Chó máy đa năng của sinh viên Việt Nam
Nhóm sinh viên trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM vừa chế tạo thành công chú chó robot có thể sủa, hát, đọc truyện, nói tiếng Anh.
Sinh viên hào hứng với chú chó robot Rudo. Ảnh do tiến sĩ Nguyễn Bá Hải cung cấp. |
Rudo, tên chú chó robot, là sự kết hợp giữa công nghệ cơ khí – điện tử và thuật toán lập trình cho robot. Nó có chiều dài khoảng 75 cm và khối lượng 5 kg. Phần cơ giúp robot có một khung vững chắc, các khớp chuyển động linh hoạt,còn phần điện tử giúp nó thực hiện việc điều khiển chuyển động gật đầu, lắc chân, vẫy đuôi, ca hát, phát ra âm thanh.
Thuật toán giúp chó máy đồng bộ chuyển động và âm thành tạo ra cử chỉ đáng yêu và mềm mại như chó thật. Rudo có thể tự động phát ra tiếng sủa để bảo vệ nhà, hát cho trẻ em, làm nũng, đọc các bài tiếng Anh đàm thoại đơn giản. Người sử dụng có thể cập nhật phần mềm, bài học đơn giản dành cho Rudo với chi phí chỉ vài nghìn đồng.
“Từ ý tưởng một con robot phục vụ trẻ em giải trí, vui học ngoại ngữ và nâng cao tính thú vị các bài học tại giảng đường tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, nhóm nghiên cứu đã tạo ra chó Rudo”, Huỳnh Ngọc Tiến Đạt, thành viên nhóm nghiên cứu, nói.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải, người hướng dẫn nhóm nghiên cứu, cho biết, chế tạo chó máy là một đề tài thu hút sự đam mê học tập lập trình của các em sinh viên. Tuy thời gian thực hiện không dài nhưng nhóm nghiên cứu đã có một sản phẩm mẫu có ý nghĩa cộng đồng. Sự ra đời của chó máy Rudo có ý nghĩa lớn đối với trẻ em trong bối cảnh dư luận lo ngại những vấn đề về an toàn liên quan tới đồ chơi Trung Quốc.
“Sắp tới, nhóm nghiên cứu sẽ ứng dụng các công nghệ cao hơn đối với chó máy như nhận dạng ảnh, nhận dạng dáng người, phân biệt chủ nhà và người lạ”, tiến sĩ Hải nói.
Hương Thu