Trào lưu chơi máy đọc sách ở Sài Gòn
Dù smartphone hay máy tính bảng đều cho phép đọc sách dễ dàng, tuy nhiên nhiều người vẫn thích sử dụng một chiếc Kindle, Sony Reader hay Nook để nghiềm ngẫm.
Kindle, thương hiệu máy đọc sách được nhiều người chọn. Ảnh: Tuấn Hưng. |
Từng là một người “nghiện” sách, bất cứ cuốn nào xuất hiện, chị Hải Hà (quận 3, TP HCM) đều mua về đọc. Tuy nhiên, từ khi được chồng tặng cho chiếc Kindle DX, chị Hà đã thay đổi thói quen bằng cách tải trên mạng về. Theo chị Hà, thay vì mang kè kè các quyển sách nặng, giờ chị có thể mang cả tủ đi trong một sản phẩm số hóa nặng khoảng 200 gram.
Xuất hiện tại Việt Nam khá lâu, tuy nhiên phải tới vài năm trở lại đây, máy đọc sách (e-reader) mới trở nên phổ biến. Không khó để sở hữu một thiết bị đọc sách tốt, tuy nhiên, chúng chỉ quanh quẩn trong một vài thương hiệu như Kindle của Amazon và gần đây là Sony Reader, dòng Nook lai tablet…
Tại TP HCM, nhiều hội nhóm chơi máy đọc sách xuất hiện gần đây. Số lượng các cửa hàng chuyên về dòng máy này cũng tăng lên. Chủ một hiệu bán Kindle trên đường Lê Thị Riêng, quận 1, cho biết, mỗi ngày có thể bán đến cả chục máy. Thiết bị của Amazon đa dạng và bán chạy nhất. Ngoài ra, dòng Nook cũng được một lượng fan nhất định, trong khi các hội chơi Sony, Archos ít hơn.
Vài năm trước, việc tìm kiếm sách, convert đúng định dạng để đọc còn khó khăn, bây giờ người dùng dễ dàng download từ nhiều nguồn trên mạng. Anh Nguyễn Xuân Thành (quận 10, TP HCM), cho biết các dòng Kindle được Amazon hỗ trợ về font tiếng Việt tốt, việc chuyển đổi định dạng gần như không gặp lỗi gì. Sony Reader có khó hơn, người dùng có thể tải sách định dạng .mobi, tuy nhiên nguồn trên mạng khá nhiều.
Dạo qua các diễn đàn công nghệ, nhiều hội nhóm chơi và chia sẻ sách xuất hiện. Ngoài ra, các cửa hàng khi bán máy, thường tặng kèm đĩa CD chứa hàng trăm quyển sách, được phân loại từ tiểu thuyết, hồi ký, truyện ngắn… “Chỉ sợ người dùng không có thời gian để đọc, hầu như các quyển sách mới ra đều có phiên bản cho điện tử”, anh Vũ Long, chủ một hiệu bán máy đọc sách tại Bình Thạnh, TP HCM, nói.
Sách tải trên mạng được cộng đồng người dùng đánh máy, copy và chia sẻ. “Hầu hết chúng đều không có bản quyền, có nhiều lỗi chính tả hoặc lên xuống dòng không hợp lý”. Theo anh Vũ Long, nhiều đơn vị trong nước đã phân phối sách điện tử qua mạng hay các kênh quốc tế, nhưng lượng người dùng “lậu” vẫn chiếm số đông hơn là mua.
E-reader cũ chủ yếu là màn hình cứng, tuy nhiên trào lưu cảm ứng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Sony là hãng khởi xướng, tiếp đọc là Barnes & Noble với Nook Simple Touch, Amazon mới đây đã ra dòng Touch. Chỉ cần khoảng 2,5 triệu, người dùng đã có sở hữu một chiếc máy đọc sách. Các dòng tốt hơn từ 3,5 đến 5 triệu.
Những cải tiến gần đây đã mang đến chất lượng máy đọc sách tốt và nhiều chức năng hơn. Anh Cao Cường (quận 3), một người chơi máy đọc sách từ thời gian đầu cho biết, nâng cấp ấn tượng nhất trên máy đọc sách là pin. Theo đó, nhiều thiết bị đã cho phép dùng tới cả tháng. Các phiên bản mới ra mắt còn hỗ trợ Wi-Fi, cho phép lướt web, tải ứng dụng.
Nhiều máy đọc sách mới cũng đầu tư cho thiết kế nhiều hơn. Sony Reader là một trong những thiết bị nhỏ gọn nhất. Các nút bấm cũng được làm gọn lại. Gần đây, dòng Kindle thế hệ thứ 4 cũng trở nên đep hơn. Các nhà sản xuất đang mang tới các công cụ, bỏ dần các chi tiết thừa như phím sang trang, cổng kết nối.
Một trong những xu hướng mới là máy đọc sách kết hợp với tablet. Kindle Fire hay Nook Tablet là các model chạy Android, nhưng cho phép kết nối, tải và đọc sách tốt. Tuy nhiên, theo anh Cường, e-reader truyền thống với màn hình trắng đen vẫn được ưa chuộng nhất, chúng giữ mắt nhìn tốt và không mỏi, cảm giác đọc thật với sách giấy hơn.
Quốc Khánh