Nhật Bản: Học sinh được khuyến khích vào đại học muộn
Ngày càng có nhiều trường đại học Nhật Bản khuyến khích học sinh trung học nên có kinh nghiệm cuộc sống thực tế bằng cách làm việc và tham gia các hoạt động tình nguyện trước khi chính thức trở thành sinh viên. Chính phủ Nhật Bản và các doanh nghiệp hi vọng vào một thế hệ tương lai có tầm nhìn thực tế và có thể hòa hợp trong môi trường quốc tế.
Trường đại học Tokyo đang cân nhắc việc dời lịch khai giảng năm học từ tháng 4 sang tháng 9 hay tháng 10 giống các nước phương Tây, mặc dù kì thi đại học vẫn sẽ diễn ra vào tháng 2. Phong trào “gap year”- trải nghiệm cuộc sống 1 năm trước khi vào đại học đã trở nên rất phổ biến ở Mỹ và châu Âu.
Hiroki Yoshizawa đã nghỉ học 1 năm để đi làm trên các cánh đồng
“Chúng tôi muốn sinh viên của mình học đại học sau khi các em đã nhận biết được các giá trị xã hội, tự nhận thức được nhiều vấn đề thực tế, chứ không phải học đại học như là một bước tiếp theo sau khi làm bài thi đại học.”- thầy Junichi Hamada, hiệu trưởng đại học Tokyo cho biết.
Trường đại học quốc tế Akita là một trong những trường tiên phong trong lĩnh vực này, khi từ năm 2008, trường đã dành một số suất nhập học đặc biệt dành cho các học sinh đã “tìm hiểu đời thực” trước đó bằng cách tham gia các chương trình tình nguyện tại Cambodia hoặc Australia. Dù chỉ có 10 suất nhưng đã có tới 46 học sinh đăng kí.
Rất nhiều sinh viên thậm chí chọn “gap-year” dù đang trong quá trình học tập. Hiroki Yoshizawa, sinh viên năm 3 khoa kinh tế trường đại học Tokyo đã quyết định nghỉ học 1 năm để làm việc trên các đồng ruộng cho tổ chức nông nghiệp Koka. Yoshizawa đã đỗ đại học trong khi vẫn còn là học sinh một trường danh tiếng ở Tokyo, nhưng kể từ khi đi học cậu thấy các bài giảng của thầy cô có phần nhàm chán. Khi còn là sinh viên năm nhất, Yoshizawa đã đi tình nguyện ở Cambodia và bị sốc trước mức sống nghèo nàn của người dân ở đây. “Tôi đến đây để tìm mối liên hệ với thế giới, nó khiến cho các bài giảng ở trường thú vị hơn nhiều” – Yoshizawa tâm sự.
Hiện nay, trong khi bạn bè mình đôn đáo đi tìm việc, Yoshizawa khẳng định: “Tôi muốn tìm ra con đường mà mình thực sự muốn đi theo, thay vì làm một công việc mà mình không hiểu cũng như không hứng thú.”