Tại buổi họp báo ngày 7/11, hai Nghị sĩ Levin và McCain tiết lộ, họ đã nghĩ ra một biện pháp “tuyệt vời” để ngăn chặn linh kiện giả của Trung Quốc: kiểm soát tất cả sản phẩm điện tử đến từ Trung Quốc, bất luận là quân sự hay thương mại khi cập cảng Mỹ.
Mỹ “nóng mặt”, Trung Quốc cũng “nóng tai”
“Rất nhiều rác thải điện tử từ Mỹ và các nơi khác trên thế giới được đưa đến Hồng Kông, rồi từ Hồng Kông thâm nhập vào Trung Quốc. Tại thành phố Sán Đầu tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, người ta đốt dây điện phế thải, nhặt linh kiện cũ sót lại ra sông rửa sạch, rồi mang lên đường phơi, sau đó trải qua các công đoạn như đánh bóng, đóng gói thì hoàn tất quá trình tái chế linh kiện cũ, việc cuối cùng là bán ra thị trường.
Doanh nghiệp Mỹ có thể mua những sản phẩm này trên thị trường công khai hoặc từ các công ty Trung Quốc thông qua mạng internet”.
Ngày 8/11, đoạn miêu tả quy trình tái chế linh kiện cũ trong bản báo cáo của 2 nghị sĩ McCain và Levin được truyền tải trên rất nhiều phương tiện truyền thông đại chúng Mỹ. Ông McCain cho biết: “Ngày 11/11, người phụ trách của các doanh nghiệp Mỹ mua linh kiện điện tử giả sẽ phải tham dự phiên điều trần”.
Hai thượng nghị sĩ Mỹ John McCain (phải) và Carl Levin |
Tờ Navy Times (Thời báo Hải quân) cho biết: “Tên tiếng Anh của 3 công ty ở Thâm Quyến được nghị sĩ Mỹ nhắc đến vào ngày 7/11 lần lượt là Huajie Electronics, HongDark và Access Electronics”.
Báo cáo của McCain và Levin cho biết: “Điều tra phát hiện các doanh nghiệp này đã bán 30 chuyến hàng gồm hơn 280.000 linh kiện điện tử cho Tập đoàn Thương mai IC toàn cầu (Global IC Trading Group – GITG). Số linh kiện này được sang tay cho công ty Leadsun là nhà cung ứng cho Lầu Năm Góc”.
Washington Post bình luận: “Về vấn đề này, Trung Quốc là nghi phạm quen thuộc”.
Trong khi đó, Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc cho biết, ngay trong ngày 8/11, phóng viên của họ đã liên lạc với 2 trong số 3 công ty trên. Một công ty phủ nhận từng kinh doanh với nước ngoài. Công ty còn lại thì chứng thực công ty này từng kinh doanh với Tập đoàn Thương mại IC toàn cầu của Mỹ như truyền thông Mỹ đưa tin, nhưng đó là chuyện của nhiều năm về trước. Họ không hề biết sau khi sang tay, sản phẩm của họ có được bán lại cho quân đội Mỹ hay không; hơn nữa khẳng định sản phẩm do công ty này bán ra đều có bảo hành chất lượng.
Ngày 8/11, trả lời phỏng vấn của Thời báo Hoàn cầu, một chuyên gia trong ngành sản xuất linh kiện điện tử tại Trung Quốc cho biết: “Hiện nay, ở Trung Quốc đúng là đang tồn tại hiện tượng doanh nghiệp nhỏ tái chế linh kiện điện tử. Nhiều nơi như tỉnh Quảng Đông từng bị báo giới tố cáo sản xuất như vậy. Do sử dụng nhiều hóa chất trong quá trình tái chế nên việc sản xuất này ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe con người, trong khi lợi nhuận thu được cũng không cao”.
Quan hệ Mỹ – Trung có xấu đi sau biến cố này? |
Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh: “Khi xuất khẩu linh kiện điện tử, rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc không biết đối tác sẽ bán sản phẩm cho nhà cung cấp của quân đội Mỹ. Nếu biết đối tác là ngành quân sự Mỹ, cơ quan hải quan Trung Quốc sẽ làm việc rất chặt. Tuy nhiên, nếu hai bên đều là doanh nghiệp dân dụng, hải quan rất khó can thiệp.
Mặt khác, doanh nghiệp Trung Quốc tái chế linh kiện nhiều khi là việc làm bất đắc dĩ. Trong điều kiện tình hình kinh tế Mỹ chẳng mấy khả quan, khi đến Trung Quốc mua hàng, rất nhiều doanh nghiệp Mỹ đã ép giá. Một số nhà thương mại Mỹ rõ ràng biết doanh nghiệp Trung Quốc có hành vi tái chế mà vẫn thản nhiên mua về; thậm chí còn có trường hợp nhà thương mại Âu Mỹ bán sản phẩm kém chất lượng cho các xưởng sản xuất của Trung Quốc.
Trong tình hình này, chỉ trích của nghị sĩ Mỹ không những cố tình làm to chuyện mà còn rõ ràng bất công”.
Tại sao Mỹ không thể ngăn chặn hàng giả?
Tại buổi họp báo ngày 7/11, hai nghị sĩ Levin và McCain tiết lộ, họ đã nghĩ ra một biện pháp “tuyệt vời” để ngăn chặn linh kiện giả của Trung Quốc. Đó là tất cả sản phẩm điện tử đến từ Trung Quốc, bất luận là quân sự hay thương mại khi cập cảng Mỹ đều phải thông qua kiểm tra; tất cả chi phí phát sinh sẽ do nhà vận chuyển chịu. Hai nghị sĩ còn kêu gọi vào kỳ họp quốc hội năm tới, đề xuất tất cả chi phí thay thế linh kiện điện tử giả trong tương lai sẽ do nhà cung ứng chịu.
Trên Thời báo Hoàn Cầu, nhà nghiên cứu Nghê Phong của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc phản ứng: “Sự việc này cho thấy chi phí mua sắm quốc phòng của Mỹ vẫn là khoản tiền không rõ ràng và được quản lý một cách lỏng lẻo. Những người như ông McCain không những không kiểm điểm lại lỗ hổng trong hệ thống mua bán quốc phòng của Mỹ, chỉ dốc sức chỉ trích Trung Quốc, giống như người có bệnh không tìm chữa từ gốc, lại đi nhét thuốc vào tay người khác”.
Máy bay vận tải Spartan C-27 do công ty Leisun sản xuất |
Lỗ hổng trong hệ thống mua sắm quốc phòng của Lầu Năm Góc rốt cuộc nằm ở đâu?
Một bài viết đăng trên Business Week (Mỹ) năm 2008 đã cố gắng mổ xẻ bài toán này. Theo bài viết này, thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quyền cung ứng thiết bị cho Mỹ chủ yếu nằm trong tay các công ty vũ khí lớn. Tuy nhiên, sau Chiến tranh Lạnh, năm 1994, Lầu Năm Góc bắt đầu cải cách để tiết kiệm chi phí, từ sản phẩm quân sự chuyên dụng chuyển sang mua hàng có sẵn. Quốc hội Mỹ còn quy định mua sắm quân sự phải đạt tiêu chí 22% sản phẩm đến từ doanh nghiệp nhỏ.
Do tồn tại lỗ hổng về quản lý giám sát mua sắm quân sự nên một số công ty nhỏ lẻ làm ăn thủ công đã tranh thủ chớp thời cơ. Mấy năm trước, một người phụ nữ 40 tuổi tên là Mary vô tình nhìn thấy một đoạn quảng cáo mời thầu chip quân sự của Lầu Năm Góc trên mạng, và đã vớ được hợp đồng trị giá 2,7 triệu USD trong khi thậm chí không biết sản phẩm dùng để làm gì.
“Bỏ ra 500 USD chỉ mua được một chiếc bồn cầu” – Đó là cách thượng nghị sĩ John McCain bình luận về lối giao dịch xuất phát từ việc Lầu Năm Góc quá phụ thuộc vào nhà cung ứng độc quyền.
Còn một số phương tiện truyền thông quốc tế thì hài hước đánh giá, nghị sĩ McCain chưa chắc lo cho nước cho dân như những gì ông thể hiện. AFP bình luận: “Rất nhiều nhà chính trị Mỹ đều tin rằng trước cuộc tổng tuyển cử năm 2012, những câu chỉ trích nhằm vào Trung Quốc đều là những câu cử tri Mỹ rất thích nghe”. Bình luận này rõ ràng có ý ám chỉ hành động quyết liệt của ông Levin của McCain là nhằm mục tiêu chính trị.
Báo Quân đội của Pháp cũng bình luận: “Bối cảnh lớn mà hai Nghị sĩ McCain và Levin tuyên truyền mối đe dọa đến từ sản phẩm điện tử giả của Trung Quốc là phương án cắt giảm thâm hụt tài chính đang hướng vào khoản chi phí quân sự khổng lồ. Lớn tiếng tuyên bố sản phẩm điện tử giả của Trung Quốc đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ tất nhiên có lợi cho họ phản đối phương án cắt giảm chi phí quân sự”.
Sáng Nguyễn