Tinh Hoa

Báo Anh:Tê giác VN tuyệt chủng do tin đồn chữa ung thư

  – Theo tờ Guardian (Anh), niềm tin rằng bột sừng tê giác có thể chữa khỏi bệnh ung thư được cho là nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng gia tăng nhu cầu sừng tê giác và khiến tê giác tuyệt chủng ở Việt Nam và phía Tây châu Phi.

Những bước tuyệt chủng của tê giác tại Việt Nam

Tháng trước, con tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam được phát hiện đã chết với một viên đạn găm ở chân và chiếc sừng đã bị cưa mất. Vậy là loài tê giác Java đã chính thức tuyệt chủng tại Việt Nam.

Cũng trong tháng này, tê giác đen phía tây châu Phi là loài tiếp theo đã bị tuyệt chủng còn loài tê giác Sumatra ở Indonesia đang được cảnh báo có thể sẽ là loài tiếp theo đứng trên bờ vực tuyệt chủng.
 
Vào cuối những năm 90, thị trường mua bán tê giác bất hợp pháp rất im ắng khi mà hai nước tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất là Yemen (lấy sừng tê giác làm dao găm) và Trung Quốc (để làm thuốc) đã bị chính phủ nghiêm cấm và cũng là do thị trường đã tìm được nguồn thay thế khác. 
 
Năm 2007, chỉ có 13 con tê giác bị giết ở Nam Phi. Tuy nhiên trong năm nay, số lượng tê giác bị giết lên tới 341 con.
 

Những mảnh xương còn sót lại của con tê giác Java cuối cùng tại Việt Nam. Ảnh AP

Điều đáng ngạc nhiên là tin đồn bột sừng tê giác có thể chữa khỏi bệnh ung thư lại không hề dựa trên cơ sở khoa học hay phương thuốc y học cổ truyền nào.

Năm hoặc sáu năm trước tại Việt Nam, người ta đồn rằng sừng tê giác đã chữa khỏi bệnh ung thư cho một cựu lãnh đạo. Lãnh đạo đó không công bố tên và cũng không có bất kỳ thông tin chi tiết về bệnh ung thư được cho là đã chữa khỏi.

Tuy nhiên, tin đồn lan truyền nhanh chóng đã đẩy giá sừng tê giác tăng mạnh, gần đây đã lên đến mức cao kỷ lục hơn 60.000 đô (1,3 tỷ đồng) một kg, cao hơn cả giá vàng. Điều này khiến những kẻ săn trộm liều lĩnh hơn và sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm. Tính từ năm ngoái, lực lượng kiểm lâm đã bắn chết 16 kẻ săn trộm. Người ta còn sử dụng máy bay trực thăng để lùng bắt những kẻ săn trộm.


Cần xác định hành vi tiêu thụ sản phẩm động vật hoang dã
 
Một tổ chức phi chính phủ bảo vệ động vật hoang dã gần đây đã đưa ra khuyến cáo các nhóm bảo tồn nên nhanh chóng xem xét các chiến lược từ trước đến nay để xác định xu hướng hành vi của người tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã để từ đó tìm hướng tác động đến hành vi này .

Steven Broad từ Tổ chức phi chính phủ Traffic cho biết : “Lúc đầu, chúng tôi không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra. Sau đó chúng tôi nhận thấy nhu cầu bất thường từ thị trường Việt Nam – nước mà trước đây chưa từng được coi là một thị trường lớn về tiêu thụ sừng tê giác, vì thế ban đầu chúng tôi cho rằng Việt Nam chỉ là một điểm trung gian chuyển hàng sang Trung Quốc. Nhưng bây giờ chúng tôi tin rằng, Việt Nam chính là điểm đến cuối cùng – thị trường tiêu thụ sừng tê giác.”

Sau khi chứng kiến con tê giác cuối cùng tại Việt Nam tuyệt chủng, các nhà bảo tồn suy nghĩ về tính bức thiết phải thay đổi cách suy nghĩ và cách tiếp cận vấn đề bảo tồn động vật hoang dã. Hiện nay, việc bảo tồn chỉ chú trọng vào bảo vệ động vật trong tự nhiên mà lại bỏ qua hướng xác định và thay đổi hành vi tiêu thụ sản phẩm động vật hoang dã của con người.

Nguyen Van Anh , trước đây là một nhà hoạt động bảo tồn thiên nhiên và hiện đang làm việc cho Bộ tài nguyên và môi trường Việt Nam cho biết: “Sự biến mất của con tê giác cuối cùng ở Việt Nam là một câu chuyện đáng buồn. Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo điều tương tự không xảy ra với các loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng khác. Theo tôi, chúng ta phải chú ý nhiều hơn đến nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã của thị trường điều mà trước đây chúng ta đã bỏ qua.”


Ngăn chặn mua bán các loài tuyệt chủng khó hơn lập khu bảo tồn

Các loài như hổ Đông Dương, voi châu Á, sao la, khỉ mũi tẹt và cá sấu Xiêm tại Việt Nam cũng đang trên bờ vực tuyệt chủng chứ không riêng gì loài tê giác. Ở nhiều nước châu Á, động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao.

Trung Quốc và một số nước châu Á có nền kinh tế phát triển vẫn tồn tại thói quen truyền thống tiêu thụ động vật hoang dã và đặc biệt, khi mà việc kinh doanh trên mạng và du lịch quốc tế phổ biến đã khiến các loài như tê tê, hổ, cá mập, voi…bị sát hại ngày càng nhiều.

Nhận thức về một cuộc khủng hoảng đã hiển hiện trước mắt, nhiều cuộc hội thảo về ngăn chặn nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã đã được tổ chức tại châu Á trong hai tuần vừa qua.

Tại cuộc hội thảo ở Hồng Kông, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), tổ chức phi chính phủ Traffic, Cơ quan điều tra Môi trường (EIA), Quỹ Cứu trợ động vật quốc tế (IFAW) và Ngân hàng Thế giới (World Bank) cùng các chuyên gia tiếp thị, nhà chiến lược truyền thông và các quan chức chính phủ đã tụ họp lại với nhau trong nỗ lực xây dựng phương pháp tiếp cận mới để giảm tiêu thụ về hổ và các sản phẩm tê giác ở Trung Quốc và Việt Nam.

Được biết, Hồng Kông là thị trường tiêu thụ vây cá mập lớn nhất thế giới. Trung bình mỗi năm có khoảng 25 đến 75 triệu con cá mập bị giết để cung cấp cho ngành kinh doanh trị giá hàng tỷ đô la này.

Năm nay, tổ chức ActionAid (Anh) đã mời ngôi sao bóng rổ Yao Ming (Trung Quốc) lên tiếng tẩy chay món súp vây cá mập. Mới đây, khách sạn Peninsula – một khách sạn uy tín nhất tại Hồng Kông – cho biết sẽ ngừng phục vụ món súp vây cá mập từ tháng 1/2012. Đây là một chiến thắng hiếm hoi mà các nhà vận động bảo tồn động vật hoang dã hy vọng sẽ được nhân rộng.

Ông Stanley Shea từ Hiệp hội Bloom, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hồng Kông cho biết: “Đã đến lúc các nhóm bảo tồn phải thay đổi hướng tiếp cận bảo vệ động vật hoang dã.”

Ngoài ra, một cuộc họp tìm biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn suy giảm động vật hoang dã tại châu Á do Mạng lưới thực thi Luật loài hoang dã ASEAN (ASEAN-WEN), cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ và Freeland (quỹ hoạt động chống lại việc buôn bán động vật hoang dã và nô lệ) cũng được tổ chức tại Bangkok tuần trước.

Bà Grace Ge Gabriel, giám đốc khu vực châu Á của Quỹ Cứu trợ động vật quốc tế (IFAW) cho biết :”Nạn săn bắn động vật hoang dã ở Châu Phi và Châu Á cũng như nạn tiêu thụ động vật hoang dã ở Châu Á đã làm thức tỉnh các nhóm bảo vệ động vật. Việc ngã giá một loài có nguy cơ tuyệt chủng chính là con đường ngắn nhất đẩy nó tới hiểm họa biến mất hoàn toàn. Muốn ngăn chặn hoạt động khai thác thương mại động vật hoang dã thì cần phải giải quyết được từng liên kết trong chuỗi thương mại từ chống săn bắn trộm đến chấm dứt nạn buôn lậu để làm giảm nhu cầu trên thị trường “.

Trong nhiều năm qua,  các nhà bảo tồn đã cố gắng ngăn chặn việc mua bán ngà voi, thịt cá voi, sản phẩm gỗ không rõ nguồn gốc và các mặt hàng khác mà đang làm gia tăng áp lực lên các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Thực hiện công việc này khó khăn gấp nhiều lần so với việc thành lập một khu bảo tồn thiên nhiên và chiến đấu chống lại những kẻ săn trộm.

Trong tương lai, việc bảo tồn cần nỗ lực hơn nữa trong việc tiến hành khảo sát người tiêu thụ, giám sát các chủ cửa hàng và đưa ra chiến dịch vận động thay đổi thói quen, truyền thống và văn hóa tiêu thụ động vật hoang dã.


Thanh Mia (Theo Guardian)