– Phiến đá kỳ lạ được
cho rằng cất giữ cả một kho báu, cùng với lời nguyền trấn yểm đã có mặt ở ngôi
làng cổ của vùng đồng bằng Bắc Bộ hàng trăm năm nay, và trở thành một “linh vật”
của làng Bái (xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng, Thái Bình).
Kho báu trong phiến đá
cổ
Làng Bái (xã Đông Hợp, Đông
Hưng, Thái Bình) là ngôi làng thuần nông nằm trên trục đường Quốc lộ 10. Cái tên
“làng Bái” có từ bao giờ, gốc tích vì sao có cái tên như thế… không ai giải
thích được.
Trong các văn bản hành
chính của xã, nó có tên là làng Long Bối (bảo bối của rồng).
Phiến đá cổ đặt ở ao chùa của làng Bái. |
Cùng với một quần thể các làng cổ khác
(làng Cốc, làng An Bài, làng Phong Lôi…), Long Bối là mảnh đất truyền thống cách
mạng từ thời tiền khởi nghĩa, gắn liền với địa danh hành chính cũ (phủ Đông
Quan, nay là huyện Đông Hưng).
Người dân làng Bái tự cổ tới kim gắn bó với mảnh
ruộng, góc vườn, không có nghề phụ, người nông dân lam lũ một sương hai nắng cấy
cày trên thửa ruộng cha ông để lại.
Trong lịch sử hình thành
của làng, người già thường kể về phiến đá khổng lồ với những họa tiết, ký tự kỳ
lạ, với những câu chuyện thấm đẫm chất kỳ bí ẩn chứa bên trong nó.
Vết lõm hình đầu gối ở tư thế quỳ trên mặt phiến đá cổ… |
Vết lõm hình bàn tay móc sâu ở bên thành phiến đá. |
Phiến đá cổ có chiều rộng chừng 80cm, dài
gần 02 mét, dày chừng 30cm được đặt trên bệ gạch vuông vức ở giữa chiếc ao lớn
có tên là ao Rối, gần với chùa làng.
Ở giữa vùng quê duy nhất trên cả nước không có
núi non, sự xuất hiện của phiến đá khổng lồ nặng hàng tấn đã là một sự lạ đối
với người dân.
Trước, chiếc ao Rối rất
rộng lớn. Theo thời gian, nó bị thu hẹp khiến vị trí đặt phiến đá cổ bị “dịch
chuyển” vào sát mép bờ. Chùa làng nằm ở cuối làng, xa khu dân cư nên phiến đá
thiêng là nơi ít người qua lại, nhất là khi những truyền thuyết gắn liền với nó
được truyền tụng.
Ông Tuấn đang biểu diễn tư thế quỳ gối và tay trái móc của ở vết lõm bên rìa phiến đá. |
Trên mặt của phiến đá, người ta vẫn còn
nhận thấy một vết lõm sâu trên bề mặt, và một vết lõm khác ở mé phiến đá. Hai
vết lõm này được cho rằng đó là vết lõm do tư thế của một người quỳ gối, tay
trái móc vào thành phiến đá, và vừa khít dấu vết của cả bản tay.
Ông Phạm Văn Tuấn, chủ tịch
Hội Nông dân xã Đông Hợp trực tiếp biểu diễn tư thế quỳ gối trên mặt phiến đá để
minh chứng cho “giả thuyết” thời trước có người đã từng xuất hiện để lấy vàng
bạc, châu báu được cất giấu bên trong phiến đá.
Chân phải của anh quỳ gối
khớp với vết lõm sâu trên bề mặt, chân trái để xuôi đặt trên bệ tường gạch tạo
thành thế trụ, bàn tay trái lùa vão vết lõm bên thành phiến đá, đúng như tư thế
của một người đang móc một vật nào đó trong hang.
Khi làm lại những động tác
của ông Tuấn, chính bản thân tôi cũng vô cùng bàng hoàng vì sự trùng khớp đến
bất ngờ: vết lõm bên trên bề mặt phiến đá bị lún sâu cả chục phân. Vết lõm bên
thành phiến đá vừa khít với bàn tay trái, và vừa khít cả những đốt ngón tay ở tự
thế chõe cong như khi người ta móc, cầm một đồ vật.
Vết lõm vừa vặn bàn tay
trái của một người đàn ông trưởng thành có độ sâu vài chục phân.
Ông Nguyễn Xuân Thụy, 70
tuổi, người dân xóm Chùa khẳng định: hàng trăm năm nay, câu chuyện kho vàng giấu
trong phiến đá đã được dân làng truyền tụng, từ khi ông còn là một đứa bé đầu để
chỏm.
Truyền rằng, phiến đá này
là nơi người Tàu giấu của, sau đó họ đã trở lại lấy vàng mang đi. Vết lõm còn
lại trên phiến đá chính là tư thế quỳ gối, một tay móc vàng của người xưa để
lại.
Tuy nhiên, đối với một
phiến đá khổng lồ liền khối, bề mặt rất cứng như thế, một người bình thường
không thể đủ sức khỏe hay “vận công” để có thể tạo thành vết lún sâu như vậy.
Lý giải điều kỳ lạ này,
người dân làng Bái cho rằng, chủ nhân của kho báu trên phải dùng bùa chú hay một
phép thuật nào đó mới có thể giấu vàng vào bên trong và dùng tay “móc vàng” ra
được.
Phiến đá một ngàn năm
tuổi?
Như nhiều làng quê Bắc Bộ
khác, làng Long Bối là ngôi làng cổ, cư dân quần cư đông đúc từ ngàn đời, chen
chúc theo những trục đường xương cá. Một loạt hệ thống đình, chùa cổ kính rêu
phong có từ thuở cha ông mở làng, lập ấp.
Viên đá hình trụ ở bên rìa bức tường gạch kê phiến đá. Những viên gạch cổ có hình dáng giống với những viên gạch thời Hán xây trong các ngôi mộ cổ đã được khai quật. |
Trong tư duy của người cổ xưa, làng quê
thường nằm xa đường cái quan, giữa một cánh đồng rộng lớn. Người dân chắt chiu,
dành dụm từng tý đất để làm nông nghiệp… nên phần diện tích đất ở chỉ chiếm một
tỷ lệ rất nhỏ.
Vẫn không hiếm gặp những ngôi làng, khi đứng từ
xa nhìn lại giống như một “ốc đảo”, chỉ xanh ngắt những ngọn tre móc câu cao
ngất nghểu, và thấp thoáng những mái nhà ngói nhấp nhô ẩn hiện giữa màu xanh
quen thuộc.
Làng Bái quần cư ở một
phía, bốn xung quanh là cánh đồng bao bọc. Đình ở giữa làng, chùa ở cuối làng.
Những khu dân cư mới bị “phình” ra do sức ép dân số và theo thời gian, được mở
rộng ở các phần rìa.
Trước, để vào làng Bái có
hai cổng chính: cổng Đông và cổng Tây (tên đặt theo phương hướng). Bây giờ, cổng
làng không còn. Dấu vết của hai chiếc cổng này cũng chỉ được nhớ tới vì gắn với
hai chiếc cầu nhỏ, và được gán vào thành hai xóm mới: Long Bối Đông và
Long Bối Tây.
Phiến đá cổ nằm ở ao chùa,
thuộc xóm Long Bối Tây. Con đường dẫn ra cánh đồng của dân làng đi qua vị trí
đặt phiến đá. Có một dạo, phiến đá được “tận dụng” thành chiếc cầu ao vững chãi
để người làng đi làm đồng về rửa chân.
Thời điểm hiện tại, ao chùa
được một người dân thầu để thả vịt, không ai dám rửa chân ở đó nữa, vì sợ nước
bẩn sinh bệnh lở loét. Có lẽ, cũng vì thế mà phiến đá cổ cũng không bị làm
phiền.
Vị trí đặt phiến đá cổ ở góc ao chùa làng Bái. |
Phiến đá cổ này được đặt trên hai mố gạch
chắc chắn. Hai mố gạch này cũng được xây dựng rất kỳ lạ.
Quan sát từ những viên gạch
xếp làm “mố cầu”: đó là những viên gạch nhỏ, mỏng chỉ bằng nửa viên gạch bây
giờ, nhưng nhẵn nhụi và xinh xắn.
Chúng được xếp chồng lên
nhau ở các tư thế đan xen so le, được kết nối bằng một chất kết dính đặc biệt:
mật ong trộn với bột giấy và vôi – một chất kết dính mà càng để lâu càng bền,
chắc chắn hơn bất cứ loại xi măng, bê-tông cốt thép nào bây giờ.
Vẫn câu chuyện của ông Chủ
tịch Hội Nông dân Phạm Văn Tuấn. Thuở thơ ấu bé tý, chính ông đã ngụp lặn không
biết bao nhiêu lần ở chiếc ao Rối của làng. Nhiều lần, ông đã thử lặn ra vị trí
đặt phiến đá, lần từ dưới “chân móng” của bậu gạch kê phiến đá để đo độ cao của
nó, và ánh chừng tới 2 mét, vì đứng thẳng người với một sải tay lên vẫn chưa
chạm mặt nước.
Hình dáng, đặc điểm của
viên gạch cho thấy, nó giống với những viên gạch được xây trong các ngôi mộ vòm
cổ của thời Hán (hơn 1.000 năm trước). Vật đổi sao dời, trải qua biết bao năm
tháng, bị ngâm chìm trong nước, thế nhưng những viên gạch này vẫn rắn đanh,
không có dấu hiệu bị mục, mủn.
Điều kỳ lạ khác, phần tường
gạch kê phiến đá phía bên trái bị gián cách, có một viên đá hình trụ được đặt
thẳng đứng và hở một khoảng chừng 5cm so với mặt dưới phiến đá. Nhiều người thắc
mắc không hiểu lý do tại sao, bờ tường gạch không được xây liền giống như bờ
tường gạch còn lại, và sự có mặt của viên đá hình trụ có mục đích gì?
Vì sự “khó hiểu” này, nhiều
người đặt giả thuyết: phiến đá là một vật trấn yểm của làng, nhất là khi trên bề
mặt phiến đá có những ký tự được viết thành hàng chạy dọc, như là một thông điệp
của người xưa chờ đợi người giải mã!
Kiên Trung
(còn nữa…)