Bức ảnh năm 1977 của Ivan Marx cho thấy người tuyết trong truyền thuyết đang đi dọc trên đồi ở bắc California. Ảnh: AP. |
“Những cái cây chúng tôi nhìn ở Siberia không phải được dựng lên bởi một người hay một loài động vật có vú nào đó. Chúng tôi từng thấy những cây bị xoắn như thế ở Bắc Mỹ và chúng phù hợp với giả thuyết người tuyết (Bigfoot) làm tổ”. Livescience dẫn lời nhà sinh vật học John Bindernagel, người chuyên nghiên cứu về người tuyết.
Người tuyết – tên dành cho sinh vật khổng lồ nửa người nửa vượn – có thể đứng thẳng và đi trên hai chân. Chúng xuất hiện trong nhiều câu chuyện truyền miệng trước đây nhưng khoa học chưa thể xác định sinh vật đó có thật hay không.
Bindernagel là một trong thành viên trong nhóm nghiên cứu đã tới khu vực núi tuyết Siberia, Nga vào tháng trước để tìm bằng chứng về người tuyết. Nhiều người dân khẳng định người tuyết thường xuyên xuất hiện ở đây. Các chuyên gia tìm thấy vài lọn tóc và khẳng định đó là bằng chứng về sự tồn tại của người tuyết.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện nhiều cành xoắn không chỉ ở mặt đất mà còn trên ngọn cây. Từ đó, các họ khẳng định đây là những bằng chứng về sự tồn tại của người tuyết, bởi chỉ những loài động vật như người tuyết mới có thể leo lên độ cao như vậy. Chúng có chiều cao từ 2,4 tới 3,7 m, trọng lượng khoảng 250 kg – 450 kg.
Tuy nhiên, một số chuyên gia đặt câu hỏi: Làm thế nào mà một sinh vật khổng lồ với số cân nặng như thế có thể lên tới ngọn cây mà không làm gãy cành?
Nhiều nhà nghiên cứu khác cũng hoài nghi về tuyên bố của Bindernagel. Jeff Meldrum, giáo sư giải phẫu kiêm nhà nhân chủng học của Đại học Idaho tại Mỹ, nghi ngờ các cành cây xoắn đã bị làm giả. Ông chỉ ra rằng những vết cắt trên các cành cây xoắn là sản phẩm của công cụ lao động. Ngoài ra những cành xoắn thì xuất hiện ở những đường mòn mà người dân thường đi lại, chứ không xuất hiện ở những vị trí mà người dân không thể tới.
Trang Nguyên