Muôn chiêu phòng ứng cháy xe của phụ huynh
Nhu cầu đi lại của người dân càng tăng khi Tết tới gần cũng tỉ lệ thuận với nỗi lo nóng hổi về chuyện chiếc xe mình đi hàng ngày có thể cháy nổ bất cứ lúc nào. Nhất là những người thường đưa con nhỏ đi học.
Dẹp bỏ các tiện ích
Vụ nổ xe ở Bắc Ninh làm 3 mẹ con tử vong thực sự gây hoang mang cho chị Thu Giang (Hoàng Mai- Hà Nội). Hàng ngày, chị phải đưa con nhỏ 3 tuổi đi học mẫu giáo và luôn cảm thấy bất an khi ngồi lên chiếc xe Lead. Chị chia sẻ: “Nếu chẳng may, dại miệng, xe cộ bị làm sao, mình không biết sẽ xoay xở như thế nào để thoát được cả mẹ lẫn con.”
Một thói quen thường thấy là chị em thường hay địu con ở đằng trước hoặc đằng sau. Nhiều bé còn được thiết kế một chiếc ghế riêng buộc chặt vào yên xe. Nhưng bây giờ, những cách an toàn và tiện lợi này “hứa hẹn” nguy cơ phản tác dụng nếu chẳng may có sự cố vì trong lúc mất bình tĩnh, việc đưa được con ra khỏi chiếc ghế sẽ rất khó khăn.
Hình ảnh những chiếc xe cháy nổ xuất hiện ngày càng nhiều. Ảnh: GDVN
Chị Thu Giang vừa phải tháo ngay chiếc ghế của con ngồi đằng trước ra, phòng trường hợp nếu chẳng may xe cháy nổ, con và mẹ đều nhảy ra nhanh và thoát được.
Nghe tin đồn những tia lửa điện từ kim loại bị cọ xát có thể làm tăng nguy cơ cháy nổ, chị Thu Giang tức tốc rà soát lại toàn bộ chiếc xe. Những thứ bằng kim loại bao ngoài thân xe như chắn ống xả, chống xước ở các mui xe hay những con chip gắn cùng xi nhan… đều được chị “tống tiễn”. Các phần kim loại hay va quệt thì được bọc nhựa hoặc đệm mút dày.
Chị Giang phân trần: “Thế mà vẫn chưa hết lo. Gần đây cháy xe liên tục thế này nữa, mà lại toàn xe ga chứ, làm mình cứ có cảm giác như đang ngồi trên một quả bom vậy!”.
Mấy hôm nay, cửa hàng sửa chữa xe máy của anh Tuấn ở Giáp Bát (Hà Nội) cũng có đông khách đến nhờ tháo dỡ những đồ trang trí lên xe, kể cả chiếc cốp đựng đồ vốn rất cần thiết với những phụ nữ có gia đình. Thậm chí, có người đề xuất cả việc tháo…ắc-quy cho hết đường đánh lửa điện. Nhiều chị em bắt đầu không để túi xách, ví tiền, điện thoại trong cốp xe mà kè kè bên người.
Mang theo đồ tự vệ
Có chồng làm trong ngành dầu khí, chị Trang, làm ở môt công ty đào tạo với nước ngoài ở quận 3, TP. HCM và con được anh sắm mỗi người một bộ quần áo chống cháy nổ mà ngành hay dùng. Dù biết tác dụng của áo là sau 20 phút áo mới bắt cháy, nhưng chị vẫn lo ngay ngáy vì bộ quần áo không che … triệt để, vẫn còn thò ra hai cái tay.
Chị nói, nhiều bạn bè chị đã bắt đầu tạo thói quen lấy hóa đơn khi mua xăng để nếu xảy ra sự cố còn có nơi mà quy trách nhiệm, đòi bảo hiểm.
Mang theo bình cứu hỏa, sẵn sàng ứng phó khi xe cháy. Ảnh: Internet |
Chị Ninh (Ba Đình-Hà Nội) lại chịu khó mang theo bình cứu hỏa mini. Nhà có 3 xe máy, chị mua 3 bình cứu hỏa mini cho cả chồng và con trai. “Đàn ông hay có tính chủ quan, chưa thấy ông hỏa đến nhà chưa run sợ. Mình phải ép hai bố con mang đi bằng được.” Vậy là từ đó, xe nhà chị có thêm vật trang trí mới. Chị kể, có người trong cơ quan chị mang theo cả…can nước.
Thay vì như trước, ngày ngày lấy xe vô tư đi làm, sáng sáng chị nhờ ông xã kiểm tra toàn bộ xe mới yên tâm.
Đánh đuổi không được, quay ra chăm sóc … chuột
Cả khu trọ của anh Thành ở Văn Quán, Hà Đông (Hà Nội) lâu nay đang điên đảo vì lũ chuột đói. Mấy tháng nay, tuần nào trong khu cũng có người phải mang xe máy đi sửa vì chuột cắn đứt dây bên trong. Từ khi đọc báo thấy có nguyên nhân dính líu đến họ hàng “ông Tý”, anh Thành và mọi người trong khu trọ phải phân công nhau…trực chuột để đánh. Nhưng mùa đông rét mướt không ai thức nổi. Thế là, thay vì đánh chuột ầm ĩ cả xóm, mọi người bàn nhau để lại ít thức ăn thừa trong thùng rác … mời chuột vào xơi, hi vọng nó xao nhãng mấy con xe.
Nhưng hài hước một nỗi, chuột cũng biết tận hưởng cuộc sống! Chúng tha thức ăn vào trong các gầm xe tay ga và để lại một bãi chiến trường, không quên kèm theo màn “xỉa răng” bằng các đoạn dây. Cả khu trọ được phen vừa cười vừa mếu.
Ráo riết tìm thông tin xăng dầu
Chưa tìm ra nguyên nhân cháy xe khiến người dân phải tự cứu mình trước. Nhưng những cách ứng phó hầu hết gây ra không ít bất tiện. Chị Thu Giang giờ lại có thêm nỗi lo mới là con sẽ ngủ gật trên đường đi, khiến bé ngồi không vững trong địu mẹ đeo. Thế nên, trên đường đi, thỉnh thoảng chị lại gọi con. Nhiều hôm, cả hai vợ chồng đưa con đi học cho lành. Còn chị Ninh cho biết, mang theo bình cứu hỏa thì cực chẳng đã vì vướng víu và lo mất trộm. Khi chị em đeo túi xách bên người hoặc hông xe, lại thêm nỗi sợ cướp giật.
Vì vậy, bên cạnh những cách đối phó, nhiều người lao lên các diễn đàn mạng, tìm kiếm người quen để biết thông tin về xăng dầu, “đối tượng tình nghi” hàng đầu của người dân.
Trên diễn dàn webtretho, thành viên Canagi sau khi phát hiện xăng bị kết tủa lạ trên thanh chắn bình và trong ống dẫn xăng khiến máy không nổ đã chụp ảnh và thông tin với các thành viên khác. Canagi cho biết, giờ chị đã chuyển sang đi xe đạp cho lành.
Trên nhiều diễn đàn như webtretho, otofun,… những thông tin mới nhất về các vụ cháy xe và nguyên nhân gây cháy được cập nhật liên tục. Tuy nhiên, chưa có lý giải nào rõ ràng khiến các thành viên tâm phục khẩu phục. Tất cả lại lao vào đoán mò và tự bảo vệ mình trước sản phẩm thiết yếu hằng ngày là xăng. Những thông tin gian lận trong sản xuất xăng, tình nghi về chất lượng của các loại xăng… được bàn tán rôm rả. Trong thế giới ảo, những chia sẻ của các thành viên dường như được tín nhiệm và học tập hơn những thông tin chính thống về việc tìm nguyên nhân cháy xe. Lựa chọn cây xăng nào, xăng của nhà nước hay tư nhân, xăng loại gì, theo dõi chất lượng,…là những thông tin được tìm kiếm nhiều nhất.
Nhiều thành viên của webtretho than thở: “Cuộc sống bây giờ nhiều nguy cơ quá. Hết an toàn vệ sinh thực phẩm, đến nổ ga,…giờ lại thêm cháy nổ xe máy.” Trước khi hi vọng và chờ đợi vào cơ quan quản lý, người dân đang cố tìm đủ cách để tự cứu mình trước.
Nhã Uyên