Người được nhà lãnh đạo Kim Jong Il gửi gắm con trai
Theo nhà nghiên cứu Choi Jinwook tại Viện Thống nhất quốc gia (Hàn Quốc), ông Kim Jong Il đã từng nói với em rể Jang Song Thaek rằng: “Tôi tin tưởng cậu. Hãy chăm sóc gia đình tôi”.
Chỉ sau một người
Sau cơn đột quỵ của ông Kim Jong Il năm 2008, Jang Song Theak được bổ nhiệm vào Ủy ban Quốc phòng Quốc gia. Năm 2010, ông Jang được đề bạt làm phó chủ tịch Ủy ban, vị trí có quyền lực thứ hai ở Triều Tiên, chỉ sau chủ tịch Kim Jong Il. Bên cạnh đó, ông còn giữ chức giám đốc Ngân hàng Phát triển Trung ương Triều Tiên.
Trong nửa đầu năm 2010, Jang Song Theak đã hộ tống ông Kim Jong Il trong 44/77 chuyến thăm và làm việc tại các đơn vị quốc phòng, nhà máy trên khắp Triều Tiên. Ông cũng là người thu xếp chuyện học hành của Kim Jong Un, người con trai được cố chủ tịch Kim chọn kế nhiệm.
Trong danh sách 232 quan chức của ban chuẩn bị tang lễ cho ông Kim Jong Il, Jang Song Theak là người đứng thứ 19, sau vợ mình là bà Kim Kuyng Hee.
Cuộc hôn nhân giữa Jang Song Theak với người em gái ruột duy nhất còn sống của cố chủ tịch Kim Jong Il là tiền đề đưa ông này vào hàng ngũ lãnh đạo Triều Tiên. Nhưng chính năng lực cũng như những hiểu biết về chính sách kinh tế và đối nội mới là yếu tố quyết định vị trí của Jang hiện nay.
Cố chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il và em rể Jang Song Theak (áo đen) |
Đa số các học giả nước ngoài nghiên cứu về tình hình Triều Tiên đều nhận định Jang Song Theak là một người có thực tài. Marcus Noland, chuyên gia về châu Á tại Viện Peterson (Mỹ) cho rằng “Nếu nhìn vào sự nghiệp của Jang, người ta sẽ thấy ngay đó là một người rất có khả năng”.
Cựu Đại sứ Mỹ ở Hàn Quốc, Christopher Hill cũng nhận định “Jang Song Thaek là một nhà quản trị khôn ngoan”.
[links(left)]Vị trí của Jang Song Thaek còn vững vàng hơn nhờ sự hỗ trợ của vợ. Bà Kim Kuyng Hee cũng là một gương mặt quan trọng trong chính phủ Triều Tiên. Là người đứng đầu ngành công nghiệp nhẹ của Triều Tiên, được phong đại tướng năm 2010, Kim Kuyng Hee luôn xuất hiện bên cạnh anh trai trong những chuyến thị sát địa phương. Bà là người phụ nữ quyền lực nhất tại Triều Tiên và là một trong những cố vấn thân cận của ông Kim Jong Il.
Ẩn số
Cố chủ tịch Kim Nhật Thành đã dành hẳn 2 thập kỷ để dẫn dắt con trai mình là Kim Jong Il đến vị trí người lãnh đạo tối cao của nhà nước Triều Tiên. Nhưng đến lượt mình, ông Kim Jong Il chỉ có 3 năm rưỡi để chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho vị đại tướng trẻ Kim Jong Un. Chính vì vậy, vai trò của những người được ông Kim Jong Il tin cậy gửi gắm người kế tục là rất quan trọng.
Theo giáo sư Yang Moo Jin thuộc Đại học nghiên cứu Triều Tiên: “Jang Song Thaek đóng vai trò rất lớn trong việc giải quyết các vấn đề về chuyển giao quyền lực và cả trong các mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc khi ông Kim Jong Il ngã bệnh”.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng ông Jang Song Thaek có thể là ẩn số lớn nhất trong với quá trình chuyển giao quyền lực. Paik Hak Soon, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Sejong (Hàn Quốc) cho biết: “Jang trung thành nhưng ông ta rất quyền lực. Điều này đã từng phần nào gây lo lắng cho ông Kim Jong Il”.
Trong quá khứ, ông Jang Song Thaek đã bị loại ra khỏi vòng quyền lực ít nhất 2 lần. Lần đầu tiên là khi ông cưới bà Kim Kuyng Hee bất chấp sự phản đối của cha vợ. Lần thứ hai, ông mất tích khỏi chính trường trong khoảng từ năm 2003 – 2006 khi bị nghi ngờ gây dựng bè phái.
Ông Kim Jong Il có lẽ đã dự liệu những tình huống phức tạp trong quá trình chuyển giao quyền lực, nên đã bố trí một số nhân vật có uy tín trong giới chính trị và quân đội để tạo thế cân bằng. Tháng 9 năm ngoái, cùng thời điểm với việc phong hàm cấp tướng cho con trai, ông cũng bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng quân đội Ri Yong-ho làm Phó Nguyên soái.
Việc xuất hiện ở vị trí thứ tư trong danh sách ủy ban chuẩn bị lễ tang cho thấy ông Ri Yong-ho không chỉ có uy thế trong quân đội, mà còn dành được sự tin cậy của cố chủ tịch Kim Jong Il trong các vấn đề chính trị trong nước.
Vợ chồng ông Jang Song Thaek và phó nguyên soái Ri được trông đợi sẽ sự đảm bảo việc Kim Jong Un trở thành nhà lãnh đạo thế hệ thứ ba của đất nước diễn ra suôn sẻ.
Cho Min, nhà nghiên cứu tại Viện Thống nhất quốc gia nhận định “Họ tạo thành một nhóm quản lý khủng hoảng. Họ sẽ đảm bảo tất cả mọi người hiểu rằng không vì lợi ích của bất kỳ ai mà chống lại Kim Jong Un”.
Tuy nhiên, thực tế có diễn ra đúng như vậy không thì vẫn phải chờ đến khi Triều Tiên công bố người sẽ thay thế ông Kim Jong Il làm chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc gia. Theo Leonid Petrov, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Sydney (Australia), nếu đó là Jang Song Thaek thì vai trò của Kim Jong Un sẽ mang tính biểu tượng nhiều hơn. Còn nếu đó là vị đại tướng trẻ thì “người kế tục vĩ đại” sẽ thực sự là người chèo lái đất nước.
Lê My (Theo Reuters, MSNBC, Washington Post, Guardian)