Tinh Hoa

11 vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Mỹ

Mới đây, hãng hàng không lâu đời nhất và lớn thứ 3 của Mỹ American Airlines đã nộp đơn xin phá sản. Tuy nhiên, trong lịch sử kinh tế Mỹ, có tới hàng chục vụ phá sản làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu.

Dưới đây là 11 vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Mỹ, thứ tự tính theo tài sản của công ty ở thời điểm nộp đơn xin phá sản.

 

1. Pacific Gas & Electric Co.

Thời điểm phá sản: 2001

Giá trị tài sản tại thời điểm phá sản: 36,15 tỷ USD

 
 

Pacific Gas & Electric Co., công ty tiện ích lớn nhất tại bang California, là nạn nhân của cuộc khủng hoảng điện lực diễn ra tại bang này hồi năm 2000-2001. Khi đó, việc bãi bỏ các quy định về ngành năng lượng được cho là đã dẫn đến tình trạng mất điện kéo dài và giá điện tăng cao tại bang này. Pacific Gas & Electric Co. hoàn tất thủ tục phá sản vào tháng 4/2004.

 

2. Thornburg Mortgage

Thời điểm phá sản: 5/2009

Giá trị tài sản tại thời điểm phá sản: 36,5 tỷ USD

 
 

Bong bóng nhà đất và khủng hoảng tín dụng thời điểm 2008-2009 là nguyên nhân đẩy công ty cho vay thế chấp này vào tình trạng phá sản.Sự sụp đổ của Thornburg Mortage cho thấy cuộc khủng hoảng nằm ngoài tầm kiểm soát của các hãng cho vay dưới chuẩn. Trước khi nộp đơn xin phá sản, Thornburg là công ty “chuyên cung cấp các khoản vay thế chấp có giá trị trên 417.000 USD cho các khách hàng có điều kiện tín dụng tốt”.

 

3. Chrysler

Thời điểm phá sản: 4/2009

Giá trị tài sản tại thời điểm phá sản: 39,3 tỷ USD

 
 
 

Khi cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng trên toàn cầu và tác động nghiêm trọng tới ngành công nghiệp xe hơi, Tổng thống Mỹ Obama đã phải can thiệp và yêu cầu Chrysler phá sản. Theo đó, Chrysler chuyển giao cho Hiệp hội Sản xuất ôtô Mỹ cùng hai cổ đông chính là chính phủ liên bang và hãng xe hơi của Italy Fiat.

 

4. MF Global

Thời điểm phá sản: 31/10/2011

Giá trị tài sản tại thời điểm phá sản: 41 tỷ USD (tính đến 30/9/2011)

 
 

Tập đoàn tài chính MF Global Holdings là nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu do đầu tư mạnh tay vào trái phiếu chính phủ khu vực châu Âu. Sự sụp đổ của MF Global là cú sốc lớn đối với giới tài chính toàn cầu.

 

5. Conseco

Thời điểm phá sản: 2002
Giá trị tại thời điểm phá sản: 61,4 tỷ USD

 
 

Trong những năm 1990, công ty bảo hiểm và tài chính này đã tiến hành mua lại nhiều công ty, nhưng thương vụ mua lại hãng tài chính chuyên kinh doanh nhà di động Green Tree Financial đã gây thiệt hại nặng nề cho Conseco trong một thời gian dài. Tuy nhiên, chỉ một năm sau khi xin phá sản, Conseco đã vực dậy hoạt động phát đạt trở lại.

 

6. Enron

Thời điểm phá sản: 2001
Giá trị tại thời điểm phá sản: 65,5 tỷ USD

 
 

Hãng năng lượng khổng lồ này đã bị sụp đổ bởi vụ bê bối lớn liên quan tới những gian lận trong hoạt động kế toán của mình.

 

7. CIT Group

Thời điểm phá sản: 11/2009
Giá trị tại thời điểm phá sản: 80,4 tỷ USD

 
 

CIT Group đã bị đánh sập bởi cuộc khủng hoảng tín dụng 2008-2009 sau kế hoạch mở rộng bất thành. Tuy nhiên, ngân hàng thương mại này đã vực dậy được chỉ 38 ngày sau khi nộp đơn xin phá sản nhờ Chương trình giải trừ nợ xấu.

 

8. General Motors

Thời điểm phá sản: 6/2009
Giá trị tại thời điểm phá sản: 91 tỷ USD

 
 

General Motors – trụ cột của ngành sản xuất Mỹ – đã bị lung lay sau nhiều năm doanh số bán hàng sụt giảm nghiêm trọng cộng thêm tác động của cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Tuy nhiên, nhờ gói cứu trợ kịp thời của chính phủ, GM đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm này.

 

9. WorldCom

Thời điểm phá sản: 7/2002
Giá trị tại thời điểm phá sản: 103,9 tỷ USD

 
 

Cùng với Tyco và Enron, hãng viễn thông WorldCom cũng có liên quan tới vụ gian lận kế toán khổng lồ đầu những năm 2000. CEO Bernie Ebbers của hãng này đã phải vào tù vì có can hệ tới “vụ gian lận tài chính lớn nhất trong lịch sử Mỹ”.

 

10. Washington Mutual

Thời điểm phá sản: 9/2008

Giá trị tại thời điểm phá sản: 327,9 tỷ USD

 
 

Tiếp nối vụ phá sản đình đám của Lehman Brothers năm 2008, Washington Mutual đã nộp đơn xin phá sản sau khi khách hàng của công ty này rút tới 16,7 tỷ USD chỉ trong vòng 10 ngày. Sau đó, Washington Mutual đã được JPMorgan mua lại.

 

11. Lehman Brothers

Thời điểm phá sản: 9/2008

Giá trị tại thời điểm phá sản: 691 tỷ USD

 
 

Khi cuộc khủng hoảng tài chính leo thang, chính phủ Mỹ đã đưa ra quyết định gây nhiều tranh cãi khi không giải cứu ngân hàng đầu tư khổng lồ Lehman Brothers. Đây trở thành vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ.

 

Ngọc Trang
Theo Business Insider