Trong một lần đi chăn bò, lũ trẻ phát hiện trên sườn núi Thung Nồi có 2 hang động phát ra một màu vàng lạ… Tin đồn về hang vàng cứ thế lan rộng kéo nhiều người hiếu kỳ đến khám phá. Và những câu chuyện ly kỳ cũng xuất hiện từ đó…
Đồn rằng sau khi phát hiện trong hang phát ra một màu vàng lạ, lũ trẻ chăn bò đã về nói lại với gia đình, người nhà bọn trẻ mang hương vàng tới khấn vái xin mang vàng về và họ phát hiện ánh vàng đó phát ra từ những nhũ đá trong hang mỗi khi có ánh sáng rọi vào.
Từ những thông tin bai đầu này, cái tin “hang vàng” trên sườn núi Thung Nồi của xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa lan rộng khắp. Hàng trăm người dân hiếu kỳ gần xa tới xem; có người bẻ cả nhũ đá mang về nhà. Và nhiều câu chuyện huyền bí xung quanh “hang vàng” được thêu dệt lên.
“Chúng tôi là người dân trong thôn mà chưa biết thật hư trong hang có vàng hay không. Thế mà nhiều người khách thập phương đã tìm tới đây, mang theo hương vàng, hoa quả tới thắp cầu an, rồi chuyện trộm cắp nhũ vàng cũng đã xảy ra. Người dân hiếu kỳ tới hang xem ngày một đông, nhiều hôm có tới cả hàng ngàn người”, ông Nguyễn Hữu Phàn, người dân trong thôn, cho biết.
Để tìm hiểu thực hư những thông tin đồn thổi và tận mắt chiêm ngưỡng “hang vàng” nói trên, chúng tôi theo chân cán bộ xã Nga Giáp khám phá thực tế. Hang nằm trên sườn của dải núi Thung Nồi với độ cao gần 100m so với mực nước biển, cách chùa Bạch Tượng gần 1km về phía Đông. Trên núi Thung Nồi có nhiều hang động nhưng chỉ có hai hang thuộc loại lớn có nhũ vàng bên trong, mỗi hang cách nhau 5m, người dân muốn vào khám phá phải chuẩn bị đèn pin, dây thừng…
Hang thứ nhất lớn hơn, cửa hang rộng gần 1m, càng vào trong hang càng rộng ra. Từ cửa hang xuống tới đáy sâu gần 15m, đáy hang rộng hơn 10m. Đáy hang có nhiều ngách nhỏ chạy đi nhiều hướng khác nhau. Muốn xuống hang phải dùng thangbởi lòng hang có nhiều dốc thẳng đứng rất nguy hiểm. Bên trong lòng hang là hàng ngàn nhũ đá lớn nhỏ với màu vàng sặc sỡ, tạo thành những hình thù đẹp mắt như hình nải chuối, hình tai voi, hình con rùa… Đặc biệt có hình nhũ đá còn được người dân tưởng tượng như bộ ngực thiếu nữ. Nước nhỏ xuống từ đó được coi như… nước thánh, được dân hứng về uống… chữa bệnh và cầu may. Ở những chỗ nhũ bị cưa có các bát hương do người cưa nhũ lập lên để khấn xin tạ tội. Ngoài ra còn có những miếng bát, đĩa vỡ, không biết sót lại từ bao giờ.
Cách hang thứ nhất khoảng 5m, hang thứ 2 nhỏ hơn. Muốn vào được hang này, người vào phải bò qua cửa hang một đoạn dài gần 3m. Hang thứ hai giống như một “cung điện”, sặc sỡ sắc màu với vô vàn nhũ đá đẹp mắt, đồ sộ.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Thận – Chủ tịch UBND xã Nga Giáp – khẳng định: “Những câu chuyện như người dân đồn thổi lâu nay về hang vàng là không có thật. Đúng là có người đã chết trong hang nhưng đó chỉ là do sơ suất, bị tai nạn dẫn đến cái chết thương tâm, chứ không phải vì bẻ nhũ đá mà gặp họa. Khi mới phát hiện hang, chưa rõ thực hư thế nào, nhiều người đã đến cưa, ăn cắp nhũ đá trong hang, đường lên và xuống hang thẳng đứng rất nguy hiểm nên bị ngã. Đây là nguyên nhân dẫn đến chuyện thần thánh hóa, rồng, rắn như người dân đồn. Chứ thực ra không có chuyện gì cả”.
Mời độc giả cùng PV chiêm ngưỡng những hình ảnh về 2 “hang vàng” trên núi Thung Nồi, huyện Nga Sơn:
(theo dantri)