biển Đông (Philippines gọi là Biển Tây Philippines).
Nhiều người dân đã bị báo động bởi tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton rằng Washington sẽ tái tập trung sức mạnh quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với lợi ích đặc biệt ở Biển Đông. Và trong khi chính phủ tiếp tục cung cấp cơ sở cho Mỹ triển khai thêm nhiều quân hơn trên lãnh thổ Philippines, người dân Philippines buộc phải đặt câu hỏi: Ai thúc giục ai? Hay ai lôi kéo ai vào một cuộc xung đột lớn hơn?
Mỹ dàn xếp lợi ích của người dân ở Biển Đông?
Đi vào vấn đề, liên minh quân sự ngày càng lớn mạnh với Mỹ sẽ đặt Philippines vào tình hình rất không ổn định.
Việc Philippines tuyên bố chủ quyền ở nhóm đảo Kalayaan, bất chấp phản đối từ phía Trung Quốc và tuyên bố vô lý của Bắc Kinh về chủ quyền với toàn bộ Biển Đông, đã động viên toàn bộ dân chúng và đề cao hình ảnh chủ nghĩa dân tộc của Philippines. Người dân rất ủng hộ tuyên bố về chủ quyền mà chính phủ đưa ra và quốc hội cũng 100% đứng sau chính phủ trong nỗ lực xác định chủ quyền.
Tuy nhiên, cách Bộ Ngoại giao viện đến đồng minh với Mỹ – như một lựa chọn hàng đầu trong nỗ lực bảo vệ lãnh thổ – đã đe dọa tuyên bố chủ quyền của Philippines ở Biển Đông và có thể cản bước tiến nỗ lực của Manila đòi độc lập và chủ quyền từ những cường quốc xưng hùm xưng bá.
Viện đến Mỹ như giải pháp đầu tiên sẽ biến bất đồng về chủ quyền có cơ sở thành một cuộc xung đột lớn.
Như đã thấy, tin tức về việc Mỹ can dự vào cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Đông Nam Á đã khiến tờ báo Global Times của Trung Quốc đăng bài yêu cầu trừng phạt kinh tế Philippines. Cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines ở Biển Đông được lên kế hoạch vào tháng 4 dứt khoát sẽ thổi bùng ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc và làm trầm trọng thêm vấn đề này. Và trong vụ việc này, những bất đồng về lãnh thổ, và việc tìm kiếm những giải pháp đa phương cho những bất đồng này, sẽ bị gạt sang bên lề.
Philippines không nên theo đuổi chiến lược đối chọi một cường quốc đang lên với một bá chủ hết thời. Ngay cả khi Philippines chỉ trích Trung Quốc về những tuyên bố đáng báo động mà mang hơi hướng về quyền bá chủ, Philippines cũng đã luôn nói rằng giải pháp nằm trong liên minh của chúng ta với các nước ASEAN và ngoại giao đa phương hơn là sử dụng vũ lực. Điều cần thiết là ngoại giao kiên nhẫn, ngoại giao đa phương. Chỉ bằng cách dàn xếp với Trung Quốc qua ASEAN, Philippines sẽ có thể đưa ra được một giải pháp lâu dài.
Philippines đã xác nhận Công ước Luật biển của LHQ (UNCLOS) là cơ chế quan trọng trong xúc tiến một giải pháp về tranh chấp lãnh thổ. Philippines đã vẽ lại các đường cơ sở, đảm bảo rằng các ranh giới địa lý với lãnh thổ của Philippines hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc và công ước quốc tế – tất cả những điều mà Trung Quốc từ chối công nhận.
Philippines đã thành công trong việc chứng minh Trung Quốc không sẵn sàng tham gia các cuộc thương lượng đa phương về Biển Đông và Philippines cũng đã khẳng định nỗ lực của Manila giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng con đường ngoại giao. Sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ ở khu vực này đe dọa phá vỡ tất cả những thành tựu này và thật không may cho người dân Philippines, đây lại là định hướng chính sách của Bộ Ngoại giao Philippines.
Những dấu hỏi với Philippines
Đại sứ Mỹ Harry Thomas mới đây tuyên bố rằng Washington đã chi hơn 500 triệu USD để giúp nâng cấp các căn cứ quân sự Philippines. Philippines phải đặt câu hỏi: cơ sở nào đã được nâng cấp? Philippines nâng cấp như thế nào?
Về việc này, điều quan trọng là phải điều tra về thông tin rất đáng ngại là Mỹ có một cơ sở quân sự trong một trong những căn cứ quân sự quanh Manila, và rằng cơ sở này đã được sử dụng để chuyển những phần tử gọi là khủng bố đến nước thứ ba.
Philippines cũng phải xem xét thông tin rằng quân đội từ Okinawa (Nhật Bản) “sẽ được triển khai luân phiên” ở Philippines.
Người dân Okinawa đã rất phản đối các căn cứ của Mỹ trên lãnh thổ của họ, như trường hợp của Philippines, do áp lực của dư luận, Philippines đã đóng cửa được các cơ sở của Mỹ trên lãnh thổ vào đầu những năm 1990. Philippines phải lo ngại về sự tăng cường dần dần các hoạt động quân sự của Mỹ ở nước mình và phải điều tra về vai trò của các căn cứ quân sự sẽ được hồi sinh theo kế hoạch này.
“Để giải quyết tất cả những lo ngại này và đảm báo rằng kế hoạch của ban lãnh đạo là minh bạch, và rằng nó dành ưu tiên thích đáng cho chủ quyền của Philippines và lợi ích của người dân trước nỗ lực của Mỹ duy trì quyền bá chủ của mình, Philippines phải đánh giá một cách nghiêm túc các nhân tố của chiến lược xây dựng sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Philippines”, Daily Inquirer kết luận.
Hà Khoa(dantri)
Theo Daily Inquirer