Tinh Hoa

Cuộc sống hoàng gia Bảo Đại trong mắt người hầu cận

Năm 1949 Pháp đưa Bảo Đại trở lại nắm quyền với cương vị Quốc trưởng. Bảo Đại ban sắc dụ số 06, Đà Lạt trở thành Hoàng triều cương thổ, từ đó vị cựu hoàng dành nhiều thời gian làm việc ở Đà Lạt. Khi Hoàng thân Bửu Lộc từ Pháp về Sài Gòn lập chính phủ ngày 20/11/1953 thay thế chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm cho đến khi Bảo Đại sống lưu vong, thì ông dành gần như toàn bộ thời gian sống tại Đà Lạt. Thú vui săn bắn chiếm rất nhiều thời gian của vị vua cuối cùng triều Nguyễn.

Thời gian ở Đà Lạt, rất nhiều người dân tại đây đã tham gia phục vụ vua Bảo Đại và gia đình cựu hoàng, có cả một trung đoàn Ngự lâm quân, Đội công xa Biệt Điện và đội ngũ máy bay riêng. Người hầu cận thân tín và lâu nhất là ông Nguyễn Đức Hòa đã qua đời tại Đà Lạt cách đây chưa lâu. Ông Hòa là người được Bảo Đại tin dùng và tuyển phục vụ từ lúc còn ở Huế, sau này đưa lên Đà Lạt. Ông Hòa gắn bó với Dinh 3 (Dinh Bảo Đại ở Đà Lạt) liên tục hàng chục năm qua trong vai trò người thuyết minh cho khách tham quan, đến lúc qua đời mới đây.

Tòa nhà của trung đoàn Ngự lâm quân phục vụ cựu hoàng Bảo Đại, nay là trụ sở Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Quốc Dũng
Tòa nhà của trung đoàn Ngự lâm quân phục vụ cựu hoàng Bảo Đại, nay là trụ sở Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Quốc Dũng

Theo lời kể của ông Hòa trước đây, vua Bảo Đại có sở thích săn bắn và việc săn bắn tiêu tốn rất nhiều thời gian , tiền bạc. Có những chuyến đi kéo dài gần cả tháng. Mỗi chuyến đi Bảo Đại đều gọi ông Hòa tháp tùng để phục vụ với những công việc như sắp xếp chỗ nghỉ ngơi, quần áo… cùng trên 100 người phục vụ với nhiều bộ phận khác nhau như lính gác, người mang vũ khí, người mang vác thức ăn, lái xe… Đoàn săn dừng chân ở đâu sẽ có đội ngũ dựng lều bạt và phục vụ hậu cần ăn uống rất bài bản.

Ông Bảo Đại còn có một con voi màu trắng để đi săn bắn ở những địa hình hiểm trở mà xe chuyên dụng không phục vụ được. Những chuyến săn bắn xa có thể đi tới Đăk Lăk và xuôi về mạn sông Đồng Nai, sông La Ngà. Cùng là hầu cận thân tín với ông Hòa thời đó còn có ông Lê Kỷ. Ông Kỷ cũng chọn Đà Lạt sinh sống sau khi Bảo Đại ra đi.

Cụ ông Nguyễn Viết Thùy, năm nay 94 tuổi, tai đã rất nặng nhưng vẫn cố gắng kể lại, thập niên 50 của thế kỷ 20 ông làm việc ở tòa thị chính Đà Lạt. Tuy không nằm trong đội ngũ những người phục vụ cựu hoàng nhưng cũng có đôi lần ông được điều động đi theo đoàn săn bắn. Nhờ vậy thời đó ông Thùy đã có dịp đến những vùng rừng còn nguyên sinh giáp với tỉnh Bình Thuận. Sau thời Bảo Đại ông Thùy còn có dịp tháp tùng săn bắn cho gia đình ông Ngô Đình Nhu.

Theo cụ Thái Viện, 92 tuổi, một nhân sĩ ở Đà Lạt thì nhớ lại thời Bảo Đại sống tại phố núi, cụ Viện làm ở khách sạn Đà Lạt Palace, phục vụ những cuộc chiêu đãi của vua Bảo Đại tại khách sạn này. Lúc đó Bảo Đại thường xuất hiện với thứ phi Mộng Điệp vì Nam Phương hoàng hậu ở Đà Lạt không nhiều, chủ yếu bà dành thời gian sống tại Pháp, hơn nữa bà Mộng Điệp được hoàng tộc chấp nhận.

Bảo Đại đã mua lại một biệt thự của người Pháp tại đường Hùng Vương để tặng thứ phi Mộng Điệp. Tòa biệt thự này hiện nay là Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng.

Tuy chỉ là nhân viên ở khách sạn lớn, không làm trong các cơ quan hành chánh nhưng cụ Thái Viện nhận định, vua Bảo Đại những năm cuối ở Đà Lạt trước khi lưu vong hầu như chỉ dành thời gian vào sở thích săn bắn. Việc triều đình, chính sự gần như giao toàn bộ cho ông Đổng lý văn phòng Nguyễn Đệ và thư ký của Bảo Đại là ông Phạm Bích. Những dịp lễ lớn, Bảo Đại cũng chỉ xuất hiện nhanh chóng có tính lễ nghi và dành nhiều thời gian để giải trí.

Ở Đà Lạt lúc đó có cả một trung đoàn Ngự lâm quân do đại tá Trần Văn Tuyên chỉ huy, nhiệm vụ chính là bảo vệ vua Bảo Đại. Ngoài ra còn có đội công xa Biệt Điện rất hùng hậu. Thời đó Đà Lạt còn ít dân nên sự xuất hiện của đội ngũ này rất rộn ràng. Tòa nhà trụ sở của đội Ngự lâm quân ở đường Quang Trung, nay là trụ sở của Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng.

Quốc Dũng