Bộ trưởng Thăng: Tìm thủy thủ Vinalines bằng mọi giá
“Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các bên cần phối hợp một cách tốt nhất, nhanh nhất. Thậm chí kiến nghị phối hợp cấp Chính phủ, đặc biệt là với Nhật Bản. Không phụ thuộc bao nhiêu tiền, con người là vốn quý nhất, chỉ khi nào quá thời hạn không tìm được nữa mới dừng lại”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết.
Thông tin trên được Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết vào chiều qua (3/1/2012), tại buổi họp báo tổng kết năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải. Cũng tại cuộc họp, rất nhiều vấn đề liên quan đến vụ chìm tàu Vinalines Queen đã được lãnh đạo Bộ giải đáp.
Bộ trưởng Thăng cho biết, ông nhận được thông tin tàu Vinalines Queen mất tích từ rất sớm, và ngay lập tức đã gọi điện cho Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) chỉ đạo bằng mọi cách quyết liệt để tìm kiếm tàu và các thủy thủ mất tích. Báo cáo Việt Nam MRCC phối hợp với các nước trong khu vực để tìm kiếm. Đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình các thủy thủ.
Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo việc tìm kiếm các thủy thủ bằng mọi giá, tiền không phải là vấn đề. |
Bộ trưởng Thăng cũng cho rằng: “Vinalines cần rút kinh nghiệm về cung cấp thông tin cho báo chí, phải có họp báo để công bố thông tin. Lúc đầu công ty không chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, chứ không phải giấu giếm gì”.
Nhân buổi họp này, chúng tôi đã có buổi trao đổi với một số đại diện các bên trong vụ việc:
PV – Tính đến chiều 3/1, công tác tìm kiếm đã được tiến hành như thế nào, đến thời điểm nào việc tìm kiếm sẽ dừng lại?
Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải Việt Nam (Việt Nam MRCC): Hiện nay công việc tìm kiếm vẫn tiếp tục được triển khai, với các như liên lạc với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực tàu Vinalines Queen gặp nạn; đề nghị Philippines, Nhật Bản, Trung Quốc liên lạc các tàu đang hoạt động để tìm kiếm các thủy thủ có thể trôi dạt vào khu vực của các nước.
Ngoài ra, đang liên lạc với Đại sứ quán Việt nam tại Philippines để tìm thuê phương tiện phục vụ công tác cứu nạn.
Trung tâm cũng đã nhận chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, và đang liên hệ với Công ty cứu hộ của Philippines, thuê bằng được tàu để hỗ trợ tìm kiếm, kể cả đề xuất Nhà nước hỗ trợ tìm kiếm 22 thuyền viên còn mất tích.
Khi nào có đủ căn cứ để xác định không còn khả năng tìm kiếm được nữa sẽ xin dừng tìm kiếm.
– Chi phí cho việc tìm kiếm các thuyền viên tàu Vinalines Queen tới nay là bao nhiêu, các khoản chi phí đó do Bộ GTVT hay Công ty tự chi trả? Các thuyền viên được bảo hiểm gồm những hạng mục gì, hoàn trả thế nào, trị giá bao nhiêu?
Ông Lê Anh Sơn, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty hàng hải VN |
Ông Lê Anh Sơn, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty hàng hải Việt Nam (chủ quản công ty Vận tải biển Vinalines – chủ tàu Vinalines Queen): Tính tới thời điểm này các khoản chi phí để thực hiện tìm kiếm đều do Công ty tạm ứng ra chi trả.
Về bảo hiểm, Công ty đã ký mức bảo hiểm là 27 triệu USD, giá trị của tàu dưới giá trị bảo hiểm.
Với các thuyền viên, mức bảo hiểm là 25 ngàn USD/người, khả năng có thể là 40 ngàn USD, chúng tôi đang tiếp tục làm việc với đơn vị bảo hiểm để thống nhất, với mục tiêu là chia sẻ với gia đình người thân có mất mát.
Ngoài ra, Tổng Công ty còn kêu gọi các cán bộ công nhân viên quyên góp để chia sẻ mất mát với các gia đình thuyền viên, nên khả năng không dừng ở 40 ngàn USD nữa. Giá trị con người là vô giá, nhưng bằng mọi cách vẫn phải chia sẻ bớt gánh nặng của các gia đình.
– Có ý kiến cho rằng Công ty chưa thật sự nỗ lực trong việc tìm kiếm tàu bị nạn, và phản ứng chậm, ông nghĩ sao về ý kiến này?
Ông Lê Anh Sơn: Không có chuyện Công ty không nỗ lực tìm kiếm. Khi tàu mới mất liên lạc, vùng biển đó có gió cấp 8, giật cấp 9, nên việc tìm kiếm rất khó khăn.
Ngay sau đấy Công ty đã thông qua Việt Nam MRCC và đề nghị Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phối hợp với nước ngoài để tìm kiếm.
– Tại sao tàu mất liên lạc từ 7h sáng ngày 25/12, mà phải tới 12h công ty mới thông báo và nhờ sự giúp đỡ của Việt Nam MRCC?
Ông Lê Anh Sơn: Tàu Vinalines Queen mới được đóng năm 2005, rất hiện đại, có hệ thống tự động gần như tuyệt đốt, khi tàu nghiêng là thùng hàng tự đóng, và nếu chìm thì phải phát tín hiệu cấp cứu.
Thời điểm đấy, Tổng Công ty đưa nhiều phương án có thể xảy ra, trong đó có thể bị lạc vào vùng quân sự của Philippines nên bị bắt giữ, và cắt liên lạc.
Ngay khi tàu mất tín hiệu, công ty đã chỉ đạo là tìm mọi phương án để bắt lại tín hiệu, kể cả việc thuê vệ tinh tìm lại tín hiệu của tàu. Có thể nói là đã dùng mọi nỗ lực để tìm lại tàu.
Còn việc chậm liên lạc với Việt Nam MRCC vì đây là sự cố ngoài tầm kiểm soát, chúng tôi chưa bao giờ gặp sự cố như thế. Hệ thống liên lạc của tàu là tự động tối đa, nhưng đột nhiên lại mất tín hiệu.
Liên quan đến vấn đề tàu Việt Nam bị lưu giữ tại các nước, trả lời câu hỏi của PV VTC News, ông Đỗ Đức Tiến, Phó Cục trưởng Cục Hàng Hải (Bộ GTVT) cho biết: Tính tới tháng 11/2011, Việt Nam có 36 tàu bị lưu giữ ở nước ngoài. “Nguyên nhân chủ yếu là do các chủ tàu khai thác duy trì bảo dưỡng có phần kém, khi bị nước ngoài kiểm tra đã phát hiện ra một số vấn đề chưa đảm bảo, nên bị họ lưu giữ lại”, ông Tiến cho biết thêm. Ngoài ra, theo ông Tiến, chính quyền các cảng nước ngoài đã tăng cường kiểm tra với tàu của Việt Nam. Cục Đăng kiểm Việt Nam cần tăng cường kiểm tra các tàu trước rồi mới cho rời cảng tại Việt Nam; khuyến cáo các chủ tàu lưu ý bảo dưỡng các tàu… Trong khi đó, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, việc tàu Việt Nam bị lưu giữ có nguyên nhân cơ bản là cơ quan đăng kiểm chưa làm việc tới nơi tới chốn, do xuề xòa, trình độ tiếng Anh, thao tác mở phao cứu… “Chỉ đạo của Bộ là từ năm 2012, mọi việc đều phải có người chịu trách nhiệm, như tàu bị lưu giữ ai chịu trách nhiệm, cấp trên là ai. Cùng các biện pháp đó chắc chắn sẽ giảm thiểu mức thấp nhất lượng tàu Việt Nam bị nước ngoài lưu giữ”, Bộ trưởng Thăng đánh giá. |
Lê Việt