Tinh Hoa

Saif Gaddafi mở màn những cái chết không được báo trước

 Nếu người ta nghĩ rằng chỉ đơn giản là một Saif al-Islam bị bắt, thì có lẽ họ đã quá coi thường giá trị của người con được coi như “thái tử” nhà Gaddafi.

Từ người kế vị ngai vàng đến tù nhân đối mặt án tử hình

Sau một thời gian dài lẩn trốn, giờ đây Saif al-Islam xuất hiện trước công chúng với bộ dạng lếch thếch, khuôn mặt nhăn nhó, cát bụi phủ đầy, không gọng kính trí thức kiểu phương Tây và cũng khác xa một nhà ngoại giao tao nhã – người đã cố gắng đánh bóng danh tiếng của Libya ở nước ngoài.

Người từng được chọn kế vị Gaddafi đã  bị chặn lại ở gần thị trấn dầu mỏ Obari khi đang cùng 3 kẻ thân cận cố gắng tiếp cận một chiếc xe dẫn động 4 bánh hòng tìm cách bỏ chạy sang Niger. Khi các chiến binh thuộc NTC kiểm tra danh tính của những kẻ ngồi trong xe, Saif đã khai tên mình là “Abdelsalam” – có nghĩa là “kẻ đầy tớ của hoà bình”.

 

Tuy nhiên, các chiến binh đã nhanh chóng nhận ra anh ta. Ngoài Saif và những kẻ thân cận, các chiến binh còn tìm thấy chỉ vài nghìn USD cùng một loạt súng trường trên chiếc xe bị tịch thu.

Một Bộ trưởng ở Libya cho hay, Saif sẽ bị xét xử tại đất nước này chứ không phải bị bàn giao cho Tòa án hình sự quốc tế (ICC). Tuy nhiên, các chiến binh đã bắt được Saif tuyên bố họ sẽ không bàn giao tù nhân này lại cho chính phủ Libya đến tận khi một hệ thống tòa án mới được hình thành.

Mặc dù anh ta đang phải đối mặt với án tử hình, nhưng giới chức Libya khẳng định họ sẽ cho anh ta được hưởng một phiên toà xét xử công bằng. Theo một phát ngôn viên của chính phủ lâm thời ở Libya, một ngày sau khi Saif bị bắt giữ, cựu Giám đốc tình báo Abdullah al-Senussi cũng đã bị tóm gọn ở phía nam đất nước này.

 

 Hình ảnh Saif sau khi bị bắt 

Chỉ 3 tuần trước đó, Saif còn hùng hồn tuyên bố sẽ trả thù cho cái chết của cha mình, đồng thời khẳng định: “Tôi còn sống, đang tự do và sẵn sàng chiến đấu đến cùng”.

Nhiều người Libya muốn anh ta bị xét xử ngay tại đất nước mình bởi họ tin rằng Saif biết chỗ cất giấu hàng tỷ USD tiền công quỹ từng bị biển thủ bởi gia đình Gaddafi. Theo luật pháp quốc tế, Libya có quyền đưa Saif ra xét xử và ICC sẽ chỉ hành động khi quốc gia này không thể hoặc không muốn truy tố.

Thủ tướng Anh David Cameron ca ngợi, việc bắt giữ Saif là một thành tựu tuyệt vời đối với nhân dân Libya và cũng sẽ phải trở thành chiến thắng của công lý quốc tế.

“Trạng chết, chúa băng hà”

Phiên tòa xét xử Saif có thể sẽ gây bất lợi cho một số nhân vật cấp cao, có ảnh hưởng lớn ở Anh trong đó bao gồm cả Hoàng tử Andrew và cựu Thủ tướng Tony Blair một khi anh ta chịu tiết lộ thông tin chi tiết về những mối liên kết chặt chẽ giữa họ.

Hoàng tử Andrew là vị khách thường xuyên lui tới Tripoli với tư cách một đại sứ thương mại dưới thời Gaddafi. Theo báo cáo, Andrew còn từng đón tiếp Saif ngay tại Cung điện Buckingham và Windsor Castle.

 

Một người khác cũng liên quan tới Saif đó là Nat Rothschild, người đàn ông giàu nhất nước Anh và có lẽ là giàu nhất thế giới – kẻ thu được nhiều lợi nhuận nhất từ Libya. Vào năm 2008, Saif từng là 1 trong số các vị khách mời trong bữa tiệc xa xỉ “ném tiền qua cửa sổ” của Rothschild tại chính dinh thự ở New York của ông ta. Saif cũng trở thành vị khách mời của ông ta trong nhiều sự kiện khác và cũng từng ở lại dinh thự của gia đình họ ở Corfu.

Saif sinh năm 1972, là anh cả trong số 7 người con trai của Gaddafi. Trước khi kết thúc sự nghiệp đèn sách với tấm bằng thạc sĩ và tiến sĩ ở trường Đại học London (Anh) vào năm 2008, anh ta từng có bằng kĩ sư ở Libya và nắm trong tay tấm bằng cử nhân kinh doanh ở Áo.

Saif Gaddafi bắt đầu bước chân vào chính trường vào những năm 1990 khi trở thành Chủ tịch Quỹ Từ thiện và Phát triển Quốc tế Gaddafi (GICDF). Tổ chức này đã hoạt động như một kẻ trung gian trong việc hoà giải các tranh chấp và từng giúp Libya thiết lập lại mối quan hệ hữu nghị với cộng đồng quốc tế.

 

Người con trai đầy quyền lực này của Gaddafi thường được xem như đại sứ cho chế độ của cha mình. Anh ta từng vận động các chiến binh giải phóng con tin, tài trợ cho việc nghiên cứu tại trường Đại học kinh tế London, quảng bá hình ảnh Libya tới các nhà lãnh đạo thế giới và giới tri thức phương Tây. Saif cũng thường tự nhận là “vua” của những cải cách kinh tế và xã hội. 

Tại Libya, anh được Trưởng công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế Luis Moreno-Ocampo mô tả là một tổng tư lệnh có thực quyền. Saif hiện đang bị cáo buộc đã tuyển mộ lính đánh thuê nước ngoài về trấn áp người biểu tình trong suốt cuộc xung đột kéo dài 6 tháng qua.

Trong cuộc nội chiến này, Saif al-Islam hoạt động như một phát ngôn viên chính thức của cha mình. Cùng với Gaddafi và Giám đốc tình báo Libya Abdullah al-Senussi, Saif là một trong ba người bị ICC truy tố trong tháng 6 do phạm phải tội ác chống lại loài người.

Howard Davies, Giám đốc trường Kinh tế London từng phải từ chức sau khi bị cáo buộc nhận 1,5 triệu bảng Saif al-Islam đưa biếu.

Việc Saif bị bắt chưa hẳn đã là “chiến thắng” của NTC 

Trước khi có cuộc nổi dậy này, Saif al-Islam được xem là hiện thân của việc cải cách chế độ. Trong quá trình học ở London, người ta cho rằng anh ta đã từng tiếp cận MI6 – Cơ quan tình báo Hoàng gia Anh – để cảnh báo họ về việc cha ông có sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Cùng lúc, anh dẫn đầu các cuộc thảo luận về việc làm thế nào để “xử lý” chúng.

Saif al-Islam cũng là nhân tố chính giúp đất nước mình giành chiến thắng trong việc đòi bồi thường từ Italy – nước từng cai trị Libya. Anh cũng đi đầu trong việc đòi bồi thường cho nạn nhân trong các vụ tấn công khủng bố, trong đó bao gồm cả vụ đánh bom chuyến bay Pan Am 103 ở Lockerbie và vụ đánh bom chuyến bay UTA 772 ở Chad.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau đó, Saif al-Islam lại quay ngoắt, tuyên bố rằng việc bồi thường chỉ được thực thi khi một lệnh trừng phạt quốc tế được ban hành, đồng thời phỉ báng gia đình các nạn nhân xấu số “quá tham lam” khi đem máu của con em mình ra kinh doanh.

Việc Saif bị bắt giữ đối với NTC mà nói chưa hẳn đã là một tin mừng, bởi tình hình Libya sẽ trở nên khó lường hơn. Nếu thực sự người em út Khamis của anh ta còn sống như nguồn tin mới nhất, thì việc chế độ Gaddafi đội mồ sống dậy cũng là điều mà NTC phải lường trước.

Sự sụp đổ của chế độ Gaddafi:

Muammar Gaddafi
: Bị giết chết vào ngày 20/10 vừa qua tại thành phố quê hương Sirte. Sau đó, thi thể của ông ta bị trưng bày ở Misrata rồi bị đem chôn ở sa mạc Libya.

Saif al-Islam Gaddafi: Bị bắt vào hôm 19/11 tại khu vực sa mạc miền nam Libya.

Mutassim Gaddafi: Đã thiệt mạng tại Sirte vào hôm 20/10 tương tự như cha mình.

Saif Al Arab Gaddafi: Đã chết trong một cuộc không kích của NATO ở thủ đô Tripoli vào hôm 30/4 vừa qua.

Saadi Gaddafi: Đã đào tẩu sang Niger từ tháng 9 vừa qua. Chính phủ nước này tuyên bố, họ không chấp nhận dẫn độ Saadi về nước.

Khamis Gaddafi: Bị đồn đã chết vào ngày 29/8 khi đoàn xe hộ tống của anh ta bị NATO không kích. Tuy nhiên, mới đây lại có nguồn tin từ Bộ Quốc phòng NTC tiết lộ anh này còn sống.

Safia Gaddafi: Sau khi Tripoli bị thất thủ, bà vợ thứ 2 của Gaddafi với khối lượng vàng khủng trong tay này đã đào tẩu sang Algeria cùng các con mình bao gồm Hannibal, Aisha và cậu con riêng Muhammad.

M.Q