Cưỡng chế Tiên Lãng: Ai sẽ đền cho ông Vươn?
Thủ tướng
Chính phủ đã kết luận chính quyền huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang (Hải
Phòng) đã sai hoàn toàn trong việc ra quyết định thu hồi, cưỡng chế diện
tích đất đã giao cho ông Đoàn Văn Vươn.
Hiện trường đổ nát sau vụ cưỡng chế. Đền bù như thế nào, những ai phải chịu trách nhiệm đền bù đang là vấn đề cần xác định rõ ràng. |
Ngay
sau khi cơ quan công an khởi tố vụ án hủy hoại tài sản nhà ông Vươn,
việc đền bù thiệt hại sẽ được đặt ra. Đền bù như thế nào, những ai phải
chịu trách nhiệm đền bù đang là vấn đề cần xác định rõ ràng.
Quyết
định thu hồi và quyết định cưỡng chế diện tích đất đã giao cho ông Vươn
là hai quyết định hành chính và những người thực thi hai quyết định này
là những người thi hành công vụ. Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của
Nhà nước, “những cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về
tinh thần do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành
chính, tố tụng, thi hành án… được đền bù thiệt hại”.
Trách
nhiệm bồi thường của Nhà nước được xác định “khi người thi hành công vụ
có hành vi trái luật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác”. Hành vi
trái luật của những người thực thi công vụ khi tiến hành cưỡng chế nhà
ông Vươn được chứng minh khi các cơ quan chức năng kết luận căn nhà bị
phá của gia đình ông Vươn không nằm trên diện tích đất phải thu hồi theo
quyết định thu hồi của UBND huyện Tiên Lãng. Theo luật thì những người
thực thi công vụ là người trực tiếp phải đền bù thiệt hại do hành vi vi
phạm pháp luật của mình gây ra.
Với
việc này đang có hai luồng ý kiến. Thứ nhất, những cán bộ, công chức
trực tiếp cưỡng chế nhà ông Vươn chỉ là người thừa hành lệnh của lãnh
đạo khi thực thi công vụ nên không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Lãnh đạo huyện, xã chỉ đạo cán bộ dưới quyền của mình thực thi việc
cưỡng chế là người chịu trách nhiệm.
Ngược
lại, luồng ý kiến thứ hai cho rằng những người thực thi công vụ phải có
trách nhiệm nhận biết việc thực thi đó có vi phạm pháp luật hay không
nên tất cả những người tham gia phá nhà ông Vươn đều phải chịu trách
nhiệm bồi thường.
Theo
quy định tại điểm d, điều 10 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước:
“Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan cùng gây
ra thiệt hại thì cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm chính
trong vụ việc là cơ quan có trách nhiệm bồi thường”.
Như
vậy, UBND huyện Tiên Lãng phải lấy ngân sách để bồi thường cho ông Vươn
và sau đó các cán bộ, công chức thực thi việc cưỡng chế phải hoàn trả
số tiền đền bù này cho ngân sách huyện.
Khoản
3 điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định, một trong
những “văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công
vụ là bản án hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố
tụng”… Như vậy, để xác định ai là người chịu trách nhiệm bồi thường
thiệt hại cho ông Vươn phải đợi phán quyết của tòa án.
Tuy
nhiên, theo LS. Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân, thì
đây không thể là thi hành công vụ, nên không cần xét đến việc trách
nhiệm bồi thường của Nhà nước, mà chỉ đơn thuần là bồi thường thiệt hại
do các cá nhân cố ý hủy hoại của ông Vươn. Chính quyền làm sai luật và
gia đình ông Vươn chỉ bảo vệ quyền lợi, tài sản của mình trước hành vi
trái luật đó.
Bên
cạnh cán bộ, công chức tham gia cưỡng chế, phá dỡ nhà ông Vươn còn có
ba người dân liên quan, đó là anh Vũ Văn Kết, Đặng Văn Tài và Đỗ Văn
Đoàn. Đây là những người đã đưa xe ủi đến phá nhà ông Vươn, do được ban
cưỡng chế thuê. Luật sư Phạm Thanh Bình phân tích, không thể kết tội ba
người này vào tội “cố ý hủy hoại tài sản” vì họ không biết và không buộc
phải biết việc làm của mình có vi phạm pháp luật hay không.
Ông Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng:
“Mặc
dù đến nay đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng chưa nhận được
đơn của gia đình ông Đoàn Văn Vươn về sai phạm của chính quyền địa
phương trong việc cấp đất, cưỡng chế sai thẩm quyền, thủ tục… Nhưng kể
từ khi sự vụ xảy ra chúng tôi đã thu thập thông tin, theo dõi việc giải
quyết vụ việc… đúng với chức năng giám sát của mình. Chúng tôi đang
theo dõi xem UBND thành phố Hải Phòng và các ngành chức năng thực hiện
kết luận của Thủ tướng như thế nào cũng như thời gian thực hiện, thực
hiện có đúng người, đúng tội và đúng quy định của pháp luật hay không?”.
Ông Vũ Văn Kết – người được thuê phá nhà ông Vươn – tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng:
“Chúng
tôi được chính quyền thuê phá nhà ông Vươn với giá 500.000 đồng/giờ.
Việc phá nhà ông Vươn tôi chỉ là người làm thuê, tôi không biết đó là
vi phạm pháp luật vì thấy lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã thuê nên làm, tôi
đã khai rõ với cơ quan điều tra”.
LS. Nguyễn Hồng Bách, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự:
“Quyền
và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Vươn đã bị xâm phạm và hành vi
trái pháp luật của những cá nhân, cơ quan khác đã buộc gia đình ông
Vươn có những hành vi vi phạm pháp luật… Các cán bộ, công chức ban
hành quyết định thu hồi, quyết định cưỡng chế phải đền bù thiệt hại về
vật chất, tinh thần cho gia đình ông Vươn”.
Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội:
“Nếu
là chống người thi hành công vụ thì phải là thi hành đúng pháp luật thì
mới xét đến là thi hành công vụ. Cán bộ, công chức nhà nước được tổ
chức và làm việc theo đúng pháp luật, phục vụ lợi ích của nhà nước thì
đó mới là công vụ.
Trong
vụ Tiên Lãng chính quyền đã làm trái pháp luật và gia đình ông Vươn
chống lại vì việc làm trái luật của chính quyền thì đó không phải là
chống lại người thi hành công vụ mà là bảo vệ lợi ích hợp pháp của
mình…
Không thể xem xét đây là thi hành công vụ thì không thể áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong việc này”.
Theo VnEconomy