Tinh Hoa

Chung cư VIP “móc túi” người dân cách nào?

Từ dừng thang máy, cắt điện cho tới dựng thiết bị kiểm soát “cấm cửa” cư dân, các “đại gia” chung cư cao cấp đang “móc túi” khách hàng bằng mọi cách. 

 

Golden Westlake: Ép người dân trả phí gửi xe tiền tỷ

Theo VnExpress đưa tin, đại diện cư dân Golden Westlake vừa có đơn kiến nghị gửi UBND thành phố Hà Nội về chủ đầu tư đang dùng những biện pháp cưỡng ép bắt người dân trả phí gửi xe tiền tỷ.

 


Chị Minh, một cư dân ở Golden Westlake cho hay, chủ đầu tư đưa ra hai hình thức thuê bãi đỗ xe trả tiền ngắn hạn, và đóng một lần trong thời hạn 38 năm. Nếu tính theo tháng, khách hàng sẽ phải đóng 1 triệu đồng. Trường hợp thuê dài hạn, cư dân sẽ phải nộp khoảng 800 triệu đồng trong 38 năm.

Chị Minh nhấn mạnh, chủ đầu tư yêu cầu các cư dân không có tiền thuê dài hạn (chỉ thuê theo tháng) phải xuống đỗ tại tầng hầm B2, trong khi nơi này luôn luôn chật chội là điều bất hợp lý. Bên cạnh đó, việc chủ đầu tư thu “một cục” lên đến gần 1 tỷ đồng là đẩy khách hàng vào thế bí.

Vào ngày 14/11, chủ đầu tư đã dựng tất cả thiết bị kiểm soát vào ra lắp đặt tại các ô đỗ xe thuộc tầng hầm B1 nhằm không cho cư dân thuê theo tháng đỗ xe.

Ngoài ra, phía cư dân cho rằng, ngay từ khi tòa nhà được đưa vào sử dụng, chủ đầu tư là Công ty TNHH Hà Việt Tung Shing đã bịt các lối vào cầu thang máy và thang bộ từ sảnh đầu hồi được thiết kế riêng cho mỗi tòa nhà. Hiện toàn bộ cư dân của 2 tòa nhà đi chung lối vào tại sảnh chính.

Trong khi đó, chủ đầu tư lại khẳng định: Diện tích kho tầng hầm là một trong những công trình tiện ích không phải diện tích chung mà thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH Hà Việt Tung Shing. Do đó, chủ đầu tư cho rằng họ có toàn quyền trong việc định giá thuê.

Keangnam: Cắt điện, khóa cầu thang máy ép cư dân đóng phí “khủng”

Ban quản lý tòa nhà Keangnam đã khi đơn phương “cấm cửa” thang máy và cắt điện của gần 400 hộ dân tại đây do tranh cãi về thu phí dịch vụ…

Tờ rơi được cư dân Keangnam dán khắp nơi nhằm đòi lại lợi ích cho mình 

Từ ngày 26/11, BQL Keangnam đã cho tháo gỡ rất nhiều bóng đèn to nhỏ tại các sảnh, hành lang, lối ra hầm đỗ xe, bên trong hầm đỗ xe, các khu vui chơi sinh hoạt công cộng, đèn chiếu sáng sân vườn… khiến các vị trí này rơi vào cảnh tranh tối, tranh sáng – bà Trịnh Thúy Mai, đại diện cư dân Keangnam cho biết.

Ban quản lý Keangnam đã cắt điện, không mở thẻ cho người dân đi thang máy về nhà là một việc làm quá bất ngờ đối với toàn bộ cư dân ở đây.

Không phải chỉ những hộ dân chưa đóng tiền là bị cắt điện, “cấm cửa” cầu thang mà những người đã thanh toán có hóa đơn đầy đủ cũng chịu chung cảnh khổ này. Nhiều băng rôn, khẩu hiệu với nội dung đòi lại quyền lợi của cư dân Keangnam “chúng tôi phải được về nhà”, “Công lý ở đâu sao Keangnam lại có thể làm vậy”, “Hãy trả lại thang máy cho cư dân, ông Ha Jong Suk là kẻ “móc túi”….”, đã được cư dân đưa ra với mong muốn có được câu trả lời hợp lý từ phía chủ đầu tư tòa nhà.

Công ty KS Kinh Đô cử bảo vệ chặn thang máy “dằn mặt” dân

Tháng 10/2011, khi mà những tranh cãi với người dân với chủ đầu tư về việc xây trái phép trên tầng thượng của tòa nhà chung cư 93 Lò Đúc còn chưa kết thúc thì Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô đã bất ngờ cho bảo vệ chặn thang máy của cư dân. Hàng trăm người dân của tòa nhà 93 Lò Đúc đã tập trung phản đối hành động này.

Công ty Kinh đô đột ngột cho chặn 1 thang máy lớn nhất và thuê bảo vệ đúng canh, không cho dân cư của tòa nhà ra vào.

Sáng 4/10, phản ánh tới báo Giáo Dục Việt Nam, cư dân 93 Lò Đúc cho biết: Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô đã cho chặn một thang máy lớn nhất (2.200 mm x 2.400 mm ) trong số 5 thang máy của cư dân và dán biển thông báo: “Thang máy dành cho Khu văn phòng”. Để không cho người dân sử dụng thang máy này, công ty bố trí mỗi tầng hai bảo vệ đứng canh gác tại tầng hầm B1 và tầng sàn G của tòa nhà.

Việc làm này của Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô khiến người dân vô cùng bức xúc. Khoảng 18h cùng ngày, hàng trăm cư dân sống tại tòa nhà đã đứng tập trung dưới tầng hầm B1 nhiều giờ đồng hồ để phản đối hành vi của chủ đầu tư.

“Dù đã được quy định rõ trong hợp đồng góp vốn là 5 thang máy khu chung cư chỉ sử dụng cho cư dân và Khu văn phòng sử dụng 2 thang máy riêng. Tuy nhiên, nhiều năm nay, Công ty Kinh Đô vẫn ngang nhiên cho nhân viên văn phòng sử dụng thang máy của bên cư dân chúng tôi, dẫn tới việc quá tải trầm trọng hệ thống thang máy, đặc biệt là vào giờ cao điểm, vi phạm nghiêm trọng vào diện tích thuộc sở hữu chung của cư dân. Giờ họ lại muốn chiếm nốt thang máy lớn nhất, không biết người dân chúng tôi di chuyển còn khó khăn đến mức nào nữa”, bà Phan Minh Thúy, trưởng ban đại diện cư dân cho biết.

Dọa dừng bàn giao nhà, TSQ “ép” cư dân Làng Việt kiều nộp tiền chênh lệch

Với mục đích nhanh chóng thu được số tiền phát sinh do chênh lệch tỷ giá, Công ty TSQ Việt Nam đã gửi công văn tới riêng từng khách hàng trong đó nhấn mạnh: Nếu khách hàng không nộp tiền, công ty sẽ dùng quyền hạn của mình để không thực hiện các nghĩa vụ của mình, cụ thể là không bàn giao căn hộ.

Để “ép” cư dân Làng Việt kiều nộp tiền chênh lệch, chủ đầu tư TSQ Việt Nam đã dọa không bàn giao nhà theo hợp đồng đã ký từ trước đó.  


Trao đổi với báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thoa – khách hàng mua nhà cũng không khỏi bức xúc: “Công ty thu tiền của tôi gần 4 năm qua để gọi là bán căn hộ cho tôi. Giờ đây công ty căn cứ vào nội dung không có trong hợp đồng (nộp tiền chênh lệch tỷ giá) để không bàn giao nhà cho tôi. Điều đó có nghĩa là: Công ty đang xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tôi”.

Bà Thoa khẳng định: Đến nay, tôi không vi phạm bất kỳ quy định nào của hợp đồng, tôi đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc các điều khoản được quy định trong hợp đồng. Chúng tôi quyết không nộp bất cứ khoản tiền nào bất hợp lý và vi phạm pháp luật” – bà Thoa cũng như nhiều người dân làng Việt kiều châu Âu khẳng định.

Để đấu tranh tới cùng vì quyền lợi, lợi ích chính đáng của mình, các hộ dân tại đây đã gửi đơn tố cáo tới Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.Hà Nội.

Đồng thời, người dân cũng mong mỏi: Thanh tra Ngân hàng Nhà nước “có biện pháp cưỡng chế, buộc Công ty TSQ Việt Nam chấm dứt hành vi đòi tiền chênh lệch phát sinh từ tỉ giá giữa đô la Mỹ và đồng Việt Nam đối với người mua căn hộ”.

Có thể nói, không ở nơi nào như Việt Nam, hầu như hễ người dân nhận nhà vào ở chung cư cao cấp, lại dính chuyện kiện cáo: Người kiện nhà xây chất lượng thấp, kẻ kiện phí dịch vụ quá cao… Đến nỗi, nhiều cư dân phải thốt lên: “Khổ như ở chung cư cao cấp”.

Khởi Sự/GDVN