Tinh Hoa

Hầm Thủ Thiêm: Những dấu ấn trước ngày thông xe

– Hầm Thủ Thiêm, một trong những hầm vượt sông Sài Gòn lớn và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á sẽ chính thức thông xe ngày 20/11. Hãy cùng VTC News nhìn lại những dấu ấn công trình quan trọng này của TP.HCM.

Dự án Đại lộ Đông Tây (Đại lộ Võ Văn Kiệt ngày nay) được chính thức khởi công ngày 31/1/2005, trong đó hầm Thủ Thiêm là công trình quan trọng nhất của dự án này.

Chính thức thi công bắt đầu từ tháng 2/2005 bằng việc khởi công xây 2 hầm dẫn, đúc 4 đốt hầm bằng mẻ bê tông đầu tiên vào tháng 9/2007 ở Nhơn Trạch – Đồng Nai. Tại khu vực lắp 4 đốt hầm ở Thủ Thiêm, các công nhân và kĩ sư xây dựng đã phải nạo vét 450.000m3 bùn dưới đáy sông Sài Gòn đạt độ sâu âm 12 – 13m.

Ngày 6/1/2010, thực hiện công tác bơm nước vào khu vực bể đúc để kiểm tra, cân chỉnh các đốt hầm.

Trong vòng 3 tháng, từ tháng 3 đến tháng 6/2010, 4 đốt hầm dìm đã lần lượt được lai dắt từ bể đúc, vượt qua quãng đường dài gần 22km đường sông để đến với khu vực hầm Thủ Thiêm, lắp đặt kết nối thành công, an toàn tuyệt đối tại khu vực hầm dẫn ở đầu Q.2.

Ngày 4/8/2010, đổ mẻ bê tông đầu tiên thi công đốt hợp long, kết nối đốt hầm số 4 với đường hầm dẫn ở phía Khánh Hội, Q.4, và mẻ bê tông cuối đã được hợp long vào 4/9/2010.

Hầm Thủ Thiêm sẽ chính thức được thông xe vào chiều 20/11 (ảnh: N.D) 


Việc lai dắt 4 đốt hầm thành công trong điều kiện môi trường thủy văn vô cùng phức tạp, dòng sông chảy xiết, không gian thao tác thi công vô cùng chật hẹp đã đòi hỏi gần 1.000 kỹ sư và công nhân của 25 cơ quan khác nhau cùng vào cuộc, ráo riết thực hiện nghiêm túc công tác này.

Theo ông Lương Minh Phúc – GĐ QBL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM, sự thành công này còn thể hiện kinh nghiệm, công nghệ và quyết tâm rất cao của các kỹ sư, chuyên gia đến từ Nhật Bản và quốc tế.

Và cũng từ đó, kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ, biện pháp thi công của Việt Nam đã ngày càng hiện đại, phát triển.

Sáng 21/10/2010, hầm Thủ Thiêm chính thức được hợp long, đánh dấu một giai đoạn vô cùng quan trọng trong quá trình thi công hầm, khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc VN cùng với bạn bè năm châu, từng bước đưa VN từ 1 quốc gia nông nghiệp đang ngày càng hội nhập, phát triển với bạn bè thế giới.

Nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài khi ấy đã đánh giá: Đây là 1 công trình có ý nghĩa vô cùng quan trọng, chiến lược cho sự phát triển của TP trong tương lai.

Để vận hành tốt hầm Thủ Thiêm, trong năm 2010, Trung tâm quản lý vận hành đường hầm Thủ Thiêm đã gửi rất nhiều cán bộ sang Nhật Bản tập huấn, đến hầm Hải Vân (Đà Nẵng) học hỏi, nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm chuẩn bị vận hành 1 đường hầm vượt sông Sài Gòn quy mô nhất khu vực.

Từ tháng 10/2010 đến nay, các công tác triển khai gói thầu số 3 gồm lắp đặt các thiết bị điện, nước, chiếu sáng, hệ thống báo cháy, cây xanh…được thực hiện nhanh chóng, nhằm sớm đưa công trình đưa vào thông xe đúng thời gian quy định.

Ngày 14/10/2011, Sở GTVT và các cơ quan chức năng của TP.HCM chính thức công bố ngày thông xe của hầm Thủ Thiêm là chiều 20/11. Ngay sau đó, bắt đầu từ sáng 21/11, người dân TP.HCM cũng như cả nước chính thức được lưu thông qua công trình giao thông hiện đại, quy mô nhất VN.

Sở GTVT TP đã ra quy định: thời gian lưu thông của các loại xe mô tô chỉ được từ 6h sáng đến 21h. Vận tốc lưu thông trong hầm đối với các loại xe phải đạt tối thiểu là 30km/h và tối đa là 60km/h. Nếu vượt quá camera trong hầm sẽ ghi nhận lại, gửi hình ảnh về Trung tâm quản lý hầm và cơ quan CSGT để xử lý nghiêm khắc.

Các đối tượng bị cấm lưu thông qua hầm gồm: người đi bộ, xe thô sơ, xe xích lô, xe 3 và 4 bánh tự chế, xe vận chuyển gia súc, các loại xe không đảm bảo an toàn…Các hành vi khác cũng bị nghiêm cấm và sẽ bị xử phạt rất nặng gồm bấm còi hay mở đèn ưu tiên (trừ các loại xe theo đúng quy định được phép sử dụng), đèn chiếu xạ hay dừng đỗ trong hầm.


>>> Diễn tập trong hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á


Việt Dũng