Tinh Hoa

Người giàu Trung Quốc lũ lượt di cư

Khoảng 10 năm trước, dòng người Trung Quốc lắm của nhiều tiền chỉ chảy nhỏ giọt ra nước ngoài, chủ yếu là Mỹ, Canada, Úc, New Zealand và Singapore. Những năm gần đây, dòng người tìm kiếm hộ chiếu hoặc giấy phép định cư nước ngoài (ở Mỹ thường gọi là thẻ xanh) chảy ồ ạt.


Hơn 500.000 người Trung Quốc có tài sản có thể đầu tư được, trị giá trên 10 triệu nhân dân tệ (gần 1,6 triệu USD), theo kết quả khảo sát mà Ngân hàng Merchants China và Cty Bain & Co công bố hồi tháng 4-2011. Theo khảo sát này, xấp xỉ 60% trong số họ đã di cư hoặc bắt đầu quá trình này.


Trong 11 tháng đầu năm 2011, gần 3.000 công dân Trung Quốc xin cấp visa dành cho đầu tư. Con số này năm 2007 chỉ là 270. Trong tổng số đơn mà người Trung Quốc xin cấp visa vào Mỹ, có tới 78% xin cấp visa đầu tư hay còn gọi là EB-5, theo Cục Nhập cư và Công dân Mỹ (USCIS).

Để có được loại visa này, phải có dự án thương mại với vốn đầu tư tối thiểu 500.000 USD, thuê ít nhất 10 người Mỹ trong vòng 2 năm. Nếu chủ đầu tư Trung Quốc không tạo ra được đủ số việc làm theo yêu cầu, họ và người thân có thể phải rời Mỹ về nước.

Phong trào di cư của giới nhà giàu Trung Quốc khiến dịch vụ của những người như Jason Zhang, chuyên viên môi giới chi nhánh Realty Direct Boston ở thủ phủ bang Massachusetts (Mỹ), ngày càng phát triển. Realty Direct có chi nhánh trên toàn quốc. Văn phòng của ông Zhang chuyên phục vụ người Trung Quốc định cư ở thành phố Boston.


Ông Zhang nói rằng, trong năm 2011, ông đã giúp vài chục gia đình Trung Quốc mua nhà và xe, cũng như tìm trường cho con họ. Vài năm trước, con số khách hàng chỉ là hai hoặc ba gia đình. Vùng ngoại ô giàu có như Weston, Lexington… là lựa chọn đầu tiên của các gia đình Trung Quốc di cư. Theo ông Zhang, họ thường trả tiền mặt khi mua nhà ở và ôtô.


Tuy nhiên, không phải phần lớn những người giàu nhất Trung Quốc muốn bỏ xứ vĩnh viễn. Khoảng 80% người Trung Quốc nhiều tiền không có kế hoạch từ bỏ hộ chiếu nước mình, theo kết quả khảo sát mà Ngân hàng Trung Quốc và tạp chí Hurun (Hồ Nhuận) ở Thượng Hải công bố tháng 10-2011. Hurun hằng năm công bố bảng xếp hạng những người giàu nhất Trung Quốc.


Phần lớn người giàu Trung Quốc theo mô hình của ông Li Weijie: Vợ con lấy hộ chiếu nước ngoài và sống ở hải ngoại, còn chồng có thẻ xanh nhưng dành phần lớn thời gian ở Trung Quốc. “Không như nhiều người Nga rời hẳn quê hương vì lo ngại một số vấn đề, người giàu Trung Quốc vẫn sản xuất, kinh doanh ở Trung Quốc và hầu hết tài sản của họ dưới dạng đồng nhân dân tệ”, người sáng lập Hurun, ông Rupert Hoogewerf, nói.


Giáo dục, môi trường, pháp quyền…?


Thế tại sao họ mong có thẻ xanh? Động cơ lớn nhất là muốn có cơ hội học tập tốt hơn cho con cái, theo kết quả hai cuộc khảo sát kể trên và tâm sự của nhiều người Trung Quốc di cư. Nhiều người Trung Quốc cho rằng các trường đại học Mỹ tốt hơn những trường ở quê hương và con họ cần hiểu biết sâu rộng về thế giới.


Những người di cư nói rằng, nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, như Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình (người được mong đợi thay thế ông Hồ Cẩm Đào), thường cho con họ du học. Các nguyên nhân khác gồm có chất lượng không khí, vấn đề an toàn thực phẩm… tốt hơn.


Để có được visa đầu tư, người nộp đơn phải có nhiều tiền Ảnh: Alamy.

Ngoài ra, chuyển gia đình ra nước ngoài và có thẻ xanh có thể hữu dụng trong trường hợp có thay đổi bất ngờ về pháp lý hoặc chính sách ảnh hưởng xấu tới giới doanh nhân, hoặc bất ổn xã hội trở nên nghiêm trọng. Số sự cố đám đông như bạo loạn, đình công, biểu tình phản đối tăng lên 180.000 vào năm 2010, gấp đôi so với 5 năm trước, theo GS Sun Liping công tác tại Trường Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh.


Wang Xiaolu, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế Quốc gia ở Bắc Kinh, nhận định: “Một số người ở Trung Quốc đang nói đến xung đột giai cấp chống lại người giàu. Có thể một số người di cư lo rằng thay đổi chính sách sẽ khiến họ gặp nguy hiểm”.


Một người Trung Quốc tên là Yang hiện định cư ở thành phố Boston nói rằng, năm 2010, chính phủ Trung Quốc chi nhiều tiền cho an ninh nội địa (549 tỷ nhân dân tệ) hơn là cho quốc phòng (534 tỷ nhân dân tệ). Theo ông Yang, nếu tình hình trở nên tồi tệ, người giàu sẽ trở thành mục tiêu tấn công, không chỉ vì họ nhiều tiền mà còn vì họ thường có quan hệ mật thiết với chính phủ trong quá trình làm ăn.


“Trung Quốc phát triển quá nhanh, còn xã hội thì không ổn định”, luật sư Shengxi Tian, người làm việc cho Cty luật MT Law ở bang Massachusetts, chuyên giúp người giàu Trung Quốc di cư sang Mỹ, nhận định. Theo luật sư Tian, nhiều người Trung Quốc di cư sang Mỹ đánh giá cao tính pháp quyền ở Mỹ, Canada và một số nước khác.


Một số kiều dân giàu có rất ngại nói chuyện cởi mở về lý do họ định cư ở nước ngoài. “Với những doanh nhân như chúng tôi, chúng tôi đến bất kỳ nơi nào an toàn. Hệ thống chính trị và pháp luật Trung Quốc khiến chúng tôi cảm thấy không an toàn”, một chủ doanh nghiệp Trung Quốc gần đây định cư ở Boston nói.


Dịch vụ béo bở


Trung Quốc hiện có hơn 800 nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ di cư được cấp phép (con số hoạt động không phép có thể lên tới vài trăm). Các doanh nghiệp này hướng dẫn người Trung Quốc trả lời phỏng vấn xin visa, điền hồ sơ, xác định dự án đầu tư ở nước ngoài…


Well Trend United ở Bắc Kinh, một trong những nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ di cư lâu đời nhất và lớn nhất Trung Quốc, tính phí mỗi khách hàng lên tới 30.000 USD. Well Trend United có văn phòng ở 10 thành phố lớn của Trung Quốc và hơn 400 tư vấn viên về visa.


Cty này nói rằng đã giúp hơn 10.000 người Trung Quốc lấy visa kể từ khi thành lập năm 1995. Ngành dịch vụ này vẫn sẽ phát triển trong ít nhất một thập kỷ nữa, Larry Wang, người sáng lập Cty, nhận định. “Mỹ có một số vốn, trong khi người Trung Quốc có thể hiện thực hóa giấc mơ nhìn ra thế giới. Đó là vấn đề cung – cầu”, ông Larry Wang nói.


Ông Liang Wengen, Chủ tịch tập đoàn sản xuất máy xây dựng Sany, hiện có 11 tỷ USD, giàu nhất Trung Quốc năm 2011 Ảnh: Hurun.

Một vấn đề quan trọng đối với cả người Trung Quốc muốn di cư và nước tiếp nhận là nguồn gốc tài sản của họ. Để bảo đảm những người xin visa đầu tư thực sự giàu có, không phạm pháp, Mỹ, Canada và nhiều nước khác yêu cầu khắt khe về chứng thực tài sản. Đây có thể là một trở ngại đối với nhiều người Trung Quốc.


“Hầu hết người giàu Trung Quốc có lịch sử trốn thuế”, ông Gao Tong, người di cư tới Boston sáu năm trước và đang cùng với anh trai ở Thượng Hải thành lập công ty riêng chuyên hỗ trợ nhập cư, nhận xét. “Họ sợ bị bắt nếu phải công khai thu nhập thực sự”, ông Gao nói.


Một số người môi giới móc ngoặc với khách hàng để làm giả tài liệu, theo các giám đốc điều hành của Well Trend . Nhiều người muốn di cư không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc tài sản, hoặc họ làm giàu phi pháp, Victor Lum, Phó Giám đốc Well Trend, cựu quan chức Canada lĩnh vực visa, nói.


“USCIS xem xét rất kỹ những cáo buộc gian lận liên quan chương trình EB-5″, Christopher Bentley, người phát ngôn của USCIS, khẳng định.


Minh Long/ Bloomberg, BusinessWeek, Economic Observer, AP
 

(Theo Tienphong)