– Những tiếng nổ long
trời lở đất phát ra từ lòng đất và sau đó là nhà cửa lắc lư khiến hàng chục
nghìn người dân nơi vùng núi Trà My bấn loạn suốt thời gian qua.
Người dân đã có một thời gian sống trong thấp thỏm âu lo, không biết điều gì xảy
ra. Cuối cùng, cơ quan chức năng xác định đó là động đất nhẹ, không gây hậu quả.
Nhưng với người dân miền rừng vốn nhạy cảm với biến động của đất trời cùng những
lời đồn nhảm nhí nên nhiều người đã kéo nhau vào rừng…
Mất ngủ vì đất rung
“Không biết tại răng mà kể từ ngày hồ chứa thuỷ điện Sông Tranh 2 tích nước, từ
lòng đất phát ra tiếng nổ và sau đó là nhà cửa rung lắc khiến bà con tui ở đây
lo lắng…” – khi chưa có kết luận ban đầu của Đoàn kiểm tra thuộc Viện Vật lý
địa cầu, ông Nguyễn Nên, nhà ở thôn 2 Trà Đốc kể.
Người dân chạy ra đường do động đất tại Trà Bui. |
Không riêng gì ông Nên mà nhiều người chúng tôi gặp, gương mặt ai cũng lo lắng
khi kể về hiện tượng lạ những tiếng nổ đì đùng phát ra từ lòng đất, sau đó là
mặt đất chao đảo, nhà cửa rung lắc.
“Tiếng nổ bắt đầu từ cuối năm 2010, sau đó xuất hiện ngày càng dày đặc. Đến mùa
mưa thì những tiếng nổ long trời lở đất và sau đó là rung rung và lắc liên tiếp
xảy ra ngày càng nhiều…” – bà Lê Thị Hoa nhà ở thị trấn Trà My cũng kể.
Bà Hoa cùng nhiều người khách ở thị trấn này đã có những đêm mất ngủ vì lo sợ
đất rung chuyển.
Chị Nguyễn Thị Học (43 tuổi, trú thôn 1, xã Trà Giác, H. Bắc Trà My), chỉ tay vào những vết nứt trên nền nhà do động đất.. |
“Hiện tượng này xuất hiện vào ban đêm, nên bà con tui ở đây tối đến không dám
đóng chặt cửa để đề phòng lỡ có chuyện chi còn chạy ra ngoài cho kịp…” – bà Lê
Thị Lan kể trong lo lắng.
Cũng giống như bà Lan, nhiều gia đình khá giả, nhà cao cửa rộng không dám cửa
đóng then cài vì lo sợ đất chuyển nhà rung sẽ không mở cửa chạy ra ngoài kịp.
Nhưng không đóng chặt cửa thì sợ bọn đạo chích vào nhà. Thế là cả hai vợ chồng
thao thức mất ngủ.
Nỗi lo lắng bắt đầu hiện
rõ trên gương mặt người dân nơi đây.
Có người đang lên kế hoạch xây dựng khách sạn,
nhà cửa đành phải tạm dừng vì lo sợ động đất. Khổ tâm và lo lắng nhất có lẽ là
những gia đình giàu có, khá giả.
Đã có nhiều gia đình lên kế hoạch bán đất, bán nhà về mua đất tại Đà Nẵng hoặc
TP. Tam Kỳ để sinh sống.
Nhưng có lẽ dư chấn của động đất kích thích 3,5 độ Richter không gây nguy hiểm
bàng “dư chấn” kéo dài gây nên nỗi ám ảnh về một trận động đất lớn giáng xuống
đầu như một số kẻ xấu đồn thổi.
Bỏ nhà vào rừng
Kết luận ban đầu của đoàn khảo sát vào ngày 1/112
khẳng định đây là động đất kích thích, có cường độ nhẹ và không gây nguy hiểm.
Nhưng kết luận ấy cũng chỉ ở trong 4 bức tường phòng họp và những trang đánh máy
vội vã. Còn những tin đồn đã truyền tai dân chúng suốt mấy tháng nay.
Theo chân đoàn khảo sát, chúng tôi chứng kiến cảnh người dân từ già đến trẻ con
đứng dọc các tuyến đường, ai cũng bàn tán về chuyện rung chấn kỳ lạ trong thời
gian qua.
Đoàn khảo sát đang đo đạc tìm tâm chấn động đất tại Trà My. |
Chị Nguyễn Thị Học (43 tuổi, trú thôn 1, xã Trà Giác, H. Bắc Trà My), chỉ tay
vào những vết nứt trên nền nhà và kể: “Từ nhà trên đến nhà dưới, chỗ mô cũng
thấy bị nứt. Kiểu ni chắc phải bỏ nhà mà đi…”.
Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, ông Hồ Văn Lợi xác nhận: Hiện tượng rung chấn đang làm
người dân hết sức hoang mang. Nhiều gia đình đã bỏ nhà tái định cư xuống cấp vì
sợ sập để qua ở các nhà gỗ tự làm.
Đáng lo hơn là do tin đồn “ngày tận thế” không biết từ đâu lan ra cùng với hiện
tượng rung lắc nhà cửa xuất hiện dày đặc đã khiến nhiều gia đình bỏ khu tái định
cư vào rừng phá rừng làm nương rẫy và sinh sống.
Ông Đặng Phong – Chủ tịch UBND
huyện Bắc Trà My kể lại những giây phút kinh hoàng mà ông chứng kiến: “Trong
trận động đất đêm 27/11, tôi đang ngủ thì choàng tỉnh dậy bởi tiếng nổ quá lớn.
Chiếc giường kê tựa vào tường rung lên bần bật. Chén tách, bát đũa nhảy loảng
xoảng. Điện thoại cho anh em lãnh đạo huyện tại thị trấn Bắc Trà My thì ai cũng
hoảng hốt…”.
Tìm về các xã Trà Bui, Trà Đốc, Trà Tân ngay dưới chân hồ thuỷ điện Sông Tranh
2, gặp bất kỳ người dân nào cũng kể về nỗi sợ đất chuyển.
Ông Đặng Phong nói: “Dư chấn”
nặng nề nhất mà chính quyền địa phương đang phải đối mặt chính là những chấn
động trong đời sống tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng núi này với
hơn 20.000 người. Theo phong tục tập quán lâu đời – bà con vốn “nhạy cảm” với
những biến đổi bất thường của tự nhiên, nên rất dễ phản ứng tiêu cực trước hiện
tượng rung nổ lòng đất.
“Bằng mọi giá, chúng tôi sẽ không
để xảy ra tình huống đáng lo ngại này. Nhưng điều đó còn phụ thuộc vào động thái
tích cực, khẩn trương của cơ quan chuyên môn trong việc sớm đưa ra kết luận
thuyết phục được người dân” – ông Phong nói.
Vũ Trung