Phát hiện 10 tổ trứng khủng long cổ nhất thế giới
Tuần qua, các nhà khảo cổ sinh vật học đã phát hiện ra 10 tổ trứng khủng long – mỗi tổ gồm nhiều trứng khủng long hóa thạch chưa nở, nằm trên một vách đá dựng đứng tại Công viên quốc gia Highlands Golden Gate, Nam Phi. Các nghiên cứu xác định rằng, trứng trong tổ là của loài khủng long cổ nhất thế giới, có niên đại cách đây khoảng 190 triệu năm.
Hình ảnh tổ trứng khủng long mà các nhà nghiên cứu mới phát hiện được.
Theo các nhà cổ sinh vật học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, phát hiện mới này chứng tỏ rằng khu vực địa chất ở đây từng là mảnh đất phù hợp, được loài khủng long cổ nhất Massospondylus carinatus chọn để xây tổ cho các con của chúng trước khi trứng nở. Thời gian ước đoán là vào khoảng trước kỉ Jura – thời kì hưng thịnh bậc nhất của đế chế bò sát khổng lồ.
Hình ảnh phôi hóa thạch của một chú khủng long.
Khi được phỏng vấn về quá trình tìm ra tổ trứng này, nhà cổ sinh vật học thuộc trường Đại học Toronto Mississauga (Canada), Robert Reisz cho biết, sau khi phôi hóa thạch của một con Massospondylus carinatus được phát hiện trên một bức tường đá vào năm 2005, ông cùng các đồng sự đã quay lại đây với hi vọng tìm kiếm thêm hóa thạch về loài bò sát này. Ông cho hay: “Sau nhiều năm tìm kiếm một cách kiên trì, mòn gối, thậm chí phải đi bộ bằng 2 bàn tay, cuối cùng chúng tôi đã tìm ra. Cảm giác lúc đó thật tuyệt vời!”.
Một phôi trứng khủng long.
Các nhà cổ sinh vật học cũng chỉ ra rằng, phát hiện mới này đóng vai trò quan trọng cho ta hiểu thêm về loài khủng long cổ nhất thế giới hiện nay, đặc biệt là tập tính sinh sống của chúng. Ví dụ như người ta thấy vị trí của các tổ trứng phát hiện ở gần nhau, điều đó giúp phỏng đoán về tập tính sống bầy đàn của loài khủng long ăn cỏ này: các “bà mẹ” khủng long có thói quen tập trung lại với nhau và đẻ theo nhóm.
Dấu chân hóa thạch được phát hiện ở các khu vực lân cận tổ trứng khủng long.
Ngoài ra, ở khu vực lân cận các tổ, người ta cũng phát hiện thêm những dấu chân hóa thạch nhỏ được cho là của những Massospondylus carinatus con. Điều này được lí giải là sau khi sinh, các con non vẫn phụ thuộc chủ yếu vào bố mẹ, được mớm thức ăn và bảo vệ khỏi kẻ thù cho đến khi kích thước to gấp đôi. Chúng chủ yếu hoạt động ở quanh tổ. Đặc biệt hơn, qua nghiên cứu sơ bộ về địa chất ở các tổ trứng, người ta thấy có rất nhiều lớp trứng thuộc các thế hệ khác nhau đè lên nhau. Có nghĩa là loài khủng long này có xu hướng đẻ trứng tại những vị trí mà trước kia chúng đã từng đẻ bởi chúng cho rằng nơi đó là nơi an toàn nhất. Thật thông minh, phải không nào?
Khủng long Massospondylus.
Khủng long Sauropoda.
Một điểm kì lạ khác là khi tiến hành phân tích một phôi khủng long trong trứng hóa thạch, người ta thấy phôi của loài này giống như một “phiên bản lùn” của con khủng long Sauropoda, khủng long ăn cỏ lớn nhất từng xuất hiện trên Trái đất.
Đọc thêm :
>>Trung Quốc: Phát hiện hóa thạch của rồng
>>Ai đã từng thấy Thích Ca Mâu Ni?