Ước tính mỗi năm, có khoảng 6 triệu tấn rác thải được thải trực tiếp xuống các đại dương. Phần lớn trong số đó là plastic, kẻ thù số một với sự sống của sinh vật biển, khiến vô số loài chim, sinh vật biển đã bỏ mạng do ăn phải rác thải nhựa ở đại dương.
Và một sự thật khủng khiếp về sức hủy hoại của con người tới đại dương đã được hé lộ mới đây bởi các nhà khoa học Úc – 99% loài chim biển sẽ ăn phải rác thải nhựa đến năm 2050.
Để đưa ra kết luận này, các chuyên gia đã tính toán và chỉ ra, cứ mỗi phút lại có 1 triệu túi nilon được con người sử dụng và phần nhiều trong số này bị lãng phí và vứt chủ yếu ra biển cả và đại dương.
Bởi vậy mỗi năm, có hơn 4,8 triệu tấn chất thải nhựa được đẩy ra ngoài biển và đại dương. Những chất thải nhựa này chủ yếu là túi nilon, bong bóng, nắp chai, bật lửa, nút nhựa tổng hợp từ quần áo…
Cụ thể, có khoảng 580.000 phế phẩm từ nhựa trôi nổi trên diện tích 1km vuông nước biển và con số này đang ngày một tăng lên theo cấp số nhân.
Nếu vào năm 1960, số lượng nhựa được phát hiện trong bụng của các loài chim biển chỉ khoảng 5% thì vào năm 2010, con số này đã tăng lên tới 80%.
Rác thải từ nhựa đặc biệt nguy hiểm đối với sự sống của các sinh vật biển. Các sinh vật này không phân biệt được đâu là thức ăn, đâu là rác thải từ nhựa như túi nilon, chai lọ… nên chúng ăn các loại phế phẩm này và nhanh chóng bị các chất độc trong nhựa giết chết.
Ngoài ra, các loài chim, sinh vật biển khác cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các vật liệu này ngay cả khi chúng không ăn phải. Chẳng hạn như việc chúng ta phát hiện thấy rác thải nhựa đang quấn quanh cổ của các loài chim, rùa… làm biến dạng cơ thể các loài vật, hoặc gây tắc nghẽn hệ hô hấp của chúng.
Để rõ hơn, các chuyên gia đã tiến hành khảo sát với 186 loài chim biển – từ chim hải âu lớn đến chim cánh cụt.
Giới nghiên cứu đã tổng hợp thông tin tình hình rác thải nhựa tại nơi cư trú của chúng, tìm hiểu thói quen ăn uống, kích thước cơ thể và các vấn đề khác. Những số liệu này được sử dụng để tạo ra mô hình giúp dự đoán tác động của môi trường hiện nay đối với các loài chim.
Tiếp theo, các nhà khoa học đã tổng hợp các nghiên cứu về cơ chế tiêu hóa nhựa của chim và so sánh báo cáo được sử dụng từ năm 1962 đến 2012. Kết quả là, tỷ lệ cá thể chim biển ăn phải nhựa lên đến 90%.
Nhà nghiên cứu Chris Wilcox đến từ Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp liên bang Australia (CSIRO) cho biết: “Đây thực sự là một con số đáng báo động. Tuy nhiên nếu con người không thay đổi thói quen thả rác ra môi trường, đại dương thì trong 35 năm tới, sẽ có tới 99% loài chim biển ăn phải nhựa”.
Dựa trên mô hình này, giới chuyên gia tin rằng mối đe dọa lớn nhất với các loài chim biển là ở vùng biển Tasman – nằm giữa Australia và New Zealand. Tại đây, tỷ lệ rác thải nhựa tập trung rất cao cùng mật độ chim biển cư trú lớn.
Ít ai ngờ, mỗi ngày, người Việt xả ra khoảng 2.500 tấn rác nhựa ra môi trường bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Do đó, tất cả hãy cùng hành động để bảo vệ môi trường chỉ bằng những việc làm thường ngày:
– Mang theo làn đi chợ.
– Sử dụng túi giấy thay vì túi nilon.
– Không sử dụng ống hút.
– Chuyển sang sử dụng nước uống trong chai thuỷ tinh thay vì nước trong chai nhựa.
– Phân loại rác và để rác đúng nơi quy định.
Theo Trí Thức Trẻ