Câu chuyện những quả dưa hấu ở Trung Quốc bị “phát nổ” với nguyên nhân được cho là dùng quá nhiều chất kích thích tăng trưởng đã khiến cả thế giới phải bàng hoàng. Chứng cớ là các trang thông tin mang tính toàn cầu đã đưa thông tin này lên trang chủ, thậm chí còn gọi nó một cách hình tượng là “bom dưa hấu”.
Thiệt hại về kinh tế từ vài ngàn, thậm chí vài vạn quả dưa hấu bị nứt toác hoặc nổ tung có lẽ không phải là đáng kể. Song nó thêm một lời cảnh báo nữa về cách ứng xử của con người với tự nhiên. Nói như cách của tác giả Lê Thị Liên Hoan trên TT&VH từ gần chục năm trước, thì con người đang “thò bàn tay tham lam của mình vào cái túi của tự nhiên” để bắt tự nhiên phải thỏa mãn nhu cầu vô hạn độ của mình.
Dưa hấu phát nổ – một minh chứng cho lòng tham của con người
Kết quả thì hẳn tất cả mọi người đều đã thấy, chẳng cứ dưa hấu nổ tung, mà bao nhiêu thứ lương thực, thực phẩm ngày nay bỗng trở nên “biến chất” vì sự can thiệp thô bạo của con người vào các quy trình sinh học của nó. Con vịt, con gà, con lợn, con bò… cho đến các loài cây cỏ cung cấp hoa trái cho con người, giờ đây đang bị cái tư duy tham lam của con người biến thành những cỗ máy để sản xuất chất dinh dưỡng. Tất nhiên, nhu cầu tăng năng suất, cải thiện chất lượng là nhu cầu hợp lý và nhân văn đã có từ khi con vượn tiến hóa thành con người và mang những thứ cây, con hoang dại về nhà, sáng tạo ra ngành trồng trọt, chăn nuôi.
Nhưng từ chỗ ứng xử với cây trồng và vật nuôi như những người bạn (cảm ơn cây cối đã cho ta hoa trái, cảm ơn con bò đã cho ta sữa), con người dần biến con vật và cây trồng thành đối tượng để vắt kiệt sức lực của nó, thậm chí biến chúng thành quái thai, dị dạng so với cấu trúc gen và hình hài vốn có của nó để thỏa mãn lòng tham của mình. Con vịt phải có lá gan thật to, con gà thậm chí không còn lông nữa, cây trái thì không còn hạt, thịt lợn thì toàn nạc… Chưa hết, lòng tham của những người chăn nuôi, trồng trọt mới đáng lo ngại. Họ tìm đủ mọi cách, bất chấp các quy định về sản xuất an toàn để thổi năng suất, sản lượng, đánh bóng sản phẩm, nhằm kiếm được nhiều lợi nhuận nhất. Chưa nói ảnh hưởng đến người tiêu dùng ra sao, tự thân các hành vi đó đã “phi đạo đức” với tự nhiên.
Khi con người biến tự nhiên thành đối tượng để thỏa mãn lòng tham, thì tất nhiên, tự nhiên sẽ trả đũa. Những thứ siêu trọng, siêu nạc, siêu trái…. thường đi kèm với “siêu nhạt”, “siêu độc”… cảm tưởng như tự nhiên đành phải pha loãng mình ra để đảm bảo về số lượng. Tự nhiên cũng như quả bong bóng, có ngần ấy thôi mà anh cứ thổi mãi, thì bong bóng cũng chỉ rỗng ra rồi đến lúc nổ bụp. Quy luật của quả dưa hấu ở Trung Quốc có lẽ cũng vậy.
Sự pha loãng của tự nhiên khiến cái miệng của chúng ta bắt đầu thèm những gà ta, lợn lửng, vịt cỏ… Rồi thì “gà ta” phải kèm theo “thả đồi”, “có mò mò” (loài ký sinh thường có ở những con gà thả rông) mới là của xịn. Nhưng chưa biết chừng, rồi đến lúc gà ta nào cũng xài cám cò, thì có lẽ phải ăn… gà rừng (chấp nhận vi phạm luật bảo vệ động vật hoang dã) thì may ra mới tìm lại được hương vị của đĩa thịt gà thái lá chanh thân thuộc ngày xưa.
Quả dưa hấu nổ tung chỉ là một ví dụ cho lòng tham của con người trong cách ứng xử với tự nhiên. Công nghệ sinh học hay các giải pháp kỹ thuật mới trong trồng trọt chỉ được xem là tiến bộ và nhân văn khi nó coi tự nhiên là bạn, tôn trọng đời sống riêng của các con vật và cây trồng. Có thể chúng ta sẽ phải chấp nhận ăn ít thịt thà, rau quả đi, nhưng bù lại miếng ăn sẽ ngon hơn, và nhất là sau bữa ăn, chúng ta có thể “cảm ơn” con vật ấy, cây trồng ấy đã “làm ra mật ngọt cho đời”.
theo TT&VH