Tinh Hoa

Nga đã đưa tàu chiến đến Syria

Matxcơva đã đưa tàu chiến và xe tăng vào Syria, theo nhiều nguồn tin của Syria, Israel, Iran và Libăng.

Trang Tehran Times của Iran ngày 20/11 đưa tin Nga đang đưa các tàu chiến vào vùng biển của Syria nhằm ngăn chặn bất cứ sự can thiệp nào chống lại Syria, vốn là đồng minh của Nga, sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ lo ngại Damascus đang rơi vào nội chiến. Cùng lúc, nhật báo Haarettz của Israel dẫn lại thông tin được cho là đáng tin cậy từ một hãng thông tấn của Syria, cho biết thêm Nga hiện có một căn cứ hải quân ở Tartous, phía tây Syria.

Trong khi đó, trang tin Now Lebanon của Libăng dẫn lời Maher Noaimeh thuộc hội đồng quân sự tạm thời của Quân đội tự do Syria (FSA), lực lượng chống đối ở Syria, cho biết các xe tăng Nga đã tiến vào Syria nhằm hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, người đã lên cầm quyền từ năm 2000, tiếp nối vị trí cha ông đã nắm giữ suốt ba thập niên trước đó.

 

Tàu chiến Nga – Ảnh: AFP

Trong lúc này, gọng kềm đang siết lại quanh Tổng thống al-Assad do cuộc nội chiến đã châm ngòi và áp lực từ bên ngoài của phương Tây qua ngã Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Assad thề chết!

Phát pháo đầu tiên trong cuộc nội chiến ở Syria có lẽ đã bắt đầu ngày 20-11 với việc tòa nhà của Đảng Baath cầm quyền nằm giữa thủ đô Damascus bị tấn công. Reuters dẫn lời các nhân chứng tại Syria đưa tin hai quả đạn từ súng phóng lựu đã rơi vào tòa nhà của đảng Baath chỉ vài giờ sau khi bước qua thời hạn chót mà Liên đoàn Ả Rập (AL) đặt ra để buộc Syria chấm dứt bạo lực.

“Cảnh sát đã phong tỏa quảng trường nơi đặt chi nhánh của đảng Baath tại Damacus. Tôi thấy khói bốc lên từ tòa nhà này và đoàn xe cứu hỏa đậu quanh đó” – một nhân chứng kể.

Xảy ra sáng sớm, lúc gần như không có ai bên trong tòa nhà, vụ tấn công được cho là một thông điệp gửi đến chính quyền của Tổng thống al-Assad. FSA, trụ sở đóng tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã lên tiếng nhận trách nhiệm về cuộc tấn công. Đây là vụ tấn công đầu tiên của lực lượng nổi dậy bên trong thủ đô kể từ khi nổ ra phong trào chống Tổng thống Bashar al-Assad từ tám tháng qua. Trước đó hai ngày, FSA đã đột kích táo bạo vào một trung tâm tình báo gần Damascus.

Cùng ngày, trên báo Sunday Times của Anh, Tổng thống al-Assad khẳng định Damascus đã tiếp tục trấn áp làn sóng biểu tình bất chấp thời hạn chót của AL đã qua. “Xung đột sẽ tiếp tục và sức ép còn gia tăng, (nhưng) tôi cam đoan rằng Syria sẽ không cúi đầu và chống trả mọi sức ép – AFP dẫn lời ông al-Assad tuyên bố và cho biết sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng – Cách duy nhất là truy lùng những nhóm vũ trang, chặn đứng lực lượng quân đội, vũ khí đổ vào từ các nước láng giềng và sự phá hoại”.

Ông cảnh báo những nước phương Tây đang kiếm cớ để can thiệp quân sự vào Syria sẽ đối mặt với sự trả đũa khủng khiếp.

Ông al-Assad hứa sẽ tổ chức bầu cử quốc hội vào tháng 2 hoặc tháng 3 năm tới để đưa ra một hiến pháp mới, mở đường cho việc bầu tổng thống. “Sẽ có bầu cử và các thùng phiếu quyết định ai là tổng thống” – ông al-Assad nói. Giới phân tích nhận định những hứa hẹn này chỉ nhằm kéo dài thời gian.

Libya thứ hai?

Những lời hứa và hành động của Syria vẫn chưa đủ để làm hài lòng các nước phương Tây, trong khi bạo lực tiếp tục leo thang cuối tuần qua làm hàng chục người thiệt mạng. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đều cảnh báo nguy cơ nội chiến ở Syria là có thật, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel khẳng định ông al-Assad đã bước qua thời điểm không thể lùi và sẽ bị thay thế bởi chế độ mới trong vòng vài tháng tới.

Ngày 19-11, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đang xây dựng kế hoạch khẩn cấp nhằm thiết lập vùng cấm bay hoặc các vùng đệm ở Syria để bảo vệ dân thường nước này, trong trường hợp quân đội Damascus tiến gần đến biên giới hay xuất hiện làn sóng di tản ồ ạt. Kế hoạch dự kiến đưa ra thảo luận một khi làn sóng bạo lực tại Syria tiếp tục diễn tiến xấu.

“Ankara có thể tham gia can thiệp quân sự chống Syria cùng với cộng đồng quốc tế và theo một quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc” – chuyên gia Asli Aydintasbas của tờ Milliyet nhận định. Hàng ngàn người Syria đã bỏ chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ từ khi bùng phát xung đột, trong đó bao gồm các binh lính đào ngũ, và tham gia thành lập FSA tại đây.

Anh, Pháp, Đức và Mỹ vẫn đang thận trọng siết chặt sức ép lên Damascus, nhưng chưa mạnh tay như từng làm với Libya. Ba nước châu Âu Anh, Pháp và Đức vẫn đang thúc đẩy một nghị quyết Liên Hiệp Quốc nhằm lên án Syria vi phạm nhân quyền bên cạnh những trừng phạt về kinh tế. Còn Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định “một lực lượng đối lập có quyết tâm, được vũ trang tốt và hỗ trợ tài chính” sẽ khơi mào nội chiến tại Syria.

Trần Phương/Tuổi trẻ