Tinh Hoa

Kinh tế Nhật lại đối mặt với tương lai ảm đạm

Dù trong quý 3, kinh tế Nhật Bản đã khởi sắc trở lại sau thảm họa động đất và sóng thần, nhưng giới phân tích dự báo nước này sẽ tiếp tục phải đối mặt với tương lai ảm đạm do tình hình kinh tế thế giới bất ổn.
Các công ty tại Nhật Bản vẫn tỏ ra bi quan về triển vọng kinh tế.
 
Trong quý 3, GDP của Nhật Bản đã tăng 1,5% so với quý 2. Kim ngạch xuất khẩu ròng đã đóng góp 0,4% vào tăng trưởng GDP của Nhật, đây là dấu hiệu tích cực đầu tiên trong vòng 5 quý trở lại đây, nhờ vào những nỗ lực của các công ty trong việc nhanh chóng đưa các nhà máy và dây chuyền sản xuất hoạt động trở lại sau thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng 3. Tiêu dùng tư nhân cũng chiếm khoảng 60% GDP, tăng 1% so với mức dự báo trước đó.

 

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của nước này tỏ ra lo ngại về việc đồng Yên liên tục tăng giá do nhu cầu tích trữ và do những hoài nghi về khả năng châu Âu có thể vượt qua khủng hoảng nợ công. Và điều này kìm hãm tăng trưởng xuất khẩu cũng như gây tác động đến nền kinh tế Nhật Bản nói chung.

 

Một số nhà kinh tế dự đoán rằng kinh tế Nhật sẽ lại sụt giảm trong quý 4 năm nay bởi lũ lụt kéo dài tại Thái Lan và tăng trưởng chững lại tại các nền kinh tế mới nổi.

 

“Tăng trưởng quý 4 của Nhật sẽ giảm đi do tác động tiêu cực của lũ lụt tại Thái Lan”, ông Yasuo Yamamoto, nhà kinh tế cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Mizuho tại Tokyo nhận định, “Xa hơn nữa, chi tiêu công sẽ còn tăng cao khi Nhật đẩy mạnh công cuộc tái thiết đất nước sau thảm họa động đất sóng thần hồi tháng 3. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế của Nhật sẽ không được lợi từ nhu cầu hàng hóa dịch vụ của các nước, do ảnh hưởng của khủng hoảng nợ châu Âu”.

 

Triển vọng phục hồi của nước này đang đứng trước nhiều nguy cơ bất chấp việc chính phủ Nhật ra sức kiềm chế sức tăng của đồng Yên. Nhật Bản đã bán ra lượng Yên kỷ lục với giá trị gần 7.700 tỷ Yên (100 tỷ USD). Tháng trước Ngân hàng Trung ương Nhật cũng đã phải nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng có vẻ như động thái này chỉ có tác động trong ngắn hạn.

 

Dù kế hoạch bổ sung ngân sách 12.100 tỷ Yên (157 tỷ USD) để tái thiết đất nước đã phần nào phục hồi niềm tin trên thị trường, nhưng số liệu kinh tế công tuần trước cho thấy các công ty tại Nhật Bản vẫn tỏ ra bi quan về triển vọng kinh tế.

Ngọc Trang

Theo CNBC