– Nghịch lý trên lại là
câu chuyện có thực tại Bắc Kạn: chủ phương tiện khiếu nại quyết định thu giữ
phương tiện của tỉnh. Trong thời gian chờ giải quyết, UBND tỉnh Bắc Kạn phải…
thuê người trông coi máy móc, và phải lấy ngân sách để… trả tiền thuê nhân công.
Chủ phương tiện “kiện
ngược” chính quyền
Trong đợt truy quét các
phương tiện khai thác vàng trái phép trên địa bàn các huyện Na Rỳ, Ngân Sơn,
UBND tỉnh Bắc Kạn đã thu hồi 14 máy xúc, máy đào đất, sàng tuyển rung… của các
nhóm khai thác vàng trái phép.
Thế nhưng, chủ các phương
tiện này lại khiếu nại vì lý do: họ là chủ phương tiện nhưng không trực tiếp đem
máy móc đi đào đãi trái phép. Cá nhân điều khiển những phương tiện này đã… cao
chạy xa bay!
Chiếc máy xúc bị thu giữ tại xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn. UBND tỉnh Bắc Kạn phải lấy ngân sách trả công cho người trông coi máy trong thời gian chờ đợi xử lý! |
Buổi chiều ngày 11/11/2011,
đích thân chủ tịch UBND xã Thuần Mang (huyện Ngân Sơn) Đào Việt Hưng đưa chúng
tôi xuống Tẩu Bản – Bản Giang, nơi đang giữ một máy xúc loại nhỏ – phương tiện
tham gia đào vàng trái phép trên đất ruộng của người dân.
Hiện trường chỉ còn lại một
chiếc máy xúc bị đập vỡ kính, một chiếc sàng tuyển đã hen rỉ nằm chỏng chơ trên
bãi ruộng bị khai thác tan hoang thành những hố, ụ. Chủ chiếc máy xúc, theo anh
Hưng là một người ở mãi Thái Nguyên.
Trong số 14 phương tiện bị
UBND tỉnh Bắc Kạn thu giữ, tại Thuần Mang có 3 máy. Hai máy khác đang được lưu
giữ ở cây xăng ngoài trung tâm xã.
Chiếc máy xúc bị giữ tại
Tẩu Bản, chủ phương tiện kiến nghị với tỉnh vì lý do: một người khác thuê lại
máy xúc chứ anh ta không trực tiếp đưa máy đi đào vàng trái phép. Trong lúc chờ
đợi, huyện Ngân Sơn phải thuê hai người (nằm trong đội bảo vệ xã Thuần Mang)
trông coi.
Người ta phải làm lán trại
túc trực 24/24 tại hiện trường, mỗi ngày công được trả 100 ngàn đồng/người. Đã
ba tháng trôi qua, số tiền thuê người trông coi máy đã ngốn ngân sách của huyện
khá nhiều tiền.
Ngăn sông Bắc Giang để đào vàng. |
Thực trạng vô lý này được
ông Nguyễn Văn Du, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn giải thích: “Việc khiếu kiện
là quyền của công dân, do đó các ban ngành chức năng phải có trách nhiệm giải
quyết. Trong lúc chờ đợi cơ quan chức năng truy tìm đối tượng vi phạm pháp luật
khai thác vàng trái phép, chính quyền sở tại phải có trách nhiệm trông coi máy,
không để mất mát tang vật. Tiền thuê người trông coi máy này, sau này đối tượng
sử dụng máy phải có trách nhiệm hoàn trả cho tỉnh”.
Ngày 10/12/2010, Chủ tịch
UBND tỉnh Bắc Kạn, ông Hoàng Ngọc Đường đã ký ban hành QĐ 2693 về việc ban hành
quy định quản lý xe máy chuyên dụng và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm trong
hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.
Trước đó, ngày 21/1/2010,
Thường trực UBND tỉnh ra Thông báo số 06 về việc bàn các biện pháp ngăn chặn
hoạt động khai thác vàng trái phép, trong đó có nội dung: Các tang vật vi
phạm bị thu giữ, tịch thu được tập kết, lưu giữ; phải cử người trông coi, bảo vệ
như tài sản của Nhà nước và được trả công trông coi trong quá trình chờ xử
lý.
Chính những quy định này đã
trở thành “rào cản” trong hoạt động kiểm tra, xử lý của các tổ công tác cơ sở.
Trưởng phòng TN – MT huyện Na Rỳ, ông Nguyễn Văn Lai chia sẻ: “Theo quy định,
muốn lập biên bản xử lý các phương tiện tham gia khai thác vàng trái phép,
phương tiện đó phải có mặt ở hiện trường, phải có người tham gia điều khiển
phương tiện đó.
Tuy nhiên, khi anh em xuống
đến nơi thì họ đã bỏ chạy hết cả, chỉ còn lại máy móc. Cho nên, dù rành rành
biết máy móc đó được dùng vào việc đào trộm vàng nhưng chỉ cần cách xa hiện
trường 20 mét, chúng tôi cũng không được phép lập biên bản”.
Tất cả các điểm khai khoáng đều sử dụng phương tiện cơ giới. |
Cũng theo ông Lai: đối với phương tiện bị
thu giữ, muốn di dời đến nơi tạm giữ, huyện cũng phải làm tờ trình để xin xe đặc
dụng chuyên chở máy xúc; đó là chưa kể tới địa hình chật hẹp ở bờ sông, bờ suối,
vùng sâu vùng xa không di dời ra ngoài được…
Những tréo ngoe kể trên, vô
hình trung trở thành rào cản cho chính chính quyền sở tại, từ cấp huyện đến cấp
tỉnh.
Ông Nông Danh Hiển, chủ
tịch UBND huyện Na Rỳ bức xúc: “Ngay như mỏ vàng Tốc Lù của Cty Cồ phần Tấn
Thành hết thời hạn khai thác từ tháng 9/2008 nhưng chưa thực hiện hoàn thổ. Khi
đoàn kiểm tra tới nơi đã tiến hành quay phim, chụp ảnh…, bản thân tôi cũng chắc
mười mươi là mình đủ cơ sở pháp lý, nhưng cuối cùng vẫn không lập được biên bản
xử lý vì… không có người của đơn vị VPPL ở đó!”.
Trong những nguyên nhân
bùng phát nạn khai thác vàng trái phép tại Bắc Kạn, ngoài lý do vì nguồn lợi,
chính lãnh đạo tỉnh cũng thừa nhận, có nguyên nhân yếu kém của cán bộ cấp cơ sở;
nguyên nhân từ phía người dân tự nguyện “góp vốn” bằng đất ruộng với chủ máy
móc; việc trà trộn máy móc khai thác vàng bừa bãi ở các điểm cấp mỏ khai thác
cát…
Nhưng hơn hết, đó là lý do:
vàng tăng giá!
“Bắc Kạn ở đâu cũng có
vàng!”
Trao đổi với VietNamNet,
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, ông Nguyễn Văn Du đã thẳng thắn thừa nhận thực
trạng và những lỗ hổng trong công tác quản lý khoáng sản tại địa phương.
Theo ông Du: ở Bắc Kạn chỗ
nào cũng có vàng, phần lớn là vàng sa khoáng. Tuy nhiên, trữ lượng nhỏ, phân tán
nên không thể khai thác theo quy mô công nghiệp. Chính vì lẽ đó, nạn khai thác
vàng trái phép tại Bắc Kạn đã xảy ra từ những năm 80 – 90 của thế kỷ trước.
Ông Nguyễn Văn Du, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: “Không cho phép DN khai thác theo quy mô công nghiệp, mà phải làm cuốn chiếu, vừa khai thác vừa hoàn thổ”. |
Bắc Kạn đã kiên quyết ngăn
chặn tình trạng này bằng việc ban hành một loạt các văn bản, quyết định, chỉ
thị… tới chính quyền các cấp để phối hợp triển khai. Tuy nhiên, giá vàng tăng
chóng mặt trong năm 2011 đã khiến “cơn sốt vàng” bùng phát nóng bỏng tại Bắc Kạn
trong thời điểm hiện tại.
Ngày 11/11/2011 vừa qua,
ông Du thông tin: UBND tỉnh Bắc Kạn đã thành lập tổ công tác lưu động do PGĐ Sở
TN – MT phụ trách. Lực lượng này được trao “đặc quyền” được xử lý tại chỗ các
hoạt động khai khoáng trái phép, và có thể lập biên bản kiến nghị xử lý chính
quyền sở tại trong việc để xảy ra tình trạng khai khoáng trái phép kể trên.
“Tôi nói thẳng với các
phóng viên, người dân không được gì cả, chỉ chủ khai thác vàng là được lợi. Vì
thế, tỉnh kiên quyết xử lý các đối tượng, phương tiện khai thác trái phép, trong
trường hợp cần thiết có thể tiêu hủy tại chỗ.
Tôi cũng đã chỉ đạo cơ quan
chuyên môn tìm hiểu kỹ xem, việc các tổ công tác trước đó đi kiểm tra hoạt động
khai khoáng trái phép bị lộ thông tin ra ngoài, có phải do nội bộ tiếp tay hay
không, sẽ có phương án xử lý cụ thể”.
Việc khai thác vàng dọc sông Bắc Giang đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp của người dân, khi lượng nước tưới tiêu bị thay đổi… |
Cũng theo ông Du: một số
nơi chính quyền cơ sở yếu kém trong năng lực quản lý, đã thế còn không chịu báo
cáo lên cấp trên.
“UBND tỉnh Bắc Kạn đang xây dựng
quy chế, người đứng đầu cấp cơ sở sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình
trạng khai thác vàng trái phép mà không báo cáo, xử lý. Tỉnh cũng hạn chế không
cho phép khai thác theo quy mô công nghiệp mà yêu cầu chủ DN khai thác cuốn
chiếu, khai thác đến đâu hoàn thổ đến đó để đảm bảo công tác hoàn thổ theo đúng
cam kết”.
Không thể phủ nhận những nỗ
lực kể trên của Bắc Kạn, tuy nhiên, bức tranh khai thác vàng trái phép của địa
phương này thực sự toàn một màu vàng vọt, vì cơn lốc tăng giá vàng thời điểm năm
2011 mang lại nguồn lợi quá lớn khiến người dân bất chấp vi phạm pháp luật để
kiếm lời.
Kiên Trung