Tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Xu Limin đang đi mua gạo ở cửa hàng thực phẩm hữu cơ, cô không muốn mua phải gạo trồng ở miền nam Trung Quốc.
Những thửa ruộng bậc thang ở Trung Quốc. |
“Tôi không quá kén chọn về từng loại thực phẩm, nhưng riêng gạo lại là thứ quan trọng nhất, tôi muốn mua loại gạo sạch nhất” – Xu nói. Cô năm nay 28 tuổi, đang là nhân viên văn phòng tại Bắc Kinh.
“Ai cũng biết rằng gạo ở miền nam bị nhiễm độc, nên tôi muốn mua gạo ở miền bắc, hoặc thậm chí là nhập khẩu” – Xu nói.
Chỉ tính riêng trong phạm vi vấn đề an toàn thực phẩm, gạo bị nhiễm độc cũng có thể là vấn đề lớn nhất. Gạo là loại lương thực chủ lực, gắn liền với lịch sử, văn hóa và tất cả những gì thuộc về Trung Quốc.
Mặc dù việc trồng lúa tại Trung Quốc đang giảm do đất nước trở nên giàu có hơn và đô thị hóa, Trung Quốc vẫn sản xuất gần 1/3 sản lượng gạo thế giới. Họ cũng là quốc gia tiêu thụ gạo nhiều nhất.
Do vậy, khi các báo cáo hồi đầu năm đề cập tới việc hơn 10% lượng gạo sản xuất trong nước và tổng số 12 triệu tấn thóc lúa có thể bị nhiễm kim loại nặng do đất ô nhiễm, người tiêu dùng hết sức lo ngại.
Rất nhiều người như Xu nghe được tin đồn về các loại gạo bị nhiễm bệnh. Xu nói rằng cô không bị sốc khi đọc các báo cáo, nhưng các báo cáo này đã khẳng định các nghi ngờ của cô là đúng. Điều đó khiến cô tìm kiếm các loại gạo đắt hơn và đặc thù hơn.
Cũng giống như các loại thực phẩm khác tại Trung Quốc, rất khó có thể nói cho đích xác nguồn gốc của thực phẩm và liệu chúng có bị nhiễm độc hay không.
“Gạo ở miền bắc thường ngắn hơn, dày hạt hơn và chất hơn” – Xu chia sẻ kinh nghiệm chọn gạo.
Báo cáo về gạo nhiễm độc đã thu hút rất nhiều sự chú ý trong tháng Hai vừa qua, khi các phương tiện truyền thông của Trung Quốc nhấn mạnh vào các nghiên cứu khoa học cho thấy 10% gạo trong nước nhiễm chất catmi. Thứ kim loại nặng độc hại này được cho là đã bị lắng đọng trong các thửa ruộng màu mỡ ở miền nam đất nước và có nguồn gốc từ nước cống và rác thải công nghiệp.
Các tạp chí điều tra của Trung Quốc nhấn mạnh vào các trường hợp điển hình tại các ngôi làng, nơi mà toàn bộ dân cư đều bị ảnh hưởng từ các loại cây trồng kém chất lượng. Tại một ngôi làng ở tỉnh Quảng Tây, các nông dân đã mô tả kỹ lưỡng về một hiện tượng nhiễm độc chất catmi, gây nên bệnh đau xương và đau khớp trầm trọng. Ngoài ra, nó còn có thể gây tổn thương thận.
Phản ứng dữ dội của công chúng về loại gạo độc này cũng nhanh chóng được dập tắt sau khi chính quyền hứa hẹn sẽ có các giải pháp bền vững để giải quyết vấn đề này.
Năm 2008, các nhà khoa học tại Đại học Nông nghiệp Nam Kinh đã thực hiện một nghiên cứu mang tính bước ngoặt về gạo. Tuy nhiên, họ đang từ chối nói thêm về vấn đề này, và nói rằng các thông tin đã được đưa công khai và không có gì để nói thêm.
Các chuyên gia về an ninh thực phẩm cho biết gạo bị nhiễm độc mới chỉ là phần nổi của tảng băng và chỉ ra các vấn đề lớn hơn trong nguồn cung thực phẩm.
Guo Hongwei – một nhà nghiên cứu về thực phẩm và dinh dưỡng tại Đại học Phục Đán tại Thượng Hải – cho biết: gạo bị nhiễm độc là một đề tài hóc búa và khó giải quyết bởi mức độ ô nhiễm đang ở mức cao nhất tại các nguồn nước, trang trại và rất khó để có thể nói rằng những gì tác động lên hạt gạo có thể sẽ xảy ra với người tiêu dùng ở cuối chuỗi cung ứng.
Fan Zhihong – một luật sư nổi tiếng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm – bình luận: gạo nhiễm độc là một dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.
“Bạn không thể nói chỉ bằng cách nhìn và thậm chí bạn không thể nếm chúng” – Fan nói. “Đó còn tùy thuộc vào các cơ quan an toàn thực phẩm quan tâm tới việc này tới đâu. Nhưng những thành phần như catmi không thường xuyên được kiểm tra trong suốt quá trình giám sát, điều này khiến cho sự việc nguy hiểm hơn vì không có ai giám sát”.
Vai trò của gạo với tư cách là thực phẩm chính cho gần 2/3 dân số Trung Quốc đồng nghĩa với việc người tiêu dùng không thể chuyển đổi dễ dàng sang một loại khác khi họ lo ngại về vấn đề này.
“Gạo rất khó để thay thế” – Fan nói. “Bạn có thể chuyển đổi sang một loại hoa quả hoặc cá khác nếu như một loại nào đó bị cho là nhiễm độc. Nhưng bạn không thể nhịn ăn cơm được lâu”.
Fan nói rằng giải pháp nằm ở chỗ thông tin tốt hơn cho người dân và bảo vệ môi trường. Nếu người tiêu dùng hiểu rõ mối liên hệ giữa ô nhiễm và vấn đề thực phẩm, họ sẽ bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề môi trường.
- Thu Lượng (theo Global Post)