Đôi khi, những câu hỏi tưởng như vớ vẩn lại khiến bạn bối rối, không biết tháo gỡ thế nào. Sau đây là 5 gợi ý bạn nên tham khảo:
– Thành quả nào khiến bạn hài lòng nhất?
Có thể, bạn đạt thành tích cao trong lĩnh vực thể thao, ca hát – những “món” mà bạn thực sự đam mê. Bạn có thể ngồi cả tiếng đồng hồ chỉ để nói đến một tấm bằng khen có được từ niềm đam mê ấy. Thế nhưng, đây không phải điều nhà tuyển dụng muốn nghe.
Ảnh minh họa |
Bạn cần nhớ rằng, trong buổi phỏng vấn, bất kể nhà tuyển dụng đặt câu hỏi gì đi nữa, thậm chí bạn cảm thấy nó chẳng liên quan gì đến công việc nhưng tất cả đều là ý đồ của họ. Nhà tuyển dụng sẽ muốn biết cách bạn xử lý vấn đề, phản ứng của bạn trước một câu hỏi có vẻ không ăn nhập… để xem bạn thông minh, nhanh trí đến đâu.
Với câu hỏi này cũng vậy, đừng sa đà vào những chuyện ngoài lề. Hãy nghĩ đến thành tích bạn có được nhờ sử dụng kỹ năng của bản thân ứng dụng và phát huy tốt trong công việc. Lúc này, tốt nhất là bạn nên nhắc đến việc hoàn thành kế hoạch trước thời hạn dù có nhiều khó khăn, áp lực… Những thành tựu đạt được từ sở thích cá nhân, đam mê nghệ thuật không nên nhắc tới lúc này.
– Bạn đã bao giờ bị sa thải chưa?
Với câu hỏi này, bạn đừng bao gìờ nghĩ đến việc nói dối. Nếu chưa từng bị sa thải thì đó là điều tốt. Nhưng nếu từng bị sa thải, bạn nên thành thật và nhớ là dù vì bất kỳ lý do gì, cũng không nên nói xấu công ty và sếp cũ.
Câu trả lời lúc này là đưa ra những lý do hợp lý về nguyên nhân bị sa thải. Có hai cách bạn nên tham khảo để thoát khỏi câu hỏi này một cách ngoạn mục. Một là đổ lỗi cho sự làm việc dưới hiệu quả bình thường của bạn do hoàn cảnh cá nhân như bị ốm nặng, gia đình có việc không hay xảy ra… và đừng quên nhấn mạnh rằng những khúc mắc đó đã được giải quyết triệt để.
Hai là bạn thành thật thú nhận về sự lựa chọn nghề nghiệp không “chuẩn” của mình. Bạn nghĩ rằng công việc đó đúng với sở thích, sở trường nhưng khi bắt tay vào mới biết là có vô số vấn đề không thích hợp. Sự khác biệt đó khiến bạn mất động lực phấn đấu, không hoàn thành tốt công việc nên bị sa thải là đúng. Ngoài ra, bạn cũng nên nhấn mạnh việc bị sa thải đã cho bạn bài học quý.
– Bán giúp tôi món đồ này
Người phỏng vấn bất chợt bảo bạn bán món đồ nhỏ trong tay ông ấy như một chiếc bút, quyển vở hay chiếc điện thoại đang dùng… Đừng vội cười trước lời đề nghị này của nhà tuyển dụng bởi đây là câu hỏi nhằm chứng kiến cách bạn phản ứng với căng thẳng và bất ngờ. Đừng vội định giá cho sản phẩm nhà tuyển dụng muốn bạn bán mà hãy động não một chút.
Có thể, đây là câu hỏi ngớ ngẩn bạn chưa bao giờ nghe đến nhưng dù sao bạn vẫn phải tìm cách giải quyết. Cố gắng tìm hiểu xem điều gì đang diễn ra trong đầu nhà tuyển dụng bằng cách đặt câu hỏi, “họ muốn biết về chất lượng sản phẩm hay muốn xem kỹ năng bán hàng của mình”. Từ đó, bạn hãy cân nhắc câu trả lời cho hợp lý.
– Bạn thích làm gì ngoài giờ làm việc?
Câu hỏi này không dành để tìm hiểu thói quen như ngủ nướng, nhậu nhẹt hay chơi điện tử… Có thể bạn vẫn thường theo những thói quen này nhưng đây không phải là lúc để khoe những “chiến tích” này. Ngoài ra, bạn cũng không nên dài dòng về những việc gia đình, bạn bè, người thân bởi điều đó tạo cho nhà tuyển dụng cảm giác bạn không toàn tâm toàn ý với công việc.
Với câu hỏi này, khôn ngoan nhất là nên nói về sở thích rèn luyện thể thao như bóng đá, bóng bàn, cầu lông… bởi nhà tuyển dụng vẫn tin rằng, ứng viên như thế sẽ hoạt bát và thích nghi nhanh với các hoạt động tập thể.
Bạn cũng có thể chia sẻ thói quen lang thang dạo chơi cùng đồng nghiệp nếu công ty thực sự có nét văn hóa riêng “làm hết sức, chơi hết mình”.
– Bạn có thể vi phạm quy tắc vì công việc?
Đừng vội vàng nói có hay không bởi quy tắc đề ra không phải để nhân viên vi phạm. Tuy nhiên, nguyên tắc không phải bất di bất dịch và bạn hoàn toàn không nên quá cứng nhắc mà không bao giờ dám phá “lệ”. Nên nhớ, đôi khi, vì lợi ích của công ty, bạn vẫn cần phá bỏ nguyên tắc để hoàn thành công việc kịp thời, không để mất cơ hội cho công ty. Nhưng bạn cũng cần phân biệt việc này với việc thường xuyên vi phạm nguyên tắc trong khi không mang lại một lợi ích nào đáng kể.
Bạn nên giải thích rõ để người phỏng vấn hiểu rằng, bạn sẵn sàng vi phạm nguyên tắc trong trường hợp nào và sau đó, bạn sẽ gặp sếp để trình bày mọi việc.
Hải Như
Theo CareerBuilder/Bưu Điện Việt Nam