Tinh Hoa

Luật sư lên tiếng vụ nhà báo bị đốt

Sau một thời gian tiếp xúc, sao chụp và nghiên cứu hồ sơ, ngày 16/11, luật sư Nguyễn Văn Đức (Công ty Luật TNHH MTV Biển Đông ở TP.HCM, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mẹ cố nhà báo Lê Hoàng Hùng – phóng viên Báo Người Lao Động) đã gửi đơn đến Chánh án TAND tỉnh Long An, kiến nghị cơ quan này xem xét trả hồ sơ vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại cho VKSND tỉnh để điều tra bổ sung nhằm làm rõ nhiều vấn đề trước khi vụ án được đưa ra xét xử.

Nguyễn Văn Tâm và Trần Thị Thúy Liễu

Thứ nhất: Trong quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của VKSND tỉnh Long An cho cơ quan CSĐT Công an tỉnh này có nội dung: “Điều tra làm rõ lời sinh cung của Lê Hoàng Hùng trước khi chết có hay không có căn cứ, phải kết luận rõ ràng”. Tuy nhiên, tại bản kết luận điều tra bổ sung ngày 26/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An chỉ thể hiện: “Lời sinh cung của bị hại Lê Hoàng Hùng, CQĐT đã tiến hành ghi âm và sang đĩa, chưa phát hiện gì có liên quan đến vụ án”. Theo luật sư Đức, lời sinh cung của bị hại Lê Hoàng Hùng là hết sức quan trọng, có thể góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, nhưng tại sao trong hồ sơ vụ án lại không có nội dung của bản sinh cung này?

Thứ hai: Trong quá trình làm việc với CQĐT, ông Nguyễn Văn Tâm (nguyên đội trưởng Đội QLTT số 5 – Chi cục QLTT tỉnh Long An) thừa nhận sau khi nhà báo Hoàng Hùng bị đốt, ngoài việc đến nhà gặp gỡ bà Trần Thúy Liễu, ông còn nhiều lần gọi điện thoại cho bà Liễu để hỏi thăm sức khỏe, nhưng trong hồ sơ vụ án không thấy CQĐT làm rõ vấn đề này. Do đó, luật sư Đức kiến nghị TAND yêu cầu VKSND và CQĐT Công an tỉnh Long An điều tra làm rõ nội dung liên lạc điện thoại (cả nội dung tin nhắn và cuộc gọi) giữa ông Tâm và bà Liễu sau khi nhà báo Hoàng Hùng bị đốt.

Thứ ba: Trong quá trình điều tra, điều tra bổ sung, CQĐT và VKSND tỉnh Long An đã tiến hành thực nghiệm điều tra nhiều lần để kiểm chứng lời khai của bị can, nhân chứng. Tuy nhiên, công tác thực nghiệm điều tra vừa qua của CQĐT và VKSND là chưa phù hợp với diễn biến của vụ án, như điều kiện, thời gian, không gian tiến hành thực nghiệm… Hơn nữa, sự việc xảy ra vào lúc 1h sáng, điều kiện trong phòng không có ánh sáng, chỉ có ánh đèn néon từ bên ngoài hắt vào nhưng khi tiến hành thực nghiệm, CQĐT cho bà Liễu diễn lại trong điều kiện ban ngày, ánh sáng tự nhiên, thời tiết tốt, là không đúng quy định.

Thứ tư: Khi vụ việc xảy ra, có một số nhân chứng là những người đầu tiên có mặt tại hiện trường, tham gia chữa cháy như ông Nguyễn Công Anh, Trần Trọng Nghĩa, Nguyễn Văn Sữa, Trần Văn Mến… Họ đã được CQĐT lấy lời khai với tư cách người làm chứng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu lời khai của những người này còn nhiều điểm mâu thuẫn. Do vậy, để xác định chính xác diễn biến vụ việc, hiện trường vụ cháy tại thời điểm đó, cần thiết phải triệu tập những người này để làm rõ thêm.

Thứ năm: Đối với trường hợp của bà Nguyễn Thị Nhiệm, em ruột ông Nguyễn Văn Tâm, đã có lời khai gian dối với CQĐT liên quan đến việc chuyển lá thư của bà Liễu cho ông Tâm, trong đó có việc trao đổi về nội dung đối phó với CQĐT, CQĐT đã giải thích nhiều lần về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng nhưng bà Nhiệm vẫn cố tình khai báo gian dối, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, như chính bà thừa nhận với CQĐT. Hành vi của bà Nhiệm có dấu hiệu của tội “Khai báo gian dối” được quy định tại điều 307 Bộ Luật Hình sự. Việc xử lý hành vi của bà Nhiệm như thế nào là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An nhưng phải được thể hiện trong hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, trong bản kết luận điều tra, điều tra bổ sung, bản cáo trạng không thấy nhắc đến.

Theo NLĐ