– Bé Nhím học về, vừa vào nhà đã lôi ra cuốn sách giáo khoa lớp 10, xòe sách ra trước mặt Ngu Ngơ, nói bố xem đây. Chuyện Tấm Cám không phải như bố kể đâu nhé. Ngu Ngơ trố mắt nhìn bé Nhím, nói đoạn kết không có đoạn Tấm làm mắm Cám cho mụ dì ghẻ ăn nữa đâu.
Ngu ngơ đọc lại sách giáo khoa, mơi rơi phịch xuống ghế thở ra, nói đến chuyện cổ tích người ta còn sửa thế này, thật là quá đáng. Mũm Mĩm nghe vậy mới vằn mắt lên, nói anh quá đáng thì có, không cắt sửa đi, để Tấm làm mắm Cám cho dì ghẻ ăn, không cắt sửa đi thì làm thế nào? Ngu Ngơ vuốt má Mũm Mĩm, nói nghe anh nói đây này, nghe cho thủng rồi hãy mắng người ta.
Thứ nhất truyện cổ tích có trong kho tàng văn học dân gian, đó là di sản văn hóa, cắt bỏ sửa chữa di sản văn hóa là vi phạm luật di sản văn hóa đó nàng ơi. Lâu nay học văn chỉ một cách là khen, gọi là bình thực ra toàn khen. Không có gì khen cũng cố rặn ra mà khen. Thành thử thấy cái đoạn kết khó khen quá thì cắt sửa để khen cho dễ. Kho tàng truyện cổ tích có chuyện hay chuyện dở, chuyện Tấm Cám là một chuyện hay nhưng không phải cái gì cũng hay, cũng có chỗ dở của nó chứ. Tại sao không để nguyên cái kết của Tấm Cám cho học sinh bình cái kết hay dở tốt xấu thế nào để rút ra bài học nhân sinh?
Tấm Cám. Ảnh Mực tím |
Mũm Mĩm nhảy chồm chồm, nói bình chả bình thì thôi, để trẻ con học như thế là không có được. Ngu Ngơ cười khì khì, nói đấy đấy thấy chưa. Học văn y như học đạo đức vậy, bất kì tác phẩm nào cũng chỉ chú mục dạy đạo đức . Thấy cái kết nó có vẻ vô đạo đức thiếu nhân văn đã vội vàng cắt sửa cho hợp với đạo đức ngày nay.
Học văn là đặt tác phẩm vào bối cảnh lịch sử của nó, phải chỉ cho học trò biết văn hóa, văn minh mỗi thời mỗi khác, cái mà ngày nay ta cho là ác thì xưa là chuyện bình thường. Mũm Mĩm ham đọc lịch sử mà chẳng nhớ ngũ hình phạt của vua quan ngày xưa có móc mắt cắt tai, có voi giày cứa cổ. Ngày nay gọi đó là các hình phạt vô nhân đạo nhưng ngày xưa cho đó là chuyện đương nhiên, người có tội phải đáng bị xử phạt như thế.
Mũm Mĩm vẫn trợn mắt lên, nói tóm lại là sao? Anh muốn để nguyên xi chuyện Tấm Cám có phải không? Ngu Ngơ gật đầu cái rụp, nói chứ sao. Để nguyên vậy nhưng thay đổi cách dạy cách học. Để cho thầy trò cùng nhau bình luận cái hay cái dở của tác phẩm. Để cho học sinh tranh luận về cái kết. Rồi từ hạn chế của cái kết, thầy trò cùng nhau tìm những cái kết nhân văn hơn, hợp thời hơn. Dạy văn học học văn là thế đấy Mũm Mĩm xinh đẹp của anh ơi!
Bé Nhím nghe vậy mới nhảy lên vỗ tay, nói a bố nói hay quá, hoan hô bố Ngu Ngơ!
Nguyễn Quang Lập