Chính phủ Mỹ chọn Goolge, bỏ Apple
– iPhone và iPad của Apple vẫn là lựa chọn hàng đầu của các quan chức Mỹ, song chính phủ nước này vẫn quyết định lựa chọn sử dụng hệ điều hành Android của Google cho dòng điện thoại bảo mật sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian tới.
Tại sao Google được chọn?
Thay vì tự phát triển một chiếc điện thoại đặc biệt với thiết bị bảo mật, chính phủ lựa chọn cài đặt một phần mềm có sẵn. Điều này giúp họ tiết kiệm chi phí và hoàn thành dự án đúng với kế hoạch.
Trong số hàng trăm mẫu điện thoại Android, iPhone và iPad của Apple vẫn được các quan chức Mỹ ưng ý hơn cả. Thậm chí, ngay cả Chủ tịch Ủy ban tham mưu liên quân Hoa Kỳ, Đại tướng Martin Dempsey, cũng đã sử dụng iPad không kết nối mạng để đọc tài liệu mật.
Mặc dù vậy, chính phủ Mỹ vẫn quyết định chọn hệ điều hành Android của Google, lí do chính là vì hãng này cho phép người sử dụng tự do sửa mã của nó. Google công khai mã nguồn Android để bất cứ ai cũng có thể tải về và thay đổi.
Trước đó, các quan chức liên bang đã gặp gỡ với Apple, song Apple không cho phép chính phủ tiếp cận hệ thống của họ theo cách này. Ông Angelos Stavrou, giám đốc thông tin – an ninh tại Đại học George Mason, một thành viên của dự án cho biết: “Android hợp tác hơn trong việc hỗ trợ một vài tính năng mà chúng tôi muốn có trên hệ điều hành, trong khi đó, Apple tỏ ý phản đối hơn”.
Phát ngôn viên của cả Apple và Google đều từ chối bình luận về những thông tin này.
Android phiên bản đặc biệt
Theo nguồn tin từ một người có liên quan tới dự án, các quan chức Mỹ sẽ sớm được sử dụng điện thoại cảm ứng chạy một phiên bản Android đặc biệt của Google, có khả năng bảo mật cao đối với việc nhận và gửi các tài liệu mật của chính phủ.
Những binh lính Mỹ sẽ là người đầu tiên được sử dụng sản phẩm hoàn thiện này, tiếp đó là các cơ quan liên bang, cuối cùng là chính quyền địa phương và các tổ chức.
Theo ông Michael McCarthy, giám đốc cơ quan chuyên kết nối và đánh giá mạng lưới và năng lực Lục quân Mỹ MBC, Lục quân hiện đang sử dụng thử nghiệm điện thoại cảm ứng tại các căn cứ của mình trong gần 2 năm qua.
Sau khi kiểm tra hơn 200 nghìn ứng dụng, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nhiều chương trình yêu cầu phải được tiếp cận được thêm một số thông tin cá nhân trong điện thoại ngay cả khi không cần thiết. Nguy hiểm hơn, nó sẽ gửi một vài trong số chúng tới máy chủ của nhà phát triển ứng dụng này.
Thêm vào đó, hacker hoặc các ứng dụng lừa đảo sẽ xâm nhập vào phiên bản thương mại của Android và công bố các thông tin mật cho chính phủ nước ngoài cũng như đăng tải lên mạng thông qua các trang web như WikiLeaks. Đó là lí do vì sao Mỹ vẫn chưa cho phép các binh sĩ và nhân viên chính phủ sử dụng các dòng điện thoại thông minh để gửi tin nhắn và các tài liệu mật.
Ông McCarthy đánh giá dự án phát triển phần mềm riêng cho điện thoại của chính phủ là “một sự kiện rất quan trọng”. Trong khi đó, Bộ quốc phòng cũng chỉ định đây là dự án ưu tiên. Phiên bản tương thích sẽ được hoàn thành trong 2 tuần tới.
Ông Bryan Schromsky, giám đốc dịch vụ dữ liệu vô tuyến WDS của hãng viễn thông di động lớn nhất nước Mỹ Verizon cho biết trở ngại mà chính phủ sẽ gặp phải là việc bảo đảm an toàn giọng nói trong các cuộc điện thoại.
Lê My (Theo CNN)